Cần có quy định an toàn cho sự kiện ngoài trời
Công viên Bờ sông Sài Gòn, phố đi bộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, phố đi bộ hồ Gươm, quảng trường Đà Lạt, các sân vận động... vốn từ lâu nay đã là những địa điểm diễn ra các sự kiện giải trí lớn, thu hút một lượng khán giả có thể nói là khổng lồ. Cá biệt, có những chương trình gần đây còn quy tụ tới hàng chục ngàn khán giả, được xem là kỷ lục của showbiz Việt.
Tất cả đều là minh chứng cho thấy sự phát triển của công nghiệp biểu diễn ở Việt Nam những năm qua. Nhưng, song hành với sự phát triển ấy, quy định về an toàn vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Ở đêm diễn "Anh trai say hi" vừa rồi tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, đã có khán giả bị ngất và ban tổ chức đã hoàn toàn bị động với tình huống này. Chỉ đến khi một khán giả tham gia trò chơi, có được micro trên tay thì ban tổ chức mới được khán giả này thông báo. Sau chương trình, ban tổ chức đã phải lên tiếng xin lỗi công khai trên phương tiện truyền thông. Rất may, không có sự cố đang tiếc nào xảy ra. Song, nó mở ra vấn đề rất lớn về an toàn của các đại chương trình nơi công cộng.
Trong mấy năm qua, ở TP Hồ Chí Minh, các tai nạn sập sân khấu đã diễn ra nhiều lần và có tai nạn kéo theo thương vong. Nhưng, chính sự thờ ơ của truyền thông (vì lý do nào đó), những sự cố ấy không được đánh động để có thể tạo ra một yêu cầu về quy định an toàn. Trong khi đó, ở các quy định hiện hành đối với biểu diễn nghệ thuật, yêu cầu phải có xe cứu thương, cứu hỏa vẫn là bắt buộc nhưng gần như không có sự kiện nào chuẩn bị sẵn những điều kiện vật chất tối thiểu như vậy cả.
Hiện nay, sau những sự cố sập sân khấu mới xảy ra năm 2024 vừa rồi, phía cơ quan quản lý nhà nước đang xem xét việc xây dựng quy chế an toàn cho sự kiện ngoài trời với những điểm chính như: phải có hồ sơ thẩm định an toàn kết cấu sân khấu, khán đài; phải có hồ sơ thẩm định an toàn cháy nổ; phải có kiểm tra thử tải và xuất xứ của các truss không gian (kết cấu dàn khung) dùng để treo thiết bị trên cao; và cuối cùng, phải có phương án an ninh, phòng cháy, chữa cháy cho sự kiện. Tất cả các yêu cầu trên đều chi tiết, cần thiết, nhưng điều đáng nói là hiện nay vẫn chưa có một văn bản pháp quy cụ thể để buộc các đơn vị tổ chức phải tuân thủ nghiêm. Sự chậm trễ của việc chưa có một văn bản pháp quy như vậy trong tương quan số lượng chương trình được tổ chức ngày một nhiều hơn, dồn dập hơn khiến cho nhiều người quan tâm cảm thấy thực sự lo lắng trước các rủi ro tai nạn.
Việc sớm có một quy định bằng văn bản pháp luật cho các hồ sơ kể trên là cấp bách và cần phải lập tức đưa vào hiệu lực với mục đích chưa đáp ứng các hồ sơ, chưa cấp phép tổ chức sự kiện. Cần phải tránh chuyện nước tới chân mới nhảy hoặc văn bản chỉ được ban hành khi đã có những sự cố đáng tiếc xảy ra khi mà hậu quả của nó đã không thể nào còn cứu vãn nữa.