Quyết tâm của Chính phủ

Năm 2024 chưa kết thúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025. Đây là động thái quan trọng trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều biến động, đặt ra thách thức lớn nhưng cũng mở ra không ít cơ hội cho Việt Nam. Công điện thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng GDP, nhằm chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới của đất nước.

Trong Công điện số 137/CĐ-TTg ký ban hành ngày 20.12, Thủ tướng kêu gọi các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ, triển khai quyết liệt các giải pháp để đạt tăng trưởng GDP trên 8%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao. Các nhóm giải pháp quan trọng đã được nêu ra, như: làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng); thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây...). Cùng với đó là huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển; tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

Trong đó, đáng chú ý là Thủ tướng yêu cầu tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; tăng cường hợp tác công - tư. Đồng thời, tìm kiếm và mở rộng thị trường mới, tận dụng hiệu quả 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết; nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, phòng, chống gian lận xuất xứ hàng hóa. Về cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; kịp thời nắm bắt, xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI, nhất là thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án…

Công điện 137/CĐ-TTg phản ánh quyết tâm của Chính phủ và người đứng đầu nhằm đạt được kết quả tăng trưởng cao nhất trong năm 2025 - năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Những thành quả của năm 2025 cũng chính là các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Đặt trọng tâm vào đầu tư công và cải cách thủ tục hành chính là định hướng đúng đắn của Chính phủ, bởi hai yếu tố này có khả năng tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Khi đầu tư công được đẩy mạnh, các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng và đô thị sẽ không chỉ kích thích kinh tế trước mắt mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài. Trong khi đó, cải thiện môi trường kinh doanh là chìa khóa để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nội và ngoại - những động lực quan trọng giúp Việt Nam tăng cường sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.

Để đạt mục tiêu đề ra, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng đối mặt với không ít thách thức. Ví dụ, chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề nan giải, cần có giải pháp quyết liệt hơn để cải thiện. Lực lượng lao động cần được trang bị kỹ năng phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế số, chuyển đổi xanh, lĩnh vực công nghệ cao. Hoặc, trong bối cảnh biến động giá cả toàn cầu, kiểm soát lạm phát là yếu tố hệ trọng để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô…

Với Công điện 137/CĐ-TTg, năm 2025 được kỳ vọng sẽ là năm bản lề cho những đột phá mới của kinh tế Việt Nam. Quyết tâm của Chính phủ và người đứng đầu, cộng hưởng với nỗ lực của doanh nghiệp và người dân, hứa hẹn sẽ đưa đất nước tiến xa hơn trên hành trình hội nhập và phát triển. Và, để các giải pháp trở thành hiện thực, cần có sự giám sát chặt chẽ, tinh thần trách nhiệm và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quyet-tam-cua-chinh-phu-post400045.html
Zalo