Bộ Công Thương rà soát, đẩy mạnh cải cách hành chính
Thực hiện Quyết định số 2816/QĐ-BCT về việc thành lập Đoàn kiểm tra cải cách hành chính và kiểm tra, đánh giá nội bộ Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015, Đoàn Kiểm tra Bộ Công Thương đã tổ chức kiểm tra cải cách hành chính và hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính năm 2024 tại 9 đơn vị bao gồm Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Bộ, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Phòng vệ thương mại và Báo Công Thương.
Dựa vào kết quả làm việc của Đoàn công tác, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đề nghị các đơn vị tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt và toàn diện các nội dung về cải cách hành chính theo quy định tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030, Quyết định số 2169/QĐ-BCT ngày 20/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính của Bộ Công Thương giai đoạn 2021 - 2030 cũng như nhiệm vụ cụ thể được giao tại chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo hàng năm của Bộ.
Cùng đó, tăng cường chỉ đạo điều hành cải cách hành chính, kịp thời chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua. Hàng năm, kịp thời xây dựng và ban hành các Kế hoạch thực hiện tại đơn vị để cụ thể hóa việc triển khai nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch về cải cách hành chính của Bộ Công Thương, đảm bảo phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng được giao quản lý của đơn vị; kiểm soát chặt chẽ thủ tục hành chính ngay từ khi dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Cùng đó, thực hiện công bố, công khai đầy đủ, kịp thời thủ tục hành chính mới; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, tổ chức trong việc tiếp cận, thực hiện thủ tục hành chính do đơn vị cung cấp.
Về việc công bố, công khai thủ tục hành chính, đề nghị các đơn vị ngay trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có thủ tục hành chính thực hiện dự thảo luôn Quyết định công bố, để đảm bảo công bố theo đúng thời gian quy định; kiên quyết không để chậm, muộn việc công bố, công khai thủ tục hành chính.
Các đơn vị tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các chỉ đạo của Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương trong giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của người đứng đầu các cấp trong việc xây dựng, triển khai áp dụng Chính phủ điện tử tại Bộ; trong đó, Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ làm trung tâm, thủ trưởng các đơn vị là người kế tiếp, từ đó lan tỏa đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại Bộ.
Đồng thời tăng cường hướng dẫn, đào tạo cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin để phục vụ chuyển đổi số. Tăng cường đào tạo, đào tạo lại cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin/an toàn thông tin tại đơn vị; sử dụng Hệ thống iMOIT và áp dụng chữ ký số. Lập kế hoạch sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính liên quan, đẩy mạnh hậu kiểm, từ đó, tạo điều kiện để triển khai áp dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Khẩn trương chỉ đạo cán bộ cập nhật, chỉnh sửa thông tin đầy đủ và chính xác trên phần mềm quản lý cán bộ của Bộ Công Thương. Đồng thời phụ trách các đơn vị phối hợp cùng Vụ Tổ chức cán bộ xác thực hồ sơ trên phần mềm quản lý cán bộ. Mặt khác, nâng cao chất lượng lập dự toán đảm bảo tiến độ, phù hợp với tình hình thực tế triển khai nhiệm vụ; đồng thời tiếp tục thực hiện công khai dự toán, quyết toán và công khai việc quản lý, sử dụng tài sản công đảm bảo quy định pháp luật. Các đơn vị chủ động phối hợp với Văn phòng Bộ, rà soát, cung cấp số liệu, sáng kiến trong cải cách hành chính làm tài liệu chấm điểm chỉ số cải cách hành chính (ParIndex) thời gian tới.
Đối với Vụ Pháp chế, Thứ trưởng Phan Thị Thắng yêu cầu cần xây dựng phương án cắt giảm đơn giản hóa quy định kinh doanh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đảm bảo đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ. Xây dựng Văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án phân cấp, đơn giản giấy tờ công dân, cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, Vụ Khoa học và Công nghệ chủ động cập nhật thông tin thường xuyên, liên tục trên cơ sở dữ liệu của đơn vị, đảm bảo tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sông”. Rà soát chức năng nhiệm vụ thống kê thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi, chức năng của Vụ để thực hiện công bố năm 2025.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng lưu ý Vụ Kế hoạch – Tài chính có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ và đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP; Nghị quyết số 02/NQ- CP ngày 05 tháng 1 năm 2024 của Chính phủ.
Cục Xuất nhập khẩu cụ thể hóa, bổ sung số liệu chi tiết về các nội dung về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đã thực hiện được trong năm 2024. Qua đó, nêu số lượng nhiệm vụ đã thực hiện được trong Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 của đơn vị. Xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực logistic, cung cấp thông tin, phối hợp với đơn vị liên quan triển khai thực hiện.
Đối với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Thứ trưởng Phan Thị Thắng chỉ đạo cần thúc đẩy triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đặc biệt, chú trọng tháo gỡ điểm nghẽn trong quá trình triển khai và nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tiếp tục đơn giản hóa giấy tờ khi thực hiện thủ tục hành chính và đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến.
Mặt khác, nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ từ trung ương đến địa phương phù hợp với yêu câu chuyển đổi số quốc gia, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Chủ động phối hợp với các đơn vị rà soát các nhiệm vụ trong Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Công Thương.
Riêng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cần phối hợp với Văn phòng Bộ giải trình về việc công bố thủ tục hành chính bị chậm tại Quyết định số 3056/QĐ-BCT ngày 18 tháng 11 năm 2024 về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực điện lực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương. Chủ động xây dựng kế hoạch tài chính của đơn vị đảm bảo phù hợp với các quy định và tình hình thực tế.
Ngoài ra, Cục Phòng vệ thương mại có nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các đơn vị xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Ngoại thương về biện pháp phòng vệ thương mại đảm bảo đúng tiến độ được giao; đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ, dịch vụ công trực tuyến và thực hiện một cửa điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính tại đơn vị.