Rà soát 'điểm nghẽn' trong quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giáo dục
Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục là rất cần thiết.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP và Nghị định số 127/2021/NĐ-CP.
Ngày 16/5, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP và Nghị định số 127/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Hội thảo diễn ra tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc.
Rà soát quy định pháp luật để nâng cao tính minh bạch
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, việc ban hành Nghị định số 04/2021/NĐ-CP và Nghị định số 127/2021/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho ngành giáo dục trong công tác xử phạt vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, qua 4 năm thực hiện, thực tiễn cho thấy nhiều quy định trong hai nghị định này không còn đáp ứng đầy đủ yêu cầu quản lý trong bối cảnh ngành Giáo dục đã và đang có những chuyển biến mạnh mẽ.
"Các quy định pháp luật liên quan cũng có sự điều chỉnh mạnh mẽ như Luật Thanh tra việc xử lý vi phạm hành chính. Vì vậy rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến xử phạt hành chính là rất cần thiết nhằm đảm bảo tính kịp thời, phù hợp với thực tiễn và đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Đặc biệt là nâng cao tính minh bạch và khả thi trong thực thi", Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.
Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị các cơ sở giáo dục tập trung thảo luận, góp ý vào các trọng tâm như: Xác định rõ các quy định hiện hành có bất cập, khó áp dụng trong thực tiễn và cần thay thế, gỡ bỏ; Bổ sung các hành vi vi phạm mới trong thực tiễn, các khoảng trống trong quản lý ngành cần bổ sung.
“Thực tế, các cơ sở giáo dục vẫn hay ý kiến về các vi phạm mới nhưng chưa có quy định xử lý, chế tài nên chưa xử lý được. Vì vậy, rất cần ý kiến đóng góp kỹ cần bổ sung gì để có quy định phù hợp, để công tác quản lý tốt hơn”, Thứ trưởng khuyến nghị.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị các cơ sở giáo dục xem xét từ thực tiễn, từ đó góp ý để rà soát các hình thức xử lý vi phạm đã phù hợp hay chưa.
“Có ý kiến cho rằng trong xử phạt vẫn còn nhẹ quá, hoặc hình thức chế tài, cách khắc phục hậu quả chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu nên cần phải góp ý rõ hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nói.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, hiện nay Trung ương, Chính phủ đã quyết định chuyển Thanh tra của các Bộ, ngành về Thanh tra Chính phủ.
“Ngày 31/5 này sẽ kết thúc nhiệm vụ của Thanh tra Bộ GD&ĐT để chuyển về Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, nhiệm vụ lấy ý kiến xây dựng, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP và Nghị định số 127/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục vẫn được giao cho Bộ GD&ĐT thực hiện, nên chúng ta phải làm tốt dưới góc độ thực tiễn”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo, ThS Nghiêm Thị Hồng Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) đề nghị các cơ sở giáo dục đại học cũng có ý kiến đánh giá tính đầy đủ của các nhóm hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định tại các mục từ mục 1 đến mục 8 Chương II của Nghị định.
Cụ thể, các quy định gồm: Các hành vi vi phạm quy định về thành lập, cho phép thành lập; sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục hoặc tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục; chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục; Các hành vi vi phạm quy định về hoạt động tuyển sinh; Các hành vi vi phạm quy định về nội dung, chương trình, đào tạo liên thông, liên kết; Các hành vi vi phạm quy định về tư vấn du học; hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục…
Ngoài 8 nhóm hành vi vi phạm quy định tại Chương II của Nghị định, Vụ Pháp chế cũng đề nghị các cơ sở giáo dục tập trung đề xuất bổ sung nhóm hành vi vi phạm mới và cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của nội dung đề xuất. Đánh giá tính phù hợp của các hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm quy định từ Điều 5 đến Điều 34 Nghị định.
“Ban soạn thảo mong muốn các chuyên gia đã có đề xuất đối với việc áp dụng các hình thức xử phạt tương ứng với từng hành vi vi phạm; việc tăng hoặc giảm mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm; việc bãi bỏ, bổ sung hoặc thay đổi biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm và cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của nội dung đề xuất”, ThS Nghiêm Thị Hồng Vân nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Q.H
Phân loại rõ các loại hình hoạt động giáo dục
Ông Nguyễn Văn Phong – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương cho biết, tuy số lượng đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn khá lớn, nhưng nhờ công tác quản lý chặt chẽ nên tình trạng vi phạm rất ít.
Cụ thể, chỉ có hai trường hợp bị thanh tra phát hiện và xử phạt, gồm: một cơ sở giáo dục vi phạm hành vi thành lập hoặc cho phép thành lập, giải thể tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; và một trường hợp trường THPT vi phạm hành vi tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học không đúng quy định.
Để thực hiện tốt công tác quản lý, theo ông Phong, hằng năm Sở GD&ĐT đều ban hành văn bản thống nhất chỉ tiêu tuyển sinh đối với các trường tư thục thuộc phạm vi quản lý. “Đa số các đơn vị đều thực hiện theo đúng quy định, Sở GD&ĐT chưa phát hiện hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động tuyển sinh”, ông Phong nói.
Tuy nhiên, ông Phong cũng kiến nghị phân loại rõ các loại hình hoạt động giáo dục để có mức xử phạt tương ứng. “Nên xem xét tăng thêm mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng, có tính chất lập lại hoặc gây hậu quả lớn để tăng tính răn đe”, ông Phong nói.

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo.
Trong khi đó, ông Lê Văn Tuyền - Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin, qua rà soát của Sở, trên địa bàn tỉnh hiện có 12 cơ sở tư vấn du học không đủ điều kiện hoạt động kinh doanh. Lý do là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học đã hết hiệu lực hoặc đã đăng ký ngừng hoạt động.
“Sở GDĐT đã thông báo đến các cơ sở này và đăng trên website của Sở. Từ đó, các cơ sở đã khắc phục bằng cách đăng ký lại hoặc tuyên bố giải thể”, ông Tuyền nói.
Theo ông Tuyền, theo quy định hiện tại, các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đã tương xứng, phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm, thể hiện tính răn đe cao.
Xử phạt nghiêm trường cố tình tuyển sinh tràn lan, tuyển vượt
Ở góc độ cơ sở đào tạo, TS Quách Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM bày tỏ băn khoăn trước quy định xử phạt nếu các trường đại học tuyển vượt quá 3% chỉ tiêu. Theo ông, do không thể kiểm soát được tỷ lệ thí sinh ảo nên nhiều trường buộc phải tuyển vượt, dẫn đến vi phạm và bị xử phạt.
“Trường tôi cũng vừa bị xử phạt vì quy định này. Trong khi đó, việc tính toán tỷ lệ ảo là điều rất khó. Có những ngành khó tuyển, chúng tôi chỉ tiêu 20 em, nhưng đôi khi tuyển vượt một em để phòng trường hợp thí sinh không nhập học thì cũng đã vi phạm. Nếu tất cả các em đều nhập học, tỷ lệ vượt sẽ là 5%, tức đã vượt ngưỡng cho phép 3%”, ông Hải chia sẻ.
Từ thực tế đó, ông Hải kiến nghị cần có sự điều chỉnh trong các quy định liên quan đến hành vi vi phạm trong hoạt động tuyển sinh, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở đào tạo.

TS Quách Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM phát biểu ý kiến.
Đồng tình với kiến nghị này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho hay, Thanh tra Bộ GD&ĐT có thông tin rằng đã xử phạt vi phạm liên quan đến tuyển vượt 3% tới hơn 100 trường.
"Tôi có đề nghị nếu các trường vi phạm nhiều như thế thì phải xem lại quy định. Khi một quy định mà có số lượng vi phạm đông thế thì phải xem lại quy định đó có phù hợp không. Vì vậy, nhân đây các trường nên có ý kiến thực tiễn để Bộ GD&ĐT có cơ sở đề xuất thay đổi cho phù hợp", Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng, đối với những ngành tuyển sinh từ 300–400 chỉ tiêu, tỷ lệ vượt 3% là con số đáng kể. Ngược lại, với những ngành chỉ tuyển 20 chỉ tiêu, nếu vượt chỉ 2 thí sinh thì tỷ lệ đã lên tới 10%. Do đó, cần xem xét xây dựng quy định phù hợp hơn với thực tiễn.
Mục tiêu quan trọng nhất của quy định là nhằm ngăn chặn tình trạng các trường chạy theo số lượng, tuyển sinh tràn lan. Quy định cần được thiết kế sao cho vừa đảm bảo tính nghiêm minh, vừa phản ánh đúng thực tế quản lý tuyển sinh hiện nay. Bởi lẽ, dù đa số các trường thực hiện nghiêm túc, vẫn tồn tại những trường hợp cá biệt chạy theo số lượng tuyển sinh một cách thiếu kiểm soát.
"Trường cố tình tuyển tràn lan chạy theo số lượng lớn ào ạt, cần phải kiểm tra và xử lý", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thông qua kết quả Hội thảo, cùng với ý kiến góp ý đối với Nghị định số 04/2021/NĐ-CP và Nghị định số 127/2021/NĐ-CP, từ đó ban soạn thảo của Bộ GD&ĐT sẽ tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tham mưu với Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định trong thời gian tới.