Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu tăng trưởng

Trong bối cảnh thế giới biến động và những khó khăn nội tại của nền kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, khát vọng đổi mới, với tầm nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, biến thách thức thành cơ hội, biến khó khăn thành động lực vươn lên để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra của cả giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày báo cáo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày báo cáo.

Nền tảng kinh tế được củng cố, tăng trưởng vượt kỳ vọng

Sáng 5/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.

Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2024, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục phục hồi rõ nét, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, nhất là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn kiểm soát tốt lạm phát, không để đời sống nhân dân bị ảnh hưởng, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai, nhất là cơn bão số 3.

So với báo cáo tại Kỳ họp thứ 8, với số liệu, thông tin đầy đủ, chuẩn xác hơn, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 sau khi đánh giá bổ sung đã có nhiều thay đổi tích cực hơn như: Đã hoàn thành vượt và đạt 15/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội, cao hơn 1 chỉ tiêu so với số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, phản ánh sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt trong những tháng cuối năm để kịp thời hóa giải những khó khăn, thách thức, đóng góp vào kết quả chung của cả năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày báo cáo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày báo cáo.

Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; bội chi, nợ công được kiểm soát, kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Tốc độ tăng GDP đạt 7,09% (đã báo cáo ước đạt 6,8-7%), cao nhất trong khu vực và thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên 476,3 tỷ USD, tăng ba bậc vươn lên vị trí thứ 32 trên thế giới.

Đáng chú ý, năng suất lao động ước tăng 5,88% (đã báo cáo ước khoảng 5,56%); xuất siêu đạt 24,77 tỷ USD (đã báo cáo đạt gần 20,8 tỷ USD); GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD (tiếp cận ngưỡng thu nhập trung bình cao); lạm phát được kiểm soát ở mức 3,63%; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm; thu ngân sách nhà nước đạt kỷ lục trên 2 triệu tỷ đồng, tăng 20,1% so với dự toán…

Đồng thời, đổi mới tư duy công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, phát triển kinh tế đất nước. Thủ tục hành chính được cắt giảm, đơn giản hóa, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Hệ thống kết cấu hạ tầng có bước đột phá, nhất là hạ tầng giao thông, viễn thông, tạo cơ hội phát triển mới. An sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân được bảo đảm với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”…

Thủ tướng khẳng định, trong bối cảnh nhiều khó khăn, kết quả đạt được của năm 2024 là rất đáng trân trọng, tự hào, tốt hơn năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là giữ được “trong ấm, ngoài êm”, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao; tạo đà cải cách, tạo lực phát triển, tạo khí thế sôi động và tạo niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp.

Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025, Thủ tướng cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2025 ước đạt 6,93%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020-2025; nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân ở mức 3,2%, tạo dư địa cho điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách vĩ mô. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt trên 944 nghìn tỷ, bằng 48% dự toán năm và tăng 26,3%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt hơn 275 tỷ USD, tăng 15%, xuất siêu hơn 5 tỷ USD; bảo đảm an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu 3,4 triệu tấn gạo; vốn FDI thực hiện đạt hơn 6,7 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2020-2025, cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai quyết liệt việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ và chính quyền địa phương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, thông suốt, hiệu quả, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Theo đó, đã hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 8 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ); đồng thời triển khai nhanh, quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp…

Tập trung thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội.

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội.

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, thách thức như: Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là phát triển doanh nghiệp. Các động lực tăng trưởng truyền thống tuy đã phát huy hiệu quả nhưng chưa đạt kỳ vọng; giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; sức mua trong nước phục hồi nhưng còn chậm; xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào FDI và chịu ảnh hưởng bất lợi do chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ.

Các động lực tăng trưởng mới đang ở giai đoạn đầu, cần thời gian để phát huy hiệu quả. Thị trường bất động sản phục hồi còn chậm và vẫn tiềm ẩn rủi ro. Thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Tình hình an ninh, trật tự trên một số địa bàn, tội phạm ma túy, công nghệ cao, lừa đảo qua mạng, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… còn diễn biến phức tạp. Ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông… tại các thành phố lớn chậm được giải quyết.

Trước thực tiễn đó, Chính phủ xác định chú trọng 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm giải pháp chủ yếu, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong “bộ tứ chiến lược”.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt hơn 500 tỷ USD (dự kiến đứng thứ 30 trên thế giới, tăng 2 bậc), GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt hơn 5.000 USD, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các lĩnh vực.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày báo cáo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày báo cáo.

Trong đó, tập trung theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, chủ động dự báo và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, nhất là đối với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị. Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, giải phóng toàn bộ năng lực nội sinh và sức sản xuất toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Trong năm 2025, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục hành chính; hoàn thiện trung tâm phục vụ hành chính công tại các bộ, ngành, địa phương về giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; đẩy nhanh số hóa, tăng cường tích hợp, chia sẻ và tái sử dụng dữ liệu; bảo đảm thực hiện thông suốt, liên tục các thủ tục hành chính trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần “không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để”. Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp (2013). Hoàn thành việc rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trước ngày 30/6/2025, bảo đảm hoạt động thông suốt, liên tục, không tạo khoảng trống pháp lý…

Thủ tướng nhấn mạnh, trước bối cảnh thế giới đầy biến động và những khó khăn nội tại của nền kinh tế, cần phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, khát vọng đổi mới, với tầm nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, biến thách thức thành cơ hội, biến khó khăn thành động lực vươn lên để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra của cả giai đoạn 2021-2025, thi đua lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

TRUNG HƯNG, Ảnh: DUY LINH - BÙI GIANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quyet-tam-cao-no-luc-lon-hanh-dong-quyet-liet-de-hoan-thanh-xuat-sac-cac-muc-tieu-tang-truong-post877300.html
Zalo