Nâng cao nhận thức, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

Nhằm nâng cao chất lượng dân số, ngày 16/5, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phối hợp với Sở Y tế Bắc Giang tổ chức truyền thông, xét nghiệm sàng lọc bệnh thalassemia (tan máu bẩm sinh) cho học sinh Trường Dân tộc nội trú trung học cơ sở và trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành (Lục Ngạn).

Tại buổi truyền thông, Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Vân Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Thalassemia (Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương) cho biết, thalassemia là bệnh tan máu bẩm sinh di truyền, có tỷ lệ người mang gen bệnh cao nhất trong tất cả các bệnh di truyền.

 Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Vân Hồng truyền thông về bệnh tan máu bẩm sinh đến học sinh.

Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Vân Hồng truyền thông về bệnh tan máu bẩm sinh đến học sinh.

Ở Việt Nam, bệnh có ở tất cả các dân tộc, tất cả các tỉnh, thành phố với khoảng 12 triệu người mang gen bệnh, trong đó có hơn 20 nghìn người bị bệnh mức độ nặng, phải điều trị truyền máu suốt đời. Mỗi năm, cả nước có thêm khoảng 8 nghìn trẻ sinh ra bị bệnh và khoảng 800 trẻ không thể chào đời do phù thai. Một số dân tộc có tỷ lệ mang gen bệnh cao như: Mường, Thái, Sán Chay, Tày, Dao, Nùng…

Tại Bắc Giang, tỷ lệ mắc bệnh tan máu bẩm sinh hiện nay khoảng 0,61/1.000 trẻ sơ sinh (tương đương với khoảng 18-20 trẻ mắc mỗi năm) và thuộc nhóm 21 tỉnh, thành phố trong cả nước có tỷ lệ mắc trên 0,5/1.000 trẻ sơ sinh.

 Đại diện Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương trò chuyện, tư vấn trực tiếp cho học sinh Trường Dân tộc nội trú trung học cơ sở và trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành.

Đại diện Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương trò chuyện, tư vấn trực tiếp cho học sinh Trường Dân tộc nội trú trung học cơ sở và trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành.

Mỗi năm, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang tiếp nhận, điều trị truyền máu cho hơn 100 trẻ từ 6 đến 15 tuổi bị bệnh, chủ yếu đến từ các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế; lượng máu sử dụng để truyền mỗi năm hơn 1,1 nghìn đơn vị, chiếm 50% tổng số máu sử dụng trong bệnh viện.

“Một bệnh nhân điều trị từ nhỏ đến năm 30 tuổi cần khoảng 3 tỷ đồng và cần truyền khoảng 600 đơn vị máu. Bệnh không thể chữa được song có thể phòng hiệu quả tới 90% thông qua tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn. Khi biết mình mang gen bệnh, các bạn trẻ sẽ có lựa chọn đúng đắn về hôn nhân, quyết định mang thai và sinh đẻ nhằm sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh”, bác sĩ Đặng Thị Vân Hồng cho biết.

Trong khuôn khổ chương trình, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức nhiều hoạt động gồm: Tập huấn về chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh tan máu bẩm sinh cho cán bộ, nhân viên y tế; truyền thông, phổ biến kiến thức về bệnh tan máu bẩm sinh cán bộ, giáo viên; lấy máu xét nghiệm sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh cho 170 học sinh khối lớp 11 và 12 Trường Dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành.

Được bác sĩ có kiến thức, có phương pháp truyền đạt những thông tin cơ bản về bệnh tan máu bẩm sinh, các em học sinh đều hào hứng lắng nghe và tiếp thu.

 Lấu mẫu xét nghiệm bệnh tan máu bẩm sinh cho học sinh Trường Dân tộc nội trú trung học cơ sở và trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành.

Lấu mẫu xét nghiệm bệnh tan máu bẩm sinh cho học sinh Trường Dân tộc nội trú trung học cơ sở và trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành.

Trong lúc chờ đến lượt lấy mẫu xét nghiệm, em Sẩm Lệ Quyên, dân tộc Hoa, học sinh lớp 12B có đôi chút lo lắng song khi được các bác sĩ tư vấn, Quyên cũng tự tin hơn. Theo lời Quyên, đây là lần đầu tiên em và các bạn trong lớp được nghe truyền thông trực tiếp về bệnh tan máu bẩm sinh. Em sẽ tuyên truyền để nhiều người cùng biết, phòng ngừa.

Cùng học lớp 12B, em Diệp Bách Việt, nhà ở xã Tân Lập (Lục Ngạn) cho biết: “Buổi truyền thông hôm nay rất có ý nghĩa với chúng em bởi sắp đến tuổi trưởng thành. Em sẽ chủ động khám sức khỏe trước khi kết hôn”.

Được biết, Trường Dân tộc nội trú trung học cơ sở và trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành hiện có 446 học sinh dân tộc thiểu số đến từ các xã vùng cao của huyện Lục Ngạn và một số xã, phường thuộc thị xã Chũ. Hoạt động truyền thông, xét nghiệm sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh là một trong những nội dung thuộc Dự án 7 "Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cô giáo Lê Thị Hoài Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Khi có kết quả xét nghiệm, nhà trường sẽ phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương thông báo đến từng học sinh và gia đình, đồng thời sẽ tổ chức tư vấn, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa cụ thể. Về phía nhà trường, chúng tôi sẽ nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động ngoại khóa về chăm sóc sức khỏe sinh sản nói chung, phòng bệnh tan máu bẩm sinh nói riêng trong những năm học tới, góp phần nâng chất lượng dân số”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nang-cao-nhan-thuc-phong-ngua-benh-tan-mau-bam-sinh-postid418227.bbg
Zalo