Quyết liệt đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới
Năm 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy lĩnh vực thông tin điện tử phát triển; điều hướng dòng tiền quảng cáo vào báo chí, tài khoản, kênh nội dung đã thông báo để tăng nguồn thu cho các trang, kênh, tài khoản sạch trong nước đã xác thực; định hướng các nhà sáng tạo nội dung, kênh nội dung để khuyến khích sản xuất các nội dung tích cực để thu hút quảng cáo.
Bộ đã tổ chức Ngày hội các nhà sáng tạo nội dung (Kol) nhằm ghi nhận những đóng góp của các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho cộng đồng; phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường rà soát, thanh, kiểm tra, hậu kiểm để phát hiện vi phạm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đồng thời, Bộ tăng cường biện pháp kỹ thuật để rà quét, giám sát, tập trung đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ AI để rà quét; phát huy vai trò của "đường dây nóng" nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai quy trình thí điểm nhằm xử lý tình trạng các nghệ sỹ, người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm Quy tắc ứng xử và khuyến cáo kiểm soát hoạt động biểu diễn, phát sóng, đăng tải, sử dụng hình ảnh trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình, trên môi trường mạng trong các trường hợp vi phạm nghiêm trọng; tiếp tục duy trì các biện pháp cứng rắn để đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới, buộc các nền tảng phải tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam; tiếp tục triển khai các Chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng.
Năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết liệt triển khai một số giải pháp quản lý hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội: Thường xuyên có văn bản lưu ý, nhắc nhở các tổ chức; doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; hướng dẫn các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội điều tiết tỷ lệ thông tin tiêu cực trên không gian mạng, duy trì ngưỡng thông tin tiêu cực trên không gian mạng dưới 15%; hướng dẫn các Sở Thông tin và Truyền thông, các mạng xã hội triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ người sử dụng, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng; quyết liệt chấn chỉnh các hành vi vi phạm khi cung cấp thông tin trên mạng, trong đó xử lý nghiệm các trường hợp có dấu hiệu "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông địa phương tổng rà soát, siết chặt cấp phép, hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; không cấp phép cho các trang có tên miền sử dụng những từ, ngữ có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí; không cấp phép trang trang thông tin điện tử tổng hợp của cơ quan báo chí.
Kết quả năm 2024, Bộ và Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương đã cấp phép 80 trang thông tin điện tử (số lượng cấp phép không tăng so với năm 2023); 40 mạng xã hội.
Tính đến 15/11/2024, đã có tổng số 1.056 Giấy phép thiết lập mạng xã hội. Bộ cũng đã cấp 13 giấy xác nhận thông báo thông tin liên hệ của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.
Bộ và Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương đã kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh 236 trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, tài khoản mạng xã hội. Trong đó, xử phạt 46 trường hợp với tổng số tiền phạt là hơn 1,047 tỷ đồng, nội dung vi phạm chủ yếu: Thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp khi chưa được cấp phép; thực hiện không đúng quy định trong giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp; thực hiện không đầy đủ việc đăng ký, lưu trữ, quản lý thông tin cá nhân của người thiết lập trang thông tin điện tử cá nhân trên mạng xã hội; không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ; cung cấp dịch vụ không đúng với quy định tại giấy phép thiết lập mạng xã hội; không trích dẫn nguồn tin theo quy định.
Trên cơ sở đề nghị của Bộ, các Sở Thông tin và Truyền thông địa phương đã kiểm tra 1.040 trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, trong đó đã phát hiện, xử lý, chấn chỉnh 290 trang thông tin điện tử có dấu hiệu vi phạm quy định pháp, trong đó có 20 trường hợp biểu hiện "báo hóa"; rà soát xử lý 83 tên miền có dấu hiệu vi phạm, buộc thu hồi 2 tên miền; tiếp nhận, xử lý 23 đơn, thư phản ánh về hoạt động của các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Nhờ đó, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này trong năm 2024 đã giảm đáng kể.
Cùng đó, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục duy trì việc kết hợp các giải pháp đấu tranh cứng rắn, linh hoạt với các nền tảng xuyên biên giới, yêu cầu các nền tảng phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam; tổ chức khoảng 20 cuộc họp, trao đổi, đàm phán định kỳ, đột xuất với lãnh đạo, đại diện của các nền tảng xuyên biên giới lớn (Facebook, Google, TikTok, Netflix, Apple...) để nhắc nhở, đôn đốc các nền tảng này tuân thủ pháp luật Việt Nam. Kết quả: Facebook đã chặn, gỡ 8.981 nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam (tỷ lệ 94%). Google đã chặn, gỡ 6.043 nội dung vi phạm trên YouTube (tỷ lệ 91%). TikTok chặn, gỡ 971 nội dung vi phạm (tỷ lệ 93%).
Ngoài ra, để hạn chế tình trạng phát tán tin giả, thông tin xấu độc trên các nền tảng mạng xã hội nước ngoài, Bộ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xác minh, xử lý, công bố tin giả, tin xấu độc trên cổng www.tingia.gov.vn. Kết quả cho thấy, từ đầu năm đến hết tháng 9/2024, Bộ đã tiếp nhận, xử lý 1.130 phản ánh liên quan đến tin xấu độc, tin lừa đảo, sai sự thật. Lực lượng thanh tra Thông tin và Truyền thông kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh 168 tổ chức, cá nhân, trong đó, xử phạt 55 trường hợp với tổng số tiền phạt hơn 555 triệu đồng do có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập trung ghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý quảng cáo trên mạng và đề xuất bổ sung vào trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo; triển khai hệ thống kỹ thuật rà quét, tăng cường xử lý vi phạm với các đại lý quảng cáo, nhãn hàng có sản phẩm quảng cáo trên các video có nội dung xấu độc; yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải kết hợp công nghệ AI và nhân sự chủ động kiểm duyệt chặt chẽ nội dung quảng cáo, vị trí cài đặt quảng cáo, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.
Bộ yêu cầu đại lý quảng cáo, nhãn hàng, người phát hành quảng cáo chủ động tăng cường rà soát nội dung, vị trí cài đặt quảng cáo, không hợp tác quảng cáo với các website, trang, kênh, tài khoản vi phạm pháp luật; triển khai sáng kiến về “White List” nhằm điều hướng dòng tiền quảng cáo từ các nền tảng xuyên biên giới về các nền tảng nội dung số trong nước với thông điệp được chuyển tải đến các đại lý quảng cáo và người làm nội dung: chỉ làm nội dung sạch, thông tin có ích cho cộng đồng mới được nhận quảng cáo. Danh sách White List đã được mở rộng thêm từ 7.028 lên gần 8.000 trang/kênh/tài khoản.
Bộ phối hợp với các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an ban hành quy chế phối hợp về việc hạn chế xuất hiện trên báo chí, trên các nền tảng truyền thông xã hội, trên sân khấu biểu diễn đối với nghệ sỹ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục, có hình ảnh, phát ngôn, hành vi phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, xã hội; tăng cường công tác thanh, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo; xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp vi phạm. Cụ thể: năm 2023 xử lý 10 trường hợp với tổng số tiền phạt 175 triệu đồng, năm 2024 xử lý 6 trường hợp với tổng số tiền phạt 130 triệu đồng.