Ra mắt cuốn sách hòa quyện khoa học và văn chương
Kết hợp hài hòa giữa văn chương và khoa học, tác phẩm 'Nàng tiên cá cuối cùng' của nhà văn Iida Turpeinen đã được vinh danh tại nhiều giải thưởng văn học ở Phần Lan.

Cuốn sách "Nàng tiên cá cuối cùng"
Nàng tiên cá cuối cùng của nhà văn Iida Turpeinen tái hiện hành trình 3 thế kỷ xoay quanh loài bò biển Steller - sinh vật huyền thoại được nhà tự nhiên học Georg Wilhelm Steller ghi chép vào năm 1741 trong chuyến thám hiểm Bắc Thái Bình Dương. Chưa đầy 30 năm sau khi được phát hiện, loài vật hiền lành này đã tuyệt chủng vì bàn tay con người.
Khéo léo lồng ghép những chi tiết khoa học tỉ mỉ - từ giải phẫu học của các loài động vật đến các khái niệm về địa chất và tiến hóa - vào một mạch truyện đầy tính nhân văn, tác phẩm mang âm hưởng của một bản giao hưởng bi tráng về sự mất mát và những thay đổi trong nhận thức của con người về thế giới tự nhiên. Tác phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ bởi sự đan cài tài tình giữa các yếu tố khoa học và văn chương, tạo nên một không khí day dứt, đầy chiêm nghiệm xuyên suốt tác phẩm.
Với Nàng tiên cá cuối cùng, nữ nhà văn Iida Turpeinen đã nhận Giải thưởng Văn học Helsingin Sanomat dành cho tác phẩm đầu tay xuất sắc nhất. Tác phẩm cũng lọt vào danh sách đề cử của Giải thưởng Finlandia (giải thưởng văn học lớn nhất tại Phần Lan) và Giải thưởng Torch-Bearer (giải thưởng nhằm tôn vinh các tác phẩm văn học Phần Lan nổi bật trong năm có triển vọng thành công trên thế giới). Cuốn sách đã được dịch và xuất bản tại nhiều nước trên thế giới như Đan Mạch, Vương quốc Anh, Pháp, Hi Lạp, Italia, Hungary, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ…
Nhân dịp Nàng tiên cá cuối cùng ra mắt độc giả Việt Nam, trong khuôn khổ Tuần lễ Văn học Phần Lan, NXB Kim Đồng phối hợp cùng Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam tổ chức sự kiện giao lưu ra mắt cuốn sách vào 14h30 ngày 19/7/2025 tại 55 Quang Trung, Hà Nội.
Chương trình có sự tham gia của hai dịch giả Võ Xuân Quế và Bùi Việt Hoa, những người đã chuyển ngữ tác phẩm từ tiếng Phần Lan sang tiếng Việt; PGS. TS. Nguyễn Thành Nam - Phó Trưởng Khoa Sinh học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Đảm nhận vai trò điều phối buổi trò chuyện là nhà văn Di Li.