Rà soát, giải quyết các dự án có sử dụng đất chậm triển khai
Trên địa bàn tỉnh có một số dự án khu dân cư, tái định cư ngoài ngân sách kéo dài thời gian qua. Nhiều trường hợp người dân đã xây dựng nhà ở kiên cố trong khu dân cư, tái định cư nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc này đại biểu HĐND tỉnh Long An nhiều lần chất vấn; UBND tỉnh đã thành lập Tổ rà soát xử lý; các sở, ngành, địa phương nhiều lần họp, đề ra giải pháp xử lý nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến.
Điển hình như một số dự án trên địa bàn huyện Đức Hòa, Bến Lức tồn tại, kéo dài lâu, có nhiều khiếu nại.
Cụ thể, huyện Đức Hòa có dự án Khu tái định cư giai đoạn 2, diện tích 110ha tại xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa do Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo làm chủ đầu tư.
Huyện Bến Lức có các dự án: Khu dân cư Trung tâm thị trấn Bến Lức do Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng và Bất động sản Thái Bình Dương làm chủ đầu tư; Dự án Khu tái định cư và nhà vườn giai đoạn 2, 3, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng Phú An làm chủ đầu tư; Dự án Khu dân cư Gò Môn, diện tích khoảng 15,6ha tại xã Phước Lợi, huyện Bến Lức do Công ty Cổ phần Địa ốc 6 làm chủ đầu tư,...
Thời gian qua, UBND tỉnh có nhiều chỉ đạo giao nhiệm vụ cho các sở, ngành tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, xử lý các dự án đầu tư chậm, kéo dài nhiều năm, tồn đọng về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ tái định cư.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các sở, ngành và UBND cấp huyện tiến hành rà soát, kiểm tra 137/152 dự án có sử dụng đất chậm tiến độ. Qua đó, đã ban hành 47 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực đầu tư với số tiền hơn 3,7 tỉ đồng; rà soát thu hồi chủ trương đầu tư 54 dự án theo quy định.
Hầu hết các dự án này đều chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm kể từ khi có chủ trương do gặp các khó khăn, vướng mắc, trong đó có nhiều nguyên nhân lẫn khách quan, chủ quan. Đó là vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng (do biến động giá đất, tranh chấp đất đai); vướng mắc trong việc thực hiện thủ tục đất đai chờ phê duyệt chuyển mục đích đất lúa, về thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Ngoài ra, một số chủ đầu tư chậm thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra; nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Công tác phối hợp kiểm tra, giám sát dự án của các sở, ngành, địa phương chưa được chặt chẽ, chưa quyết liệt trong đề xuất thu hồi dự án. Việc xử lý dự án sau khi thu hồi cũng gặp khó khăn về cơ sở pháp lý.
Theo ông Nguyễn Minh Lâm, để giải quyết dứt điểm các dự án có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư dự thảo Nghị quyết về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn tỉnh, lấy ý kiến và trình HĐND tỉnh thông qua để làm cơ sở triển khai, thực hiện.
Nghị quyết quy định các giải pháp, biện pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có phân 3 nhóm dự án là: Nhóm dự án thu hồi; Nhóm dự án vi phạm được tiếp tục triển khai; Nhóm dự án vi phạm phải xử lý trước khi tiếp tục triển khai hoặc thu hồi.
Nghị quyết có đề ra giải pháp cho từng nhóm dự án; kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án chậm triển khai, nhà đầu tư không tích cực đẩy nhanh tiến độ dự án, gây bức xúc cho người dân. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, bảo đảm môi trường đầu tư minh bạch, an toàn, công bằng hơn nữa trong thời gian tới; đồng thời cũng nhằm mục tiêu không để lãng phí đất đai./.
Lê Đức