Lãng phí lớn từ nhiều dự án đầu tư công dang dở

Theo thống kê, trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có 24 dự án sử dụng vốn ngân sách đang trong tình trạng tồn đọng, dừng thi công, chậm tiến độ… gây thất thoát, lãng phí. Trước thực trạng này, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản yêu cầu rà soát toàn bộ, xem xét xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức để dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài.

Năm 2016, UBND TP Hải Phòng phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối với tỉnh Thái Bình theo hình thức đối tác công tư (PPP). Chiều dài toàn tuyến 29,7km, gồm đoạn qua địa bàn Hải Phòng 20,7km và qua Thái Bình 9km, nằm trong quy hoạch đường bộ ven biển Quảng Ninh – Thanh Hóa. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.460 tỷ đồng, thời gian thi công ban đầu đặt ra là 30 tháng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019, sau đó được gia hạn tới tháng 6/2023.

Dự án Ký túc xá Hải Phòng dở dang vì chưa bố trí đủ vốn.

Dự án Ký túc xá Hải Phòng dở dang vì chưa bố trí đủ vốn.

Nhưng đến nay, dù đã quá thời hạn 6 năm so với dự kiến ban đầu, nhà đầu tư mới tổ chức thi công, hoàn thành khoảng hơn 70% khối lượng công việc đề ra. Ngoài các hạng mục chính như tuyến đường từ quận Đồ Sơn đến huyện Tiên Lãng và cầu vượt sông Văn Úc (qua Hải Phòng), cùng 9km đường qua Thái Bình đã cơ bản hoàn thành, còn lại hầu hết các hạng mục khác đang trong tình trạng dang dở.

Theo xác minh từ cơ quan chức năng, dự án bị dừng do vướng mắc trong việc huy động vốn vay. Cụ thể, chênh lệch mức lãi suất vốn vay thực tế và mức lãi suất theo quy định của hợp đồng quá lớn, làm phát sinh chi phí khoảng 1.864 tỷ đồng. Chi phí này không được tính vào tổng vốn đầu tư khiến nhà đầu tư không thể tiếp tục triển khai, hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án.

Xa hơn nữa, từ năm 2000, UBND TP Hải Phòng có quyết định đầu tư hệ thống thoát nước, xử lý nước thải Khu du lịch Đồ Sơn (quận Đồ Sơn). Dự án đặt mục tiêu xây dựng hệ thống thu gom nước thải các nhà hàng, khách sạn và nguồn thải khác tại khu du lịch về trạm xử lý tập trung nhằm bảo vệ môi trường, cảnh quan, trong điều kiện toàn bộ nguồn thải này hiện đang xả trực tiếp ra biển.

Kế hoạch ban đầu đặt ra, nguồn vốn thực hiện dự án là nguồn thu để lại trên địa bàn quận Đồ Sơn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng từ năm 2004, quận Đồ Sơn không còn được hưởng cơ chế chính sách đặc thù này, dự án không còn nguồn đầu tư nên dừng lại khi mới lắp đặt được 5.540m ống áp lực cùng 2.900m cống bê tông, còn lại 1.350m ống áp lực và 850m cống bê tông D300, các trạm bơm thu gom nước thải, nhà máy xử lý nước thải chưa được thi công. Công trình dở dang từ năm 2004 đến nay để hoang phí, một số hạng mục đầu tư đã xuống cấp có nguy cơ phế bỏ.

Một trong những dự án khác cũng “dở dang” hơn 20 năm là dự án đầu tư xây dựng khu giảng đường Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Hải Phòng bằng nguồn vốn đầu tư công, được UBND TP Hải Phòng phê duyệt từ năm 2004 có tổng mức đầu tư 12,7 tỷ đồng. Nhưng theo lãnh đạo Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Hải Phòng, do dự án được cấp vốn nhỏ giọt kéo dài suốt 20 năm, bình quân mỗi năm chỉ đạt 635 triệu đồng đã khiến tổng vốn đầu tư đội lên khoảng 34 tỷ đồng do trượt giá, vì vậy dù đã giải ngân hết vốn cấp nhưng hạng mục xây dựng của dự án vẫn chưa hoàn thành để đưa vào hoạt động.

“Đồng hành” với các dự án nêu trên, hàng loạt dự án khác cũng trong tình trạng lỡ hẹn với thời hạn đề ra, như dự án đầu tư tuyến đường mới mang tên An Dương 1 do UBND huyện An Dương (nay là quận An Dương) làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 108 tỷ đồng, cũng “đắp chiếu” từ 2008 đến nay; dự án đầu tư xây dựng khu ký túc xá Trường Đại học Hải Phòng; dự án cải tạo tuyến đường du lịch kết hợp tuyến kè biển Đồ Sơn…, với tổng vốn ngân sách hàng trăm tỷ đồng cũng đang ngưng trệ.

Không chỉ các dự án đầu tư công dang dở do cấp vốn nhỏ giọt, Hải Phòng còn có nhiều dự án chậm tiến độ, phải dừng thi công do các nguyên nhân khác nhau, gây lãng phí rất lớn về giá trị sử dụng đất. Chẳng hạn như dự án xây dựng cơ sở hạ tầng KCN tàu thủy An Hồng (nay thuộc phường An Hồng, quận Hồng Bàng) do Công ty xuất nhập khẩu và vật tư tàu thủy làm chủ đầu tư, hiện còn tới hơn 6,14 ha đất từ năm 2008 đến nay vẫn chưa được đưa vào sử dụng.

Cũng trong năm 2008, Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Thành Long được giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng Nhà máy đóng tàu Lâm Động (nay thuộc phường Hoàng Lâm, TP Thủy Nguyên) trên diện tích đất rộng tới 75ha. Sau thời gian dài “án binh bất động” không thể triển khai, năm 2014, toàn bộ 75ha đất dự án này được điều chuyển cho Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam quản lý, nhưng hơn 10 năm qua cũng không phát huy hiệu quả và có dấu hiệu sai mục đích sử dụng.

Thống kê sơ bộ từ Sở Tài chính Hải Phòng, trên địa bàn TP có 35 dự án dự án tồn đọng, dừng thi công, chậm tiến độ. Trong số này có 24 dự án sử dụng vốn ngân sách. TP Hải Phòng đã chỉ đạo dừng thực hiện, quyết toán tồn đọng đối với 4 dự án, 31 dự án còn lại đang được xem xét để làm các thủ tục chấm dứt thực hiện, quyết toán công trình đã thực hiện để tiếp tục đầu tư trong giai đoạn 2026 – 2030.

Liên quan đến thực trạng này, mới đây, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị rà soát, thống kê toàn bộ các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công. Các cá nhân, tổ chức để dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm. Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng Lê Anh Quân, chủ trương này nhằm cụ thể hóa việc tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí, đồng thời thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng các nguồn lực, không để thất thoát, lãng phí

Đối với dự án trọng điểm như công trình xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng và 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình, UBND TP Hải Phòng chỉ đạo cơ quan chức năng đàm phán, chấm dứt hợp đồng PPP với nhà đầu tư để TP tiếp tục hoàn thành bằng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030.

UBND TP Hải Phòng cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, tham mưu ban hành biện pháp xử lý các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ; song song với việc đẩy mạnh bố trí sử dụng hiệu quả các công trình công sở, trụ sở trên địa bàn, nhất là đối với các công trình công sở, trụ sở sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

V.Huy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dia-oc/lang-phi-lon-tu-nhieu-du-an-dau-tu-cong-dang-do--i763903/
Zalo