Đến năm 2050, Hà Nội là thành phố toàn cầu
Tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội là thành phố toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng, xứng tầm đại diện vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1569 phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi, ranh giới quy hoạch gồm toàn bộ phần lãnh thổ Thủ đô Hà Nội có tổng diện tích tự nhiên là 3.359,84 km2. Phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Vĩnh Phúc; phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Hà Nam, tỉnh Hòa Bình; phía Đông giáp tỉnh Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hưng Yên; phía Tây và Tây Bắc giáp tỉnh Hòa Bình, tỉnh Phú Thọ.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực;
Là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của cả nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là trung tâm kinh tế tài chính lớn; trung tâm hàng đầu về giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; thành phố thanh bình, người dân hạnh phúc.
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5 - 9,5%/ năm thời kỳ 2021 - 2030. Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2030 gấp 3,4 lần năm 2020; đóng góp 15 - 16% tổng sản phẩm (GDP) của cả nước, khoảng 45 - 46% GRDP của vùng đồng bằng sông Hồng. GRDP bình quân/người (giá hiện hành) đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD.
Về xã hội, quy mô dân số thường trú khoảng 10,5 - 11 triệu người; dân số vãng lai quy đổi khoảng 1,45 triệu người.
Về môi trường, tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 6,2%. Diện tích cây xanh đô thị phấn đấu khoảng 10-12 m2/người. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%, trong đó, tỷ lệ được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp dưới 10%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được phân loại tại nguồn đạt 100%, trong đó, tỷ lệ được thu, gom xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 98%.
Về đô thị và nông thôn, tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%; tỷ lệ vận tải công cộng phấn đấu đáp ứng 30 - 40% nhu cầu đi lại của người dân đô thị...
Tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội là thành phố toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng, xứng tầm đại diện vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên thế giới; là nơi đáng đến và lưu lại, nơi đáng sống và cống hiến. Người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.
GRDP bình quân đầu người khoảng 45.000 - 46.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80 - 85%.
Cũng theo quy hoạch vừa được phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm cho Thủ đô Hà Nội là: bảo vệ môi trường và cảnh quan; phát triển đô thị và nông thôn; phát triển kinh tế; phát triển văn hóa – xã hội và phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bốn khâu đột phá gồm: Thể chế và quản trị; hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ và tài nguyên nhân văn; đô thị, môi trường và cảnh quan.
Quy hoạch cũng nêu phương hướng phát triển các ngành quan trọng như dịch vụ (thương mại, du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics), công nghiệp và xây dựng; nông, lâm nghiệp và thủy sản; kinh tế số; phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực như văn hóa, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, lao động việc làm, an sinh xã hội, khoa học và công nghệ, an ninh quốc phòng và đối ngoại.
5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế
Phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực phát triển, 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 vùng đô thị.
Trong đó, 5 không gian phát triển gồm không gian trên cao, không gian ngầm dưới mặt đất, không gian công cộng, không gian văn hóa sáng tạo và không gian số. Các hành lang, vành đai kinh tế Thủ đô được hình thành trên cơ sở các tuyến hành lang kinh tế được xác định trong Quy hoạch tổng thể quốc gia.
5 trục động lực gồm trục sông Hồng; trục Hồ Tây - Cổ Loa; Nhật Tân - Nội Bài; Hồ Tây - Ba Vì và trục phía Nam.
5 vùng kinh tế xã hội: vùng trung tâm (gồm khu vực nội đô lịch sử; khu vực đô thị trung tâm và đô thị trung tâm mở rộng tại phía Nam sông Hồng); vùng phía Đông; vùng phía Nam, vùng phía Tây và vùng phía Bắc.
5 vùng đô thị được phát triển gồm: vùng đô thị trung tâm, vùng thành phố phía Tây, vùng thành phố phía Bắc, vùng đô thị phía Nam và vùng đô thị Sơn Tây – Ba Vì.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cũng gồm phương án phát triển các khu chức năng, phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai, phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện, phương án bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh hoạt, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các giải pháp gồm huy động, sử dụng vốn đầu tư, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, giải pháp về bảo vệ môi trường, giải pháp về khoa học và công nghệ; giải pháp về cơ chế chính sách liên kết phát triển; giải pháp quản lý, kiểm soát, phát triển đô thị và nông thôn; giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành 12/12/2024.