Phân loại chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn chưa đạt hiệu quả cao

Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn chưa đạt hiệu quả cao, mang tính riêng lẻ, không đồng bộ, chưa được nhân rộng. Nhiều hộ gia đình không hợp tác thực hiện hoặc chỉ thực hiện khi có hỗ trợ kinh phí.

Trong Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2023 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố cho biết, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại khu vực nông thôn chủ yếu được tiến hành tại hộ gia đình đối với một số loại chất thải như giấy, bìa các tông, kim loại (để bán), chất thải thực phẩm (sử dụng cho chăn nuôi) để đáp ứng chỉ tiêu môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Các thành phần khác hầu hết không được phân loại mà để lẫn, bao gồm các thành phần có khả năng phân hủy và khó phân hủy như túi nilông, thủy tinh, cành cây, lá cây, hoa quả, xác động vật chết…

"Việc phân loại CTRSH khu vực nông thôn chưa đạt hiệu quả cao, mang tính riêng lẻ, không đồng bộ, chưa được nhân rộng. Nhiều hộ gia đình không hợp tác thực hiện hoặc chỉ thực hiện khi có hỗ trợ kinh phí", báo cáo nêu rõ.

Cũng theo báo cáo, việc thu gom, vận chuyển CTRSH khu vực nông thôn phần lớn là do các hợp tác xã, tổ đội thu gom tự quản đảm nhiệm; chi phí thu gom, vận chuyển được thỏa thuận với người dân với sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, mức thu và cách thu tùy thuộc vào từng địa phương. Tại nhiều khu vực nông thôn, do không thuận tiện về giao thông, dân cư không tập trung, nên hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH gặp nhiều khó khăn, còn tồn tại hiện tượng người dân tự tiêu hủy chất thải tại gia đình bằng các hình thức thủ công hoặc vứt bừa bãi ra sông suối, đổ thải tại khu vực đất trống mà không có sự quản lý của chính quyền địa phương. Nếu CTRSH được thu gom thì hầu hết cũng để lộ thiên tập trung tại một khu vực riêng, không có các quy trình BVMT hợp vệ sinh (lót thành đáy hố chôn, thu gom và xử lý nước rỉ rác, lấp đất che phủ…) hoặc được xử lý bằng hình thức đốt thủ công.

Theo thống kê sơ bộ, tỷ lệ thu gom CTRSH nông thôn trung bình toàn quốc năm 2023 đạt khoảng 77,69% và có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương và các vùng miền. Một số địa phương có tỷ lệ thu gom CTRSH nông thôn cao như TP.HCM (98,5%), Hà Nam, Hải Phòng, Bình Dương (98,0%), Bắc Ninh (96,0%), Hà Nội (95,0%), Thái Bình (92,0%), Cà Mau (91,5%) và Hậu Giang (90%); trong khi đó, một số tỉnh có tỷ lệ thu gom thấp như Điện Biên (22,0%), Cao Bằng (29, 2%), Gia Lai (29,1%) và Đắk Lắk (24,2%). Nếu xét theo vùng, Đông Nam Bộ có tỷ lệ xử lý cao nhất (91,34%), kế tiếp là đồng bằng sông Hồng (90,95%), thấp nhất là Tây Nguyên (48,28%).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chất thải từ hoạt động trồng trọt

Theo báo cáo, hằng năm, hoạt động trồng trọt phát sinh một lượng lớn CTR nguy hại, chủ yếu là bao bì hóa chất BVTV, phân bón hóa học. Hiện nay, việc quản lý bao bì hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu trong môi trường vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh phí cũng như nguồn lực thực hiện. Chỉ xét riêng số lượng bể chứa bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng tại các địa phương hiện nay cũng đã cho thấy rất khó đáp ứng yêu cầu thu gom khối lượng phát sinh thực tế. Mặt khác, mật độ bể thu gom vỏ bao bì hóa chất BVTV còn tương đối mỏng (5 - 10 ha/bể), chưa đáp ứng được quy định tối thiểu 03 ha đất canh tác trồng cây hằng năm phải có 01 bể theo quy định của Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT.

Ngoài các loại chất thải nêu trên, chất thải là rơm rạ, thân các loài cây lương thực sau thu hoạch cũng chiếm tỷ trọng khá lớn. Tại hầu hết các địa phương khu vực miền Nam, lượng chất thải này được tận thu tối đa để làm thức ăn cho gia súc và nuôi trồng nấm rơm… nên hầu như không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, ở một số địa phương khu vực phía Bắc, các loại chất thải, phụ phẩm từ hoạt động trồng trọt không được tái sử dụng, thường bị đổ thải và đốt ngay trên đồng ruộng, đặc biệt vào những thời điểm mùa thu hoạch. Việc đốt tập trung một khối lượng lớn rơm rạ đã gây hiện tượng khói mù, ô nhiễm môi trường không khí cho các vùng lân cận vào một số thời điểm trong năm. Mặc dù, trong những năm gần đây, đã có một số chương trình, đề tài nghiên cứu việc sử dụng rơm rạ làm chế phẩm vi sinh nhưng kết quả mới chỉ dừng ở phạm vi nghiên cứu, ứng dụng trong quy mô nhỏ, chưa được triển khai ứng dụng rộng rãi.

Chất thải từ hoạt động chăn nuôi

Chất thải chăn nuôi là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp. Cả nước hiện nay có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 12.349 trang trại chăn nuôi tập trung; trong đó phổ biến là chăn nuôi lợn (khoảng 4 triệu hộ) và gia cầm (gần 8 triệu hộ), với tổng đàn khoảng 467 triệu con gia cầm, 24 triệu con lợn và 8 triệu con gia súc. Tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh cũng chỉ chiếm 10%. Theo Báo cáo công tác BVMT ngành nông nghiệp năm 2023, ước tính lượng nước thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi lợn, trâu, bò là 260,48 triệu m3 , trong đó nước thải phát sinh từ chăn nuôi lợn chiếm 84,9%; nước thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản là hơn 1,68 triệu m3 /năm.

Báo cáo cho biết, vẫn còn một số hộ chăn nuôi không xử lý chất thải bằng bất kỳ phương pháp nào mà xả thẳng ra môi trường bên ngoài. Tại một số trang trại chăn nuôi gia súc, chất thải được thu gom và bán lại cho các cơ sở chế biến phân vi sinh hoặc được tái sử dụng để nuôi cá hoặc ủ biogas. Tuy nhiên, các hoạt động này chỉ mang tính nhỏ lẻ, khối lượng chất thải được xử lý là rất nhỏ so với tổng khối lượng chất thải ngành chăn nuôi.

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/phan-loai-chat-thai-ran-sinh-hoat-o-nong-thon-chua-dat-hieu-qua-cao-96119.html
Zalo