Khâm phục nghị lực của chàng kỹ sư 'không tay'

Với tấm bằng kỹ sư, tương lai của Sỹ đang rộng mở. Thế nhưng vụ tai nạn nghiệt ngã đã cướp đi đôi tay của anh. Cú sốc lớn tưởng chừng sẽ hạ gục chàng trai trẻ, nhưng bằng nghị lực phi thường, anh đã trở thành tấm gương sáng vượt nghịch cảnh vươn lên trong cuộc sống.

Vụ tai nạn nghiệt ngã

Khi Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 đang đến gần, chúng tôi đã tới thăm và lắng nghe câu chuyện đầy nghị lực, vượt lên số phận của anh Tô Hữu Sỹ (SN 1989) trú tại thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh)

Sỹ năm nay 36 tuổi, sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Từ nhỏ, chứng kiến sự lam lũ của cha mẹ, cũng như người dân nơi đây, Sỹ nung nấu ước mơ trở thành một kỹ sư về mảng nông nghiệp để sau này giúp đỡ quê hương. Chính vì thế, anh quyết định theo học ngành Khoa học cây trồng, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

 Dù trong nghịch cảnh, anh Sỹ vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan

Dù trong nghịch cảnh, anh Sỹ vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp đại học, Sỹ được nhiều doanh nghiệp về giống cây trồng mời về làm việc với mức lương cao. Năm 2015, Sỹ đã hoàn thành xuất sắc khóa học, cầm trên tay tấm bằng thạc sĩ ngành cây trồng.

Với kinh nghiệm cũng như chuyên môn vững vàng, Sỹ đã có nhiều dự án làm về nông nghiệp ở Hà Tĩnh, góp phần xây dựng quê hương trong phong trào nông thôn mới. Năm 2018 anh kết hôn với chị Nguyễn Hồng Nhung (SN 1992) cũng là một kỹ sư nông nghiệp. Gần một năm sau, vợ chồng trẻ đón niềm vui lớn khi bé Tô Hữu Hoàng Lâm chào đời.

Tháng 10.2020, với mong muốn được học tập thêm khoa học công nghệ về chuyên ngành của mình, anh Tô Hữu Sỹ đã quyết định sang làm việc tại Nhật Bản thông qua chương trình hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các đối tác tại Nhật Bản.

Dù ở môi trường mới, anh luôn hoàn thành xuất sắc các công việc được giao, có nhiều nghiên cứu mới trong phát triển khoa học công nghệ về cây trồng. Tưởng rằng mọi chuyện sẽ thuận lợi, mở ra tương lai đầy triển vọng nào ngờ tai họa lại ập đến. Đầu năm 2022, trong lúc kiểm tra dây chuyển vận hành máy sấy rau củ, do sơ ý khiến găng tay phải dính vào băng chuyền máy đang hoạt động. Vụ tai nạn khiến anh mất đi đôi tay.

 Người vợ luôn là chỗ dựa, điểm tựa để anh Sỹ vượt lên số phận, sống không vô nghĩa

Người vợ luôn là chỗ dựa, điểm tựa để anh Sỹ vượt lên số phận, sống không vô nghĩa

“Lúc tỉnh dậy trong bệnh viện, phát hiện mình bị mất đi đôi tay khiến tôi sốc nặng. Tôi bị suy sụp hoàn toàn. Lúc ấy tôi nghĩ thế là hết rồi. Tôi lo sợ, khi mình không còn lành lặn, tương lai của gia đình sẽ như thế nào, các con tôi còn rất nhỏ, cháu đầu mới hơn 2 tuổi, cháu thứ 2 mới được 7 tháng”, anh Sỹ tâm sự và cho biết đó là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với anh.

“Khu vườn hạnh phúc”

Phải mất hơn nửa năm, với sự động viên của gia đình, người thân, anh Sỹ mới dần bình tâm lại. Anh dần vượt qua được những suy nghĩ tiêu cực, sự tự ti của bản thân. Anh bắt đầu học các khóa điều trị tâm lý và sinh hoạt, vệ sinh cá nhân bằng cơ thể khiếm khuyết.

Đến cuối tháng 3.2022, sau khi vết thương dần ổn định, anh được chuyển về Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Hyogo (Nhật Bản). Tại đây, anh được gắn đôi tay giả sinh học ở phần mõm cụt còn lại. Anh kiên trì tuân thủ theo phác đồ điều trị của bệnh viện và tập trị liệu vật lý suốt thời gian dài. Nhờ đó, anh có thể tự cầm, nắm đồ đạc, sinh hoạt cá nhân dù vẫn còn nhiều bất tiện và biến chứng vào những hôm trái gió trở trời.

 Anh Sỹ luôn giữ nụ cười thường trực trên môi

Anh Sỹ luôn giữ nụ cười thường trực trên môi

Cũng trong thời gian điều trị tại Nhật Bản, Sỹ đã ấp ủ ý tưởng sẽ làm một khu vườn đầy hoa, lan tỏa cuộc sống tích cực đến với những người đồng cảnh ngộ nói riêng và mọi người.

“Trong khoảng thời gian gần 14 tháng điều trị ở Nhật Bản, tôi đã chấp nhận với sự khiếm khuyết của bản thân và phải làm lại từ đầu thôi. Tôi tìm các công việc phù hợp với mình và tôi đã tìm được hướng đi”, anh Sỹ chia sẻ.

Tháng 6.2023 sau khi xuất viện trở về Việt Nam, Sỹ bàn với vợ triển khai dự án trồng và kinh doanh cây xanh. Vợ chồng Sỹ đã mạnh dạn vay mượn 500 triệu đồng, thuê 300m2 đất bám mặt đường Mai Thúc Loan (phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh) để xây dựng nhà xưởng, trồng vườn hoa đặt tên là “Happy Garden” – “khu vườn hạnh phúc”. Anh tỉ mỉ chăm sóc từng chậu hoa, cây cảnh như chính những đứa con của mình.

 Khu vườn hạnh phúc của vợ chồng anh Sỹ

Khu vườn hạnh phúc của vợ chồng anh Sỹ

“Happy Garden không chỉ là nơi vợ chồng tôi chăm sóc, bán cây cảnh mà đó cũng là nơi để tôi gặp gỡ, chia sẻ lối sống lạc quan, tích cực đến với những người đồng cảnh ngộ và tất cả mọi người xung quanh. Ngắm nhìn những mầm xanh đâm chồi nảy lộc, các loại hoa nhiều màu sắc đã giúp tôi bình yên hơn trong cuộc sống. Từ đó tôi thấy cuộc sống này thật đẹp, thật đáng trân trọng”, Tô Hữu Sỹ tâm sự.

Hiện nay, “khu vườn hạnh phúc” có hơn 50 loài cây nhiều màu sắc, được đông đảo khách hàng yêu mến, tin dùng. Mỗi tháng khu vườn giúp chủ nhân mang về nguồn thu nhập khá ổn định, cùng với đó còn tạo công ăn việc làm cho 2-3 nhân công với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng.

 Anh Sỹ tư vấn về các chăm sóc các loại hoa cho khách

Anh Sỹ tư vấn về các chăm sóc các loại hoa cho khách

 Anh tỉ mỉ chăm chút từng chậu hoa như những đứa con của mình

Anh tỉ mỉ chăm chút từng chậu hoa như những đứa con của mình

"Còn sống là còn cơ hội là câu nói đã giúp tôi có năng lượng tích cực. Tôi nghĩ rằng mình cần phải cố gắng hơn nữa để tạo ra nhiều giá trị cho cuộc sống”, Sỹ thổ lộ.

Bên cạnh chăm sóc cây cảnh tại khu vườn nhỏ, Sỹ cũng dành thời gian nghiên cứu thêm tài liệu, kiến thức chuyên sâu về cây trồng từ mạng internet để đảm nhận thêm dịch vụ thiết kế cảnh quan sân vườn, tư vấn, bảo dưỡng cây cảnh.

Xuân Sinh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kham-phuc-nghi-luc-cua-chang-ky-su-khong-tay-post402866.html
Zalo