Thôn Chăm đổi thay

Có lịch sử hình thành hơn 200 năm, thôn Chăm, xã Tánh Linh từ nghèo khó đã đổi thay mạnh mẽ...

Đội văn nghệ thôn Chăm, Tánh Linh

Đội văn nghệ thôn Chăm, Tánh Linh

Về thôn Chăm ở ven quốc lộ 55, xa xa đã thấy những ngôi nhà mới khang trang với mái ngói đỏ tươi. Trong thôn là những tuyến đường bê tông bàn cờ nối liền các xóm, bên đường là những hàng cây xanh tỏa bóng mát, lá cây đung đưa theo gió nhìn đẹp như tranh vẽ. Cảm nhận đầu tiên là thôn Chăm giờ đã xanh, sạch không còn cảnh như trước đây đường sình lầy cộng thêm phân trâu, bò trên đường đi. Anh Thông Phi – Bí thư chi bộ thôn Chăm kể: “Trước đây, nhà nào cũng khổ, lo cái ăn còn vất vả nên chưa ai chú ý đến vệ sinh môi trường. Gần đây, đời sống người dân khá lên, con em được đi học đầy đủ có kiến thức, nhu cầu cuộc sống cao hơn, ý thức trong cộng đồng người Chăm nâng lên rõ nét...”.

Thôn Chăm có 365 hộ, phần lớn sản xuất nông nghiệp nhưng thuộc loại thôn khá giả bởi có diện tích lúa nước sản xuất 3 vụ lớn, trên 350 ha. Ngoài ra, thôn còn có khoảng 40 ha cao su, 10 ha điều và nhiều đất rẫy trồng các loại cây khác. Thôn hiện có 335 hộ có kinh tế từ trung bình khá, có một số hộ giàu khi hàng năm thu nhập cả tỷ đồng. Việc người chăm tích lũy ruộng đất đã có từ nhiều thế hệ nhưng chỉ khi người Chăm áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, tạo ra năng suất và sản phẩm chất lượng thì thu nhập mới tăng lên. Ở thôn Chăm, ngoài bí thư chi bộ Thông Phi là người tiên phong làm giàu từ cây cao su, buôn bán nông sản còn có nhiều hộ giàu khác như gia đình Thông Văn Thanh ở tổ 2 có gần 20 ha cao su, mỗi năm thu nhập gần 3 tỷ đồng, ông Thông Tân ở tổ 4 có gần 7 ha cao su, mỗi năm thu hơn 1 tỷ đồng... Đời sống người dân ngày càng khấm khá, trong thôn cũng mở ra nhiều điểm kinh doanh các mặt hàng khác nhau. Thôn hiện có 7 cửa hàng tạp hóa, 3 điểm kinh doanh hàng la gim, 1 cơ sở thu mua nông sản và hàng chục quán phục vụ ăn uống cùng một số dịch vụ khác đáp ứng nhu cầu của bà con. Phong trào văn hóa – thể thao trong thôn cũng được người dân hưởng ứng mạnh. Có đội bóng đá nam thường xuyên tham gia các giải khu vực. Có đội văn nghệ chuyên phục vụ các bài hát, điệu múa Chăm truyền thống.

Theo anh Thông Phi, đời sống người Chăm được như hiện nay là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước rất nhiều: Từ đầu tư làm những con đường làng đến tập huấn kỹ thuật làm lúa chất lượng cao, kỹ thuật chăm sóc - cạo mủ cây cao su, hỗ trợ máy móc làm nông nghiệp và nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi... Qua thời gian học hỏi và chăm chỉ làm ăn, người dân thôn Chăm từng bước đổi mới và đầu tư cho con em ăn học. Ở thôn hiện có 13 người là cán bộ công nhân viên nhà nước, trong đó có 2 người là bác sĩ, 1 y sĩ, 4 giáo viên và 6 người là công an nhân dân...

Thôn Chăm đang đổi thay từng ngày theo hướng hiện đại hóa nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc Chăm khi những lễ hội truyền thống được tổ chức đúng nghi lễ vào những ngày quan trọng, tạo sự đoàn kết tương thân tương ái và giúp nhau làm kinh tế hộ gia đình. Từ sự đồng lòng ấy, nhiều người đã tham gia trồng cây xanh, làm vệ sinh môi trường tạo cho thôn xanh - sạch - đẹp...

PHÚC THẮNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/thon-cham-doi-thay-382812.html
Zalo