Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm
Năm 2025, tổng kế hoạch vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Ninh Bình là 9.755 tỷ đồng, cao hơn so với năm 2024 là hơn 3 nghìn tỷ đồng. Tỉnh Ninh Bình xác định dòng vốn này sẽ tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế, góp phần tạo ra hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại để tăng năng lực của nền kinh tế, thu hút đầu tư cho phát triển bền vững. Vì vậy, ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành trong tỉnh đã vào cuộc mạnh mẽ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Tuyến đường Vạn Hạnh (thành phố Hoa Lư) đang được khẩn trương hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng.
Tăng tính chủ động
Tuyến đường Đông-Tây là dự án giao thông kết nối liên vùng lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh. Dự án có chiều dài 23 km nối từ thành phố Tam Điệp đến thị trấn Nho Quan. Quy mô trước mắt là 4 làn xe, riêng đoạn đầu tuyến đến nút giao cao tốc Bắc-Nam được đầu tư với quy mô 8 làn xe theo quy hoạch đô thị; đồng thời thực hiện giải phóng mặt bằng toàn bộ tuyến quy mô 8 làn xe (bề rộng 70 m); tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng.
Dự án hoàn thành sẽ kết nối giữa các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, các khu du lịch, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại khu vực thành phố Tam Điệp, huyện Nho Quan và các vùng lân cận. Dự án được lựa chọn là một trong những công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2025-2030.
Đồng chí Phạm Quốc Chính, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh cho biết: Dự án được khởi công vào cuối tháng 3/2022, chỉ sau 10 tháng có chủ trương đầu tư. Xác định vai trò quan trọng của dự án, UBND tỉnh đã chỉ đạo Chủ đầu tư chủ động, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương để triển khai thi công dự án.
Đến nay, phần đường đã cơ bản thi công xong, đang triển khai thảm bê tông nhựa; ngoài ra, phần cầu, cống, hệ thống an toàn giao thông, biển báo, vạch kẻ đường, điện chiếu sáng... cũng đang được gấp rút thi công, lắp đặt. Tổng số vốn cấp cho dự án đến nay là 1.612,8 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân được 93%.
Chủ đầu tư sẽ phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, đảm bảo tiến độ, chất lượng kỹ, mỹ thuật, phấn đấu sớm đưa công trình vào khai thác và phát huy hiệu quả sau đầu tư.
Ngay sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, đơn vị thi công Dự án xây dựng kênh kết hợp đường Vạn Hạnh (giai đoạn I) đã huy động máy móc, phương tiện và nhân lực ra quân thi công, gấp rút hoàn thiện một số hạng mục điện chiếu sáng, cây xanh...
Đồng chí Vũ Quang Trung, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp cho biết: Dự án xây dựng kênh kết hợp đường Vạn Hạnh (giai đoạn I) có tổng mức đầu tư là 840,29 tỷ đồng, với tổng chiều dài 3,265 km, gồm 3 đoạn tuyến là tuyến đường Vạn Hạnh, tuyến đường Phạm Hùng, tuyến đường Trịnh Tú. Thời gian thực hiện từ năm 2015-2025.
Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã thực hiện xong, tiến độ thi công đạt khoảng 95% với giá trị ước đạt hơn 650 tỷ đồng. Phấn đấu hoàn thành tuyến đường vào cuối tháng 4 năm 2025.
Dự án xây dựng kênh kết hợp đường Vạn Hạnh (giai đoạn I) là tuyến đường trọng yếu, có ý nghĩa quan trọng không chỉ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh mà còn là điểm nhấn trong quy hoạch, tạo diện mạo đô thị văn minh, hiện đại. Vì vậy, chủ đầu tư, các nhà thầu thi công và chính quyền địa phương đẩy mạnh thi đua lao động sản xuất, làm tốt công tác giải ngân, tập trung đẩy nhanh tiến độ với tinh thần làm đến đâu dứt điểm đến đó, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động trong quá trình thi công cũng như đảm bảo chất lượng công trình.
Quyết tâm cao
Kế hoạch đầu tư công năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Ninh Bình là 9.755 tỷ đồng. Đến nay, HĐND tỉnh đã phân bổ 100% kế hoạch vốn được giao, gồm: Vốn ngân sách Trung ương là 3.548 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 6.206 tỷ đồng.
Đồng chí Đặng Thái Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: So với năm 2024, nguồn vốn cho đầu tư năm nay tăng hơn 3 nghìn tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất lớn cho tăng trưởng. Điều đó cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ và tỉnh Ninh Bình là lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư vào đột phá để tạo ra động lực cho các thành phần kinh tế khác phát triển, vừa là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng là thách thức rất lớn trong công tác điều hành của chính quyền, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân trên 95%.
Với quyết tâm cao của UBND tỉnh, sự chủ động, tích cực của các cấp chính quyền, các ngành trong việc tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ dự án, đặc biệt là những dự án trọng điểm, trong tháng 1, toàn tỉnh đã giải ngân đạt 476,9 tỷ đồng, bằng 5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bao gồm: Vốn ngân sách Trung ương là 105,1 tỷ đồng, bằng 3% kế hoạch giao; vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 371,8 tỷ đồng, bằng 6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Để phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2025 tối thiểu đạt 95% kế hoạch vốn được giao, theo đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đặng Thái Sơn, UBND tỉnh tiếp tục thành lập và phát huy vai trò của Tổ công tác liên ngành đôn đốc các đơn vị, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục đầu tư, thi công xây dựng các dự án; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo phù hợp với tiến độ thực hiện và kế hoạch bố trí vốn.
UBND các huyện, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục để đấu giá quyền sử dụng đất theo kế hoạch, nhất là các khu đất đặc thù thực hiện phân chia ngân sách tỉnh 100% để tạo nguồn vốn thanh toán cho các dự án được bố trí kế hoạch vốn. Cùng với đó, các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục đầu tư công.
Chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các ngành và địa phương để giải quyết vướng mắc phát sinh, nhất là các vướng mắc về đất đai, tài nguyên, giải phóng mặt bằng…, kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả, chưa thực sự cần thiết để ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững.