Quyết liệt hoàn thành mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội

Theo con số của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, cả nước có 655 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 593.428 căn, trong đó mới có 103 dự án hoàn thành với quy mô 66.755 căn hộ. Con số này mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Để hoàn thành mục tiêu Đề án '1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030' của Chính phủ còn một khoảng cách rất lớn. Tuy vậy, các nhà quản lý và các chuyên gia cho rằng, mục tiêu này sẽ hoàn thành, vấn đề ở đây là cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương. Bởi hiện nay, một số địa phương tích cực triển khai khởi công, hoàn thành các dự án, đạt tỉ lệ cao so với chỉ tiêu của Đề án đến năm 2025 nhưng cũng có địa phương có nhu cầu về nhà ở xã hội lớn nhưng số dự án được khởi công còn thấp.

Vướng mắc đang dần được tháo gỡ

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, việc triển khai Đề án vẫn còn rất nhiều khó khăn, tồn tại, vướng mắc cần phải tập trung và quyết liệt giải quyết trong thời gian tới. Cụ thể, nhiều địa phương có kết quả thực hiện chậm so với kế hoạch đăng ký tại Đề án, thậm chí một số địa phương không có dự án khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay; việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, vướng mắc trong việc xây dựng nhà ở xã hội có 3 “nút thắt” là pháp lý, nguồn vốn, quỹ đất. Một số doanh nghiệp cho biết, hiện nay việc bố trí quỹ đất dành cho thực hiện các dự án nhà ở xã hội còn rất ít, rất thiếu và đặc biệt chưa đồng đều, chưa đầy đủ, chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật. Trong khi thủ tục và quy trình phê duyệt dự án còn tương đối dài. Bên cạnh đó, là cơ chế ưu đãi tín dụng. Việc giải ngân các gói tín dụng ưu đãi gặp khó khăn do quy trình, thời gian thẩm định tương đối khó và dài.

Mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương. Ảnh minh họa.

Mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương. Ảnh minh họa.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho rằng, bên cạnh các vướng mắc về chính sách, một vướng mắc được nhắc đến rất nhiều là nguồn vốn không phải vấn đề đáng lo. “Vướng mắc lớn nhất liên quan đến cấp chấp thuận cho chủ đầu tư, liên quan đến đấu thầu. Hôm vừa rồi, khi Thủ tướng Chính phủ họp với các doanh nghiệp lớn về nhà ở xã hội đã bàn, nghiên cứu đến phương án chỉ định thầu. Đây mới là vấn đề cần tháo gỡ”.

Trong khi đó, ông Chử Văn Hải, Trưởng phòng Phát triển và Quản lý nhà ở xã hội (Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng) cho rằng, các vướng mắc này đang dần được tháo gỡ khi thực hiện các bộ luật mới như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đang dần đi vào cuộc sống. Đặc biệt, hiện nay Nghị quyết của Quốc hội về Thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội đang được xây dựng.

“Một số vấn đề lớn liên quan đến nhà ở xã hội sẽ được gỡ vướng và có cơ chế để triển khai như: giao chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công và nguồn tài chính công đoàn; giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; các thủ tục về quy hoạch; thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội… khi sắp tới Chính phủ sẽ trình Quốc hội nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, đặc thù cho loại hình nhà ở này”, ông Hải cho hay.

Chính phủ quyết liệt, địa phương không thể chần chừ

Theo mục tiêu của Đề án “1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030”, giai đoạn 2021 – 2025, cả nước sẽ hoàn thành khoảng 428.000 căn nhà ở xã hội, giai đoạn 2026 – 2030 cần hoàn thành 634.000 căn. Trong năm 2025, Chính phủ quyết tâm hoàn thành ít nhất 100 nghìn căn nhà ở xã hội.

“Chính vì thế, Thủ tướng đã có công điện số 130 về việc đôn đốc tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội. Cùng đó là công điện 137, yêu cầu hoàn thành ít nhất 100 nghìn căn nhà ở xã hội. Để đảm bảo mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu các địa phương đối với các dự án đã khởi công phải quyết liệt đôn đốc hoàn thành trong năm 2025”, ông Chử Văn Hải cho biết.

Theo ông Hải, số lượng nhà ở xã hội đang triển khai có quy mô gần 600 nghìn căn. Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Cùng với đó là trình tự thủ tục chính sách nhà ở xã hội. Nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hộ có sự tham gia hỗ trợ của nhà nước và đã có chủ trương thành lập quỹ phát triển nhà ở, đây là một nguồn lực.

Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương đốc thúc triển khai nhanh các dự án nhà ở xã hội đã khởi công trong năm 2025.

Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương đốc thúc triển khai nhanh các dự án nhà ở xã hội đã khởi công trong năm 2025.

“Tại Thông báo số 20 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thành lập các Ban chỉ đạo về xây dựng nhà ở xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt. Từ đó, ta có cơ sở để đạt mục tiêu hoàn thành 1 triệu căn hộ xã hội vào năm 2030. Thực tiễn, một số địa phương đã hoàn thành vượt chỉ tiêu trong năm 2025 như đã đăng ký, cụ thể là TP Hải Phòng. Vấn đề hiện nay đó là sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo của các địa phương về trình tự, thể chế chính sách thu hút các chủ đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội thì chúng ta tin sẽ hoàn thành mục tiêu”, ông Hải nói

Còn theo Phó cục trưởng Cục Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Lê Văn Bình thì hiện nay cần quan tâm chỉ là vấn đề thực hiện, bởi chính sách đang được tháo gỡ, tạo điều kiện hết mức để phát triển loại hình nhà ở này.

“Theo tôi, các địa phương đã đặt ra mục tiêu phấn đấu với quyết tâm chính trị, đã hứa với Thủ tướng, nhận chỉ tiêu rồi thì quan trọng là quá trình thực hiện, quyết tâm thực hiện mục tiêu. Chúng ta có thể thấy thời gian qua, Chính phủ đã rất quyết liệt vào cuộc nên các địa phương cũng không thể chần chừ. Đặc biệt, đừng nghĩ phát triển nhà ở xã hội là của một doanh nghiệp hay của một cơ quan xây dựng mà của cả tổng thể hệ thống chính trị, trách nhiệm của toàn xã hội. Chúng ta giải quyết nhà ở xã hội không chỉ cho một số đối tượng mà cả xã hội cũng được hưởng lợi từ việc phát triển nhà ở xã hội. Về mặt chính sách, luật đất đai, luật nhà ở đã thông thoáng rồi, có nhiều cơ chế quy hoạch, quỹ đất rồi cơ chế về lãi suất, về lợi nhuận nhà đầu tư, cơ chế thoải mái cho nhà đầu tư lựa chọn phát triển để bán, để cho thuê...”, ông Bình nói.

Với vấn đề, liệu sau khi sáp nhập Bộ, ngành hay các địa phương liệu có ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhà ở xã hội hay không, ông Bình cho rằng, khi chưa sáp nhập, các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đã được các địa phương đăng ký với Chính phủ. Sau khi sáp nhập thì chỉ cần cộng lại các chỉ tiêu và cơ quan Bộ Xây dựng cần tham mưu cho Chính phủ để tăng thêm hoặc giảm các chỉ tiêu sao cho hợp lý.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dia-oc/quyet-liet-hoan-thanh-muc-tieu-1-trieu-can-nha-o-xa-hoi-i763800/
Zalo