Rà soát, bảo đảm thống nhất khái niệm chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, chiều 24-4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Khẳng định cam kết của Việt Nam về phòng, chống rửa tiền

Trước yêu cầu minh bạch hóa thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp nhằm góp phần quan trọng để phòng, chống các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, tham nhũng, rửa tiền và tài trợ khủng bố, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp đã có quy định về “Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp”.

Theo đó, chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp có tư cách pháp nhân là cá nhân thực tế sở hữu trực tiếp hoặc sở hữu gián tiếp từ 25% trở lên vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp; cá nhân thực tế nhận trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% trở lên cổ tức hoặc lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp; cá nhân có quyền chi phối thực tế đối với doanh nghiệp. Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp chính xác, đầy đủ và kịp thời các thông tin theo quy định cho doanh nghiệp, đồng thời cập nhật cho doanh nghiệp khi có thay đổi thông tin để bảo đảm nghĩa vụ kê khai thông tin.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tại phiên họp, đa số các ý kiến đánh giá, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định tại Luật Doanh nghiệp là cần thiết và cấp bách để bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và khẳng định cam kết của Việt Nam trong thực thi kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu quy định ở mức độ hợp lý và bảo đảm các điều kiện cho việc thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, bảo đảm mục tiêu tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp phải được thực hiện với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp; tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, không tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp.

Với các quy định liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát, bảo đảm thống nhất về mặt khái niệm với Luật Phòng, chống rửa tiền; làm rõ khái niệm sở hữu gián tiếp vốn điều lệ doanh nghiệp, nhận gián tiếp cổ tức hoặc lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp; làm rõ cơ chế xác minh thông tin chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp; đồng thời lưu ý, việc sửa đổi, bổ sung luật phải tăng cường minh bạch, đáp ứng được cam kết quốc tế trong phòng, chống rửa tiền.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chính sách tài khóa, tiền tệ năm 2024 được điều hành chủ động, linh hoạt

Sáng 24-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024.

Theo Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Chính phủ xác định công tác phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên; ban hành nhiều văn bản để thực hiện kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tập trung chỉ đạo rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm giải quyết các điểm nghẽn gây lãng phí nguồn lực của nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chính sách tài khóa, tiền tệ năm 2024 được điều hành chủ động, linh hoạt. Nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quán triệt và thực hiện tốt từ khâu lập dự toán đến phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Công tác điều hành chi ngân sách nhà nước cơ bản chặt chẽ, hiệu quả.

Thảo luận về nội dung này, đa số các ý kiến nhất trí với báo cáo thẩm tra sơ bộ kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; đồng thời cho rằng, để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần tiếp tục khơi thông nguồn lực, rà soát các tài sản công sử dụng không hiệu quả; thực hiện tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang triển khai.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

* Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026.

HOÀNG CHUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ra-soat-bao-dam-thong-nhat-khai-niem-chu-so-huu-huong-loi-cua-doanh-nghiep-825472
Zalo