Quỹ tài chính tiết kiệm năng lượng: Giải pháp khơi thông nguồn lực cho chuyển đổi xanh

Việc thành lập một Quỹ tài chính tiết kiệm năng lượng với mô hình phù hợp và nguồn lực đa dạng được xem là giải pháp cấp thiết để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh. Đây cũng là một trong những điểm nổi bật đang được đề xuất tại Dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi).

Hạn chế về nguồn lực tài chính cho tiết kiệm năng lượng

Tiết kiệm năng lượng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn mang ý nghĩa chiến lược. Tuy nhiên, quá trình triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng ở nước ta đang đối mặt với nhiều rào cản, đặc biệt là các rào cản về nguồn lực.

Theo Bộ Công Thương, các ngành công nghiệp hiện đang chiếm hơn 50% tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc và có tiềm năng tiết kiệm lên tới 20 - 30%. Song, khả năng khai thác tiềm năng này đang gặp nhiều trở ngại, trọng tâm là thiếu nguồn lực về tài chính, thiếu các công cụ hỗ trợ tín dụng và các cơ chế tài chính đồng bộ.

Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp có thể đạt từ 20%-30%.

Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp có thể đạt từ 20%-30%.

Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, dù có mong muốn cải tiến hiệu suất sử dụng năng lượng nhưng lại gặp khó trong việc huy động vốn đầu tư do chi phí ban đầu cao, thời gian thu hồi vốn dài. Các tổ chức tín dụng cũng chưa coi dự án tiết kiệm năng lượng là đối tượng cho vay ưu đãi do đánh giá mức độ rủi ro cao, thiếu tài sản đảm bảo.

Đồng thời, ngân sách nhà nước phân bổ cho hoạt động này còn hạn chế và phân tán, chưa tạo được động lực đủ mạnh để thúc đẩy đầu tư quy mô lớn vào chuyển đổi công nghệ và nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng. Trong khi đó, các quy định “xanh” từ thị trường xuất khẩu như CBAM (EU) hay tiêu chuẩn dán nhãn năng lượng đang tạo áp lực ngày càng lớn.

Quỹ tài chính tiết kiệm năng lượng - Đòn bẩy thúc đẩy chuyển dịch xanh

Trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, nhu cầu chính sách đồng bộ và công cụ tài chính linh hoạt đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Quỹ tài chính tiết kiệm năng lượng được đề xuất như một thiết chế quan trọng nhằm thúc đẩy các dự án sử dụng năng lượng hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn và dịch vụ ESCO.

Mô hình Quỹ tài chính này đã được triển khai hiệu quả ở nhiều quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc hay Đức, góp phần thúc đẩy nhanh chóng việc đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Tại phiên họp Quốc hội ngày 5/5/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trình bày dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó điểm nổi bật là đề xuất thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đây là đòn bẩy tài chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư vào hiệu suất năng lượng – một trong những lĩnh vực có chi phí đầu tư cao nhưng thời gian hoàn vốn dài.

Theo dự thảo Luật, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng xã hội hóa, bảo đảm độc lập về tài chính, không trùng lặp với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước và hạn chế việc làm tăng chi phí hoạt động, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có chức năng cho vay lãi suất ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ lãi suất cho các chương trình, dự án, các hoạt động và nhiệm vụ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Hỗ trợ lãi suất hoặc tài trợ không hoàn lại cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ tiết kiệm và hiệu quả năng lượng; Bảo lãnh tín dụng cho các khoản vay từ tổ chức tài chính; Hỗ trợ kỹ thuật thông qua các doanh nghiệp dịch vụ năng lượng (ESCO), đào tạo nhân lực chuyên sâu. Cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý và điều hành của Quỹ gồm có Hội đồng quản lý, Ban Kiểm soát. Chính phủ quy định nguồn vốn của Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Quỹ thúc đẩy Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, tối ưu hóa sử dụng năng lượng

Quỹ thúc đẩy Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, tối ưu hóa sử dụng năng lượng

Về nguồn vốn hoạt động ban đầu của Quỹ sẽ từ nguồn xã hội hóa theo quy định của pháp luật, dự kiến sẽ thu từ nguồn vốn tài trợ từ các đối tác phát triển như: Ngân hàng Thế giới (WB); Cơ quan hợp tác phát triển Đan Mạch, Liên minh châu Âu… hoặc quỹ từ các tập đoàn đầu tư tư nhân, hoặc có thể lấy từ việc mua bán tín chỉ carbon, trái phiếu xanh...

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công, Bộ Công Thương cho hay: “Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả dự kiến sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp cũng như các công ty dịch vụ năng lượng để có thể vay vốn với lãi suất ưu đãi hoặc là bảo lãnh vốn vay để thực hiện các dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, để thay đổi công nghệ cũng như lắp đặt thiết bị để làm tăng hiệu suất năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng”.

Việc thành lập và triển khai Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được kỳ vọng sẽ giảm áp lực ngân sách bởi hệ thống ngân sách công hiện chưa đủ linh hoạt để tài trợ các dự án hiệu suất năng lượng quy mô vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhóm chịu áp lực lớn về tuân thủ tiêu chuẩn năng lượng trong xuất khẩu nhưng thiếu vốn đầu tư công nghệ.

Cùng với đó, việc triển khai Quỹ này cũng sẽ góp phần thúc đẩy thị trường ESCO, khi có Quỹ làm vai trò bảo lãnh, hỗ trợ kỹ thuật và đồng tài trợ, các doanh nghiệp ESCO sẽ mạnh dạn mở rộng dự án, tăng chất lượng dịch vụ. Đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện cam kết quốc tế. Việc cải thiện hiệu suất năng lượng là con đường nhanh, ít tốn kém và hiệu quả nhất để đạt mục tiêu này.

Dù vậy, để mô hình này thành công tại Việt Nam, cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý về thành lập và vận hành Quỹ, xây dựng hệ thống đo lường - báo cáo - xác minh hiệu quả tiết kiệm năng lượng minh bạch. Đồng thời, cần thiết kế cơ chế huy động vốn tư nhân đủ hấp dẫn, tránh lặp lại tình trạng “thiếu đầu vào, kẹt đầu ra” của nhiều Quỹ hiện nay.

Kinh nghiệm quốc tế

Thực tế quốc tế cho thấy, mô hình Quỹ tiết kiệm năng lượng đã và đang phát huy hiệu quả tại nhiều quốc gia.

Tại Thái Lan, đây là một trong những quốc gia tiên phong trong khu vực ASEAN về xây dựng thể chế hỗ trợ tiết kiệm năng lượng. Từ năm 1992, nước này đã thành lập Quỹ Tiết kiệm Năng lượng (ENCON Fund) với nguồn thu ổn định từ thuế nhiên liệu. ENCON Fund đóng vai trò là trung tâm tài chính của hàng loạt chương trình hỗ trợ kỹ thuật, bảo lãnh tín dụng, tài trợ nghiên cứu và kết nối doanh nghiệp.

Tính minh bạch và quy trình thẩm định rõ ràng đã giúp ENCON trở thành một trong những mô hình quỹ hiệu quả nhất khu vực châu Á.

Với Hà Lan, quốc gia này nổi bật với mô hình tài chính phân tầng - kết hợp giữa Quỹ Khí hậu và Năng lượng quốc gia và các quỹ cấp thành phố như Amsterdam, Rotterdam. Các quỹ này hỗ trợ cải tạo nhà ở xã hội, phát triển các khu dân cư tiết kiệm năng lượng và thúc đẩy đầu tư công nghệ mới như pin lưu trữ, điều khiển thông minh.

Còn tại Đan Mạch - quốc gia đi đầu châu Âu về chuyển đổi năng lượng bền vững với nền tảng là cộng đồng hóa giải pháp tiết kiệm năng lượng. Chính phủ Đan Mạch tài trợ mạnh cho các chương trình địa phương thông qua Quỹ Hiệu quả năng lượng và Quỹ Khí hậu quốc gia. Nguồn lực chủ yếu được sử dụng để cải tạo nhà ở công cộng, hệ thống sưởi tập trung, lắp đặt các thiết bị tiết kiệm điện và sưởi thông minh.

Chiến lược của Đan Mạch nhấn mạnh vai trò của người dân – từ tuyên truyền, giám sát, đến góp vốn cộng đồng. Đây là một trong những ví dụ rõ nét về sự hội tụ giữa thể chế mạnh, kỹ thuật cao và xã hội hóa sâu sắc.

Hay với Trung Quốc, quốc gia châu Á có quy mô thị trường tiết kiệm năng lượng và ESCO lớn nhất thế giới. Chính phủ nước này đã thành lập Quỹ hỗ trợ hiệu quả năng lượng ở cấp Trung ương và địa phương, chủ yếu thông qua Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và các quỹ đầu tư xanh.

Một trong những động lực chính là chính sách trợ giá trực tiếp cho tiết kiệm năng lượng: doanh nghiệp được nhận tiền tương ứng với lượng năng lượng tiết kiệm được (theo đơn vị TOE - tấn dầu quy đổi). Các dự án có quy mô lớn hoặc công nghệ mới còn được nhận hỗ trợ kỹ thuật, ưu đãi thuế và tài trợ thiết bị.

Hạ Vĩ

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/quy-tai-chinh-tiet-kiem-nang-luong--giai-phap-khoi-thong-nguon-luc-cho-chuyen-doi-xanh-140662.htm
Zalo