Quyết liệt cải cách, định hình tương lai

Việt Nam đặt tầm nhìn đến năm 2045 sẽ trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á. Đây là một mục tiêu không dễ dàng nhưng khả thi.

Và nói như Tổng Bí thư Tô Lâm, thời điểm bắt đầu của “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” là hoàn toàn có cơ sở.

Thời khắc và vận hội

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), quốc gia được xếp hạng là nước có thu nhập bình quân trung bình cao (upper-middle income countries), nằm trong khoảng từ 4.516USD-14.005USD.

Như vậy, Việt Nam sẽ chính thức gia nhập câu lạc bộ các nước có thu nhập trung bình cao đúng vào năm 2025, năm bản lề để Việt Nam bước vào giai đoạn kế hoạch phát triển mới. Sau đó, chúng ta có 2 thập niên hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng về một vị thế mới, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước vào năm 2045.

Để trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, có nghĩa trong vòng 2 thập niên tới, Việt Nam cần phải tăng hơn gấp 3 lần thu nhập bình quân đầu người như hiện nay. Cụ thể hơn, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm trong 20 năm tới phải được duy trì bền vững, liên tục hàng năm ở mức tối thiểu 6% mỗi năm, và mức tăng năng suất lao động ở mức 6,5% mỗi năm trong điều kiện tốc độ tăng dân số được duy trì như hiện nay.

Nói đúng hơn, trong 2 thập niên tới, Việt Nam cần có những nỗ lực phi thường để đạt được, thậm chí phải tốt hơn tốc độ tăng trưởng ấn tượng trước đây của Việt Nam sau thời kỳ bắt đầu Đổi mới.

Nhưng cũng cần lưu ý. Báo cáo Phát triển Thế giới 2024 của WB với chủ đề “Bẫy thu nhập trung bình”, đã tổng kết kinh nghiệm 50 năm qua và phát hiện một xu hướng đáng lưu ý. Đó là khi các quốc gia trở nên giàu có hơn, GDP bình quân đầu người của họ thường bị “mắc kẹt” ở mức khoảng 10%, tương đương 8.000USD hiện nay. Bẫy này đang kìm hãm 108 nền kinh tế với GDP bình quân đầu người hàng năm dao động từ 1.136-13.845USD.

WB cũng chỉ ra kể từ năm 1990 đến nay, chỉ có 34 nền kinh tế thu nhập trung bình thành công chuyển đổi lên nhóm thu nhập cao, trong đó hơn 1/3 trường hợp thành công nhờ gia nhập Liên minh châu Âu, hoặc nhờ phát hiện khai thác nguồn dầu mỏ mới. Một số còn lại nhờ những nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng với sự trợ lực mạnh mẽ của những cải cách về thể chế, quy định pháp luật và hiệu quả của các định chế hoạt động trong nền kinh tế.

Vì lẽ đó, các quốc gia có thu nhập trung bình hiện nay cần một cách tiếp cận mới. Trước tiên tập trung vào đầu tư, sau đó nhấn mạnh việc tiếp nhận công nghệ mới từ nước ngoài, áp dụng chiến lược ba mũi nhọn cân bằng giữa đầu tư, tiếp nhận công nghệ và đổi mới, sáng tạo. Những nước cố tránh đau đớn từ cải cách và mở cửa, sẽ bỏ lỡ lợi ích từ tăng trưởng bền vững, bỏ lỡ cơ hội để vươn lên trở thành nước phát triển, hiện đại, thu nhập cao.

Đây là thời điểm "hội tụ" tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm

Chiến lược nào cũng cần đầu tư tư nhân

Tăng trưởng kinh tế trong 5 năm vừa qua của Việt Nam tuy luôn nằm trong nhóm những nước thuộc top đầu về tốc độ, nhưng rõ ràng nhịp điệu tăng trưởng và các nền tảng của nền kinh tế chưa đạt như kỳ vọng, để Việt Nam hoàn toàn tự tin trên con đường trở thành nước thu nhập cao trong vòng 2 thập niên tới.

Nhịp điệu tăng trưởng chưa ổn định trong những năm vừa qua, là do tác động vô cùng lớn của đại dịch Covid-19 và sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó cũng bị tác động bởi những hạn chế nội tại của nền kinh tế, đặc biệt là những điểm nghẽn về thể chế và những hạn chế của môi trường kinh doanh. Từ đó chưa thực sự khơi thông được nguồn lực, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.

Hiện nay, tổng đầu tư của tư nhân và Nhà nước trong GDP đạt 32%. Tỷ trọng này cao hơn so với Thái Lan và Malaysia, nhưng thấp hơn so với Trung Quốc (43% GDP). Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng của đầu tư tư nhân trong nước đang thấp hơn rất nhiều so với trước đây.

Trong giai đoạn từ 2014-2019, tốc độ tăng trưởng của đầu tư tư nhân luôn ở mức 11-17% mỗi năm, đã đóng góp mạnh mẽ hơn so với khu vực Nhà nước cho tăng trưởng. Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, tăng trưởng của đầu tư tư nhân đã giảm tốc. Bù vào đó, phần lớn nhờ sự gia tăng từ nguồn vốn đầu tư Nhà nước.

Tăng đầu tư Nhà nước, đặc biệt là thông qua tăng chi tiêu Chính phủ, sử dụng mạnh các công cụ về tài khóa để tăng tổng cầu là cần thiết, sau mỗi một cú sốc mà nền kinh tế phải trải qua. Tuy nhiên, để tăng trưởng cao và bền vững, nền kinh tế rất cần nguồn vốn từ khu vực tư nhân trong nước, đặc biệt là nguồn vốn tự có của các doanh nghiệp và người dân, nguồn vốn được chuyển tải thông qua thị trường vốn và thị trường tiền tệ.

Hơn nữa, gia tăng mạnh và liên tục nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước so với các khu vực kinh tế khác cũng là điều không nên khuyến khích, không nên thay thế và lấn át đầu tư từ khu vực tư nhân.

Và như khuyến nghị của WB, để tránh vết xe đổ của nhiều nền kinh tế khác do áp dụng những chiến lược lỗi thời để tránh bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tập trung vào đầu tư, sau đó nhấn mạnh việc tiếp nhận công nghệ mới từ nước ngoài và phổ biến công nghệ, áp dụng chiến lược ba mũi nhọn cân bằng giữa đầu tư, tiếp nhận công nghệ và đổi mới, sáng tạo.

Và đầu tư tư nhân sẽ đóng vai trò chủ chốt để tiếp nhận công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển nền kinh tế số, kinh tế tri thức, đưa Việt Nam lên vị thế mới trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Hành động vì phồn vinh, thịnh vượng

Nền kinh tế sẽ phát triển bền vững, với cấu trúc chắc chắn, có tính tự chủ, tự cường cao hơn, nếu như đầu tư tư nhân trong nước tiếp tục đóng vai trò là trụ cột trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội. Muốn gia tăng đầu tư tư nhân vào công nghệ hay các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, cần có các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn thử nghiệm ý tưởng mới, mô hình kinh doanh mới, hay công nghệ mới.

Nhưng quá trình đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đòi hỏi phải có một môi trường pháp lý, một văn hóa khoan dung với các ý tưởng mới sẽ khó tránh sự thất bại của các doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp dám làm, dám chịu thất bại và bắt đầu lại khi thất bại.

Như vậy, chỉ có những cải cách mạnh mẽ về thể chế, về môi trường kinh doanh và đầu tư, mới đảm bảo được rằng nguồn đầu tư tư nhân sẽ được khơi thông và tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, từ đó đảm bảo nền kinh tế duy trì bền vững quỹ đạo tăng trưởng cao, liên tục, bền bỉ trong 2 thập niên sắp tới.

Xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, khuyến khích văn hóa chấp nhận rủi ro, mạo hiểm để đổi mới sáng tạo, giờ đây đã trở thành mệnh lệnh và không thể chần chừ. Thực tiễn phát triển trong gần 4 thập niên vừa qua cho thấy, cải cách thể chế, cải cách môi trường kinh doanh, luôn là yếu tố quyết định để giúp nền kinh tế vững vàng trước, trong và sau mỗi cuộc khủng hoảng, và cũng là yếu tố quyết định để đưa vị thế của nền kinh tế từ một quốc gia kém phát triển lên vị thế của một quốc gia thu nhập trung bình cao như hiện nay.

Trong những tháng cuối năm 2024, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đã hồ hởi đón nhận những động thái mạnh mẽ và những hành động quyết liệt từ Đảng và Chính phủ, nhằm cải cách thể chế và tháo gỡ những "điểm nghẽn của điểm nghẽn".

Những hành động quyết liệt như vậy báo hiệu những cải cách mạnh mẽ tới đây về môi trường kinh doanh và đầu tư, tiếp tục củng cố lòng tin, sự hứng khởi của các nhà đầu tư.

Khởi đầu đó là thông điệp về việc chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những "điểm nghẽn" có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật. Thông điệp về quyết tâm từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, hay chủ trương “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự”, đã thực sự mang lại tâm lý hào hứng của cộng đồng doanh nghiệp, những không khí mới cho việc cải cách môi trường kinh doanh.

Tiếp theo là các nỗ lực đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh - hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đã đáp ứng đòi hỏi bức thiết của tình hình thực tiễn hiện nay, và đang nhận được sự đồng thuận của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Những nỗ lực này được kỳ vọng sẽ giải quyết được các hạn chế của môi trường kinh doanh, như chi phí tuân thủ pháp luật và thủ tục hành chính còn quá cao, do thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện, thông suốt, hay những bất cập trong tổ chức thực thi pháp luật, chính sách.

Những cải cách thể chế rất cụ thể, quyết liệt, cả về phương diện quy định pháp luật và những định chế xây dựng, thực thi, giám sát thực thi các quy định pháp luật, sẽ củng cố niềm tin, sự hứng khởi của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nó sẽ là nền tảng để xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và an toàn, khuyến khích tinh thần dám mạo hiểm, dám chấp nhận rủi ro trong kinh doanh, trong đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho đầu tư tư nhân… sẽ giúp đưa Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình thành công.

Việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm, giảm cấp trung gian, giảm sự cồng kềnh, chồng lấn giữa các cơ quan nhà nước, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.

TS. LÊ DUY BÌNH, Economica Vietnam

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/quyet-liet-cai-cach-dinh-hinh-tuong-lai-post119802.html
Zalo