So sánh J-20 và F-22: Tiêm kích Trung Quốc thắng chiến đấu cơ Mỹ nhờ trang bị thêm UAV

Trung Quốc và Mỹ tự hào có những máy bay chiến đấu tàng hình đáng gờm nhất thế giới, nhưng loại nào chiếm ưu thế hơn? Một trận chiến mô phỏng giữa máy bay chiến đấu tàng hình của Trung Quốc và Mỹ đã cho thấy câu trả lời.

Một nhóm chuyên gia quân sự Trung Quốc đã quyết định tìm hiểu bằng cách tiến hành trận chiến mô phỏng giữa một chiếc J-20 của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và một chiếc F-22 của Mỹ.

Để thận trọng, các thông số kỹ thuật của máy bay Trung Quốc, bao gồm khả năng radar và khả năng tàng hình, đã được cố tình đặt thấp hơn so với máy bay của Mỹ.

Kết quả là trong mọi tình huống, máy bay chiến đấu Trung Quốc đều giành chiến thắng với tỷ lệ chiến thắng vượt quá 95%. Thành tích này được cho là nhờ khả năng kết hợp với hai đến ba máy bay không người lái (UAV) của J-20.

Các UAV này có thể do thám kẻ thù, thu hút hỏa lực từ F-22 và thực hiện các cuộc tấn công từ nhiều hướng, trong khi máy bay J-20 do con người điều khiển sẽ đưa ra đòn tấn công quyết định.

 Các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc đã đưa máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc đấu với máy bay F-22 của Mỹ trong một trận chiến mô phỏng để xem máy bay nào sẽ chiến thắng. Ảnh: AFP

Các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc đã đưa máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc đấu với máy bay F-22 của Mỹ trong một trận chiến mô phỏng để xem máy bay nào sẽ chiến thắng. Ảnh: AFP

Tại Triển lãm hàng không Trung Quốc tháng này, PLA đã công bố phiên bản mới nhất của máy bay chiến đấu tàng hình hạng nặng J-20S. Lần đầu tiên trên thế giới, tiên kích tàng hình hai chỗ ngồi này có thiết kế độc đáo: một phi công tập trung vào lái và vũ khí, trong khi phi công còn lại xử lý liên lạc và điều khiển UAV.

"Bối cảnh không chiến hiện đại đã có sự thay đổi lớn nhờ những tiến bộ nhanh chóng về công nghệ thông tin và máy bay không người lái", nhóm nghiên cứu của ông Zhang Dong, phó giáo sư khoa du hành vũ trụ tại Đại học Bách khoa Tây Bắc, đã viết trong một bài báo xuất bản vào tháng này.

Ông Zhang và các đồng nghiệp cho biết: "Mặc dù vẫn còn khoảng cách giữa tính tự chủ của máy bay không người lái và nhu cầu chiến đấu trên không, nhưng sự hợp tác giữa máy bay có người lái và máy bay không người lái mang lại một giải pháp đầy hứa hẹn".

Theo bài báo của ông Zhang, hai phi công của J-20S phải đảm nhiệm khối lượng công việc rất lớn: họ phải tích hợp dữ liệu từ vệ tinh, máy bay cảnh báo, radar mặt đất và máy bay không người lái, đánh giá tình hình chiến trường, chỉ định mục tiêu cho UAV và đưa ra quyết định tấn công hay phòng thủ trong tích tắc.

 So sánh khả năng nhận biết tình huống và phạm vi tấn công của J20 (trên) và F22 (dưới). Ảnh đồ họa: SCMP

So sánh khả năng nhận biết tình huống và phạm vi tấn công của J20 (trên) và F22 (dưới). Ảnh đồ họa: SCMP

Các mô phỏng cho thấy một chiếc J-20 đơn độc được trang bị 8 tên lửa không đối không tầm trung có ít hơn 10% cơ hội đánh bại một chiếc F-22 mang 6 tên lửa AIM-120C. Mặc dù tên lửa Trung Quốc có tầm bắn xa hơn, radar của máy bay phản lực Mỹ vẫn có lợi thế trong việc phát hiện.

Nhưng việc bổ sung thêm hai máy bay không người lái đã làm thay đổi tình thế, và với ba máy bay không người lái, lợi thế của J-20 đã được mở rộng, cho phép nó giành chiến thắng mà thậm chí không cần tham gia chiến đấu.

Nhóm của ông Zhang đã sử dụng hệ thống mô phỏng kỹ thuật số tiên tiến cho các tình huống không chiến.

"Nền tảng của chúng tôi bao gồm các mô hình 6 bậc tự do thực tế cho các máy bay chiến đấu thực sự đang hoạt động, các mô hình cảm biến và mô phỏng tên lửa, có khả năng mô phỏng các cuộc không chiến có người lái và không người lái trong thế giới thực", họ viết.

Ngọc Ánh (theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/so-sanh-j-20-va-f-22-tiem-kich-trung-quoc-thang-chien-dau-co-my-nho-trang-bi-them-uav-post323609.html
Zalo