Người uy tín - giữ và truyền 'lửa' văn hóa dân tộc
Không chỉ là cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) còn là những 'người giữ lửa' lặng thầm truyền giữ bản sắc văn hóa, gắn kết cộng đồng, hun đúc hồn cốt dân tộc giữa đời sống hiện đại.

ĐVTN thăm tặng quà tết ông Huỳnh Văn Cơ
Gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa Chăm
Hiện toàn khu vực ở phía Đông Nam tỉnh có 87 người có uy tín (của 35 dân tộc anh em cùng sinh sống), là những người am hiểu sâu sắc phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết, nghi lễ truyền thống. Họ vừa là “cánh tay nối dài” của Đảng, chính quyền, vừa là “hạt nhân văn hóa” trong cộng đồng ngày đêm trăn trở, tìm cách gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.
Tại xã Tuy Phong, Sư cả Đoàn Minh Duyên - người có uy tín cộng đồng Chăm theo đạo Bàlamôn tại thôn Tuy Tịnh 2 cho biết: “Tôi luôn nhắc bà con mình gìn giữ tiếng nói, chữ viết, phong tục truyền thống. Phối hợp với các chức sắc để bổ sung kiến thức về ngôn ngữ, lễ nghi giúp thế hệ trẻ hiểu và tự hào về văn hóa dân tộc mình. Cái gì lạc hậu thì dần cải tiến, nhưng cái gì là tinh hoa thì phải giữ lấy, vì đó là cội nguồn. Mong rằng tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện để văn hóa Chăm được gìn giữ và phát triển bền vững”.
Là người có vị trí cao nhất trong Hội đồng chức sắc Bàlamôn giáo, Sư cả Thường Xuân Hữu (ở thôn Lạc Trị, xã Liên Hương) vẫn ngày ngày thực hành nghi lễ, xướng kinh tại các đền tháp, đồng thời hướng dẫn lớp trẻ học chữ Chăm (Akhar Thrah), sưu tầm và lưu giữ những bộ kinh thư cổ quý giá được viết trên giấy dó, lá buông… của người Chăm. Những cuốn sách cổ này từ vài trang đến vài trăm trang giấy, với các nội dung phong phú về kinh luật tôn giáo, văn học, cách tổ chức nghi lễ, những bài hát dân ca, lịch pháp… là di sản đặc sắc của văn hóa Chăm luôn được ông giữ gìn và lan tỏa đến cộng đồng. Từ năm học 2015-2016, khi chữ Chăm được giảng dạy tại 22 trường tiểu học trên địa bàn có người Chăm sinh sống, ông càng nỗ lực vận động học sinh theo học. “Với vai trò là người đi trước, tôi mong các chức sắc trẻ tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu để những giá trị văn hóa của người Chăm không bị mai một”, ông nói.

Sư cả Thường Xuân Hữu
Thắt chặt đoàn kết, nuôi dưỡng văn hóa làng
Không chỉ gìn giữ bản sắc, những người có uy tín còn góp phần gắn kết cộng đồng, xây dựng tình làng nghĩa xóm. Ông Huỳnh Văn Cơ, người có uy tín thôn Phò Trì (xã Sơn Mỹ) đã vận động bà con các dân tộc Kinh, Chăm, Tày, Thái, Khmer, K’Ho… sống chan hòa, đùm bọc nhau như anh em một nhà. Những năm qua, thôn đã quyên góp hàng chục triệu đồng hỗ trợ người nghèo, bệnh nặng, hoạn nạn.
Ông Cơ còn đặc biệt quan tâm việc duy trì lễ hội truyền thống như lễ hội Kỳ Yên, Tết Ramưwan, cúng đầu năm... Đồng thời, ông vận động bà con loại bỏ tín ngưỡng lạc hậu, tiết giảm hình thức lễ nghi để xây dựng đời sống văn hóa tiết kiệm, phong phú và hài hòa. Các nhạc cụ truyền thống như trống, kèn, chiêng… luôn được bảo quản cẩn thận, không gian thờ cúng luôn được gìn giữ trang nghiêm.
Vai trò của người có uy tín ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh chính quyền địa phương 2 cấp vừa được kiện toàn. Họ không chỉ góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, mà còn là lực lượng nòng cốt trong gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Thống kê của Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 848 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Đồng bào DTTS có hơn 683.000 người, chiếm 17,6% dân số toàn tỉnh và có tới 49/54 thành phần dân tộc sinh sống.