Phổ biến nhiều chính sách mới về hoạt động đầu tư

Tuy những thay đổi của Luật số 57/2024/QH15 (Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư và Luật Đấu thầu) mang lại nhiều cải cách tích cực, nhưng cũng đòi hỏi doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, cần chủ động nắm bắt thông tin và rà soát hoạt động kinh doanh-đầu tư.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Ngày 24/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội thảo “Luật số 57/2024/QH15 của Quốc hội và những chính sách mới về hoạt động đầu tư”.

Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, cho biết: Năm 2024 và 2025 chứng kiến những nỗ lực cải cách thể chế mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam. Trọng tâm là việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư-kinh doanh thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Tư duy xây dựng pháp luật cũng có sự thay đổi từ “không quản được thì cấm” sang kiến tạo và thúc đẩy phát triển, đẩy mạnh phân cấp-phân quyền. Năm 2024 đánh dấu nhiều thay đổi quan trọng với việc ban hành và sửa đổi hàng loạt luật liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư.

Nổi bật là các điều chỉnh trong Luật Đất đai về cơ chế thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất…; đặc biệt liên quan đến các dự án nhà ở thương mại và khu đô thị. Các luật về Đấu giá tài sản và Đấu thầu cũng được cập nhật, làm rõ các trường hợp và quy trình đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Luật Đầu tư được bổ sung quy định về Quỹ Hỗ trợ đầu tư nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và giới thiệu “Thủ tục đầu tư đặc biệt” rút gọn cho các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

Bên cạnh đó, các luật chuyên ngành như Luật Đầu tư công, Luật Địa chất và Khoáng sản, Luật Điện lực, Luật Chứng khoán cũng có những sửa đổi đáng kể. Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cũng được ban hành, quy định rõ các loại quy hoạch và cách xử lý khi có mâu thuẫn giữa các quy hoạch.

Tiến sĩ Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, chia sẻ những điểm mới trong Luật số 57/2024/QH15.

Tiến sĩ Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, chia sẻ những điểm mới trong Luật số 57/2024/QH15.

Theo Tiến sĩ Phan Đức Hiếu, trong năm 2025, Quốc hội sẽ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ sản xuất-kinh doanh; đồng thời, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong nước. Do đó, Quốc hội sẽ tiếp tục việc xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhiều luật quan trọng khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Khoa học-công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Quảng cáo…

Những sự sửa đổi này nhằm tiếp tục thể chế hóa các chính sách ưu đãi, linh hoạt trong đấu thầu, đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP); đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Còn theo Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký VIAC, với Luật số 57/2024/QH15, dự kiến trong thời gian tới sẽ phát sinh thêm nhiều vụ tranh chấp trong hoạt động đầu tư liên quan việc phân cấp-phân quyền cho các địa phương và PPP.

Cụ thể, việc phân cấp-phân quyền cho địa phương có thể tạo ra sự thiếu đồng bộ trong quy trình xử lý việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, khiến thời gian cấp phép dự án có thể bị kéo dài, tạo nguy cơ phát sinh tranh chấp giữa các bên liên quan. Bên cạnh đó, với các dự án PPP, phạm vi áp dụng được mở rộng, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong một số dự án trọng điểm được tăng lên…

Tuy nhiên, nếu không có cơ chế thực thi rõ ràng, thống nhất và minh bạch, những quy định mới này sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp. Vì vậy, Luật sư Châu Việt Bắc đề nghị các các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cần chủ động rà soát, cập nhật những thay đổi của pháp luật; đồng thời, cân nhắc các cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả nhằm kiểm soát rủi ro và bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong bối cảnh pháp lý đang chuyển động mạnh mẽ như hiện nay.

HOÀNG LIÊM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/pho-bien-nhieu-chinh-sach-moi-ve-hoat-dong-dau-tu-post874987.html
Zalo