Quy mô kinh tế năm nay dự kiến vượt 500 tỷ USD, vào top 30 thế giới

Thủ tướng yêu cầu thực hiện quyết liệt các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD, dự kiến đứng thứ 30 trên thế giới.

 Thủ tướng nhấn mạnh lại mục tiêu GDP năm nay trên 500 tỷ USD, đứng thứ 30 thế giới. Ảnh: Quochoi.vn.

Thủ tướng nhấn mạnh lại mục tiêu GDP năm nay trên 500 tỷ USD, đứng thứ 30 thế giới. Ảnh: Quochoi.vn.

Trình bày báo cáo tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh lại mục tiêu tăng trưởng năm nay đạt 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD, dự kiến tăng 2 bậc lên vị trí thứ 30 trên thế giới, GDP bình quân đầu người đạt trên 5.000 USD.

Để thực hiện các mục tiêu này, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp.

Chính sách đặc thù phát triển khu kinh tế biên giới

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung nghiên cứu phát triển khung pháp lý mới để thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Tổ chức thử nghiệm có kiểm soát các ngành công nghệ mới và phát triển sản xuất thông minh gồm mô hình nhà máy thông minh, đô thị thông minh, quản trị đất nước thông minh.

“4 Nghị quyết này sẽ được thể chế hóa bằng 4 Nghị quyết của Quốc hội, để sau khi có chủ trương của Đảng sẽ đi vào cuộc sống. Trong quá trình đó chúng ta sẽ hoàn thiện pháp luật. Đây là một điểm mới trong chỉ đạo của Bộ Chính trị”, Thủ tướng chia sẻ.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ đạo xây dựng chính sách đặc thù, phát triển các khu kinh tế biên giới, thương mại tự do, khu tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong và các đặc khu kinh tế mới.

"Hiện nay chính quyền khu hải đảo cũng đang hướng xây dựng các khu kinh tế mới, chờ sửa Hiến pháp sẽ tổ chức thực hiện", Thủ tướng nói thêm.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan chủ động hoàn thiện phương án và đảm bảo hiệu quả đàm phán với Mỹ trên tinh thần bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng và hợp pháp của Việt Nam, thúc đẩy thương mại bền vững, không làm ảnh hưởng tới các thỏa thuận, hợp tác quốc tế mà Việt Nam đang tham gia.

Khẩn trương ban hành nghị quyết, nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược, tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, sẵn sàng thích nghi với diễn biến mới của tình hình thế giới.

Xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của chính sách thuế quan của Mỹ.

Chấm dứt quảng cáo sai sự thật

Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ sẽ chỉ đạo ưu tiên tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, mở rộng thu ngân sách Nhà nước và chống thất thu, nhất là thông qua thu thuế điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước trên 15%, điều chỉnh bội chi ngân sách lên 4,4% GDP trong trường hợp cần thiết và tiết kiệm chi để đầu tư phát triển kinh tế.

“Năm nay Chính phủ dự kiến tiết kiệm chi 10% nhưng tăng thêm 5% nữa để tập trung cho dự án đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng”, Thủ tướng cho biết.

Ngoài ra, Thủ tướng cho biết sẽ chỉ đạo điều tiết chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa; điều tiết tỷ giá phù hợp với nhu cầu vốn của nền kinh tế; nâng cao tín dụng hướng vào sản xuất kinh doanh; khẩn trương thực hiện gói ưu đãi cho đầu tư dài hạn các công trình chiến lược, công nghệ số, người trẻ mua nhà...

Toàn hệ thống tập trung rà soát, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Đáng chú ý, Thủ tướng cho biết sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường xúc tiến thương mại, triển khai hiệu quả kế hoạch tổng thể kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, ngăn chặn, xử lý nghiêm và chấm dứt hành vi quảng cáo sai sự thật.

Trong năm 2025, người đứng đầu Chính phủ đánh giá tình hình thế giới còn nhiều biến động phức tạp, chiến tranh thương mại ngày càng căng thẳng, thương mại quốc tế suy giảm. Các tổ chức quốc tế đồng loạt dự báo tăng trưởng toàn cầu để thấy khó khăn thách thức, thời cơ và cơ hội đan xen nhưng khó khăn và thách thức nhiều hơn.

“Tuy nhiên, đây là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, thị trường, sản xuất, sản phẩm, xuất khẩu… tham gia nhiều hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu với quyết tâm tăng tốc, bứt phá, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội trong năm 2025 và kế hoạch 5 năm 2021-2025”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/quy-mo-kinh-te-nam-nay-du-kien-vuot-500-ty-usd-vao-top-30-the-gioi-post1551021.html
Zalo