Quy định bắt buộc, tăng chế tài thay vì chỉ khuyến khích tiết kiệm năng lượng

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả sửa đổi ngoài việc ứng phó với chính sách mới từ thị trường xuất khẩu, còn đề ra các quy định cụ thể mang tính bắt buộc, thay vì chỉ khuyến khích.

Tại phiên họp Quốc hội chiều 5/5, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình. (Ảnh: Media Quốc hội).

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình. (Ảnh: Media Quốc hội).

Theo nội dung tờ trình, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sau 15 năm triển khai thi hành, đến nay đã bộc lộ một số bất cập cần phải rà soát để sửa đổi, bổ sung.

Việc này nhằm kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động sử dụng năng lượng và ứng phó với các thách thức mới liên quan đến chính sách Xanh, như thuế phát thải carbon (Emissions Trading System-ETS), CBAM, dấu vết carbon… từ thị trường xuất khẩu khó tính như thị trường châu Âu, châu Mỹ và ngay cả các quốc gia ASEAN như Thái Lan, Malaysia và Singapore cũng đang xây dựng quy định về thuế liên quan đến kiểm soát phát thải.

Mặt khác, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Vì vậy, cùng với việc chuyển đổi mạnh mẽ cơ bản nguồn năng lượng hợp lý theo hướng giảm thiểu nguồn năng lượng có nguồn gốc hóa thạch, tăng mạnh nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam cần phải xem xét sửa đổi luật theo hướng tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Việc xây dựng luật sửa đổi, bổ sung là hết sức cần thiết, nhằm tiếp tục quán triệt, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước giải quyết được các vấn đề của thực tiễn trong nước đặt ra, phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế.

Đồng thời tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ vướng mắc, rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tăng cường các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Bên cạnh đó việc sửa đổi, bổ sung sẽ giúp Việt Nam kịp thời tận dụng, thu hút và huy động được các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình đầu tư tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi thị trường các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra. (Ảnh: Media Quốc hội).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra. (Ảnh: Media Quốc hội).

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, dự án Luật đã bổ sung đối tượng dán nhãn năng lượng là vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nội dung này không tương thích với tên của Điều 37 về biện pháp quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với phương tiện, thiết bị; đồng thời cũng chưa được bổ sung đồng bộ tại một số khoản khác tại dự án Luật.

Mặt khác, việc dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng chưa thực sự phổ biến, có thể khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất nhỏ, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu chưa thường xuyên thử nghiệm và dán nhãn vì chi phí thử nghiệm cao, trước đây chưa có yêu cầu bắt buộc; một số đơn vị lợi dụng dán nhãn để cạnh tranh không lành mạnh, gây nhiễu loạn thị trường…

Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu làm rõ tính khả thi của quy định này; rà soát, bổ sung các đối tượng dán nhãn để phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế trong thương mại.

Đối với quy định về phương tiện, thiết bị, phụ tùng, vật tư phục vụ cho hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ tiết kiệm năng lượng; sản phẩm tiết kiệm năng lượng, các loại phương tiện giao thông tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng khí hóa lỏng, khí thiên nhiên, điện, hydrogen, nhiên liệu tổng hợp, sinh học mà trong nước chưa sản xuất được và thuộc danh mục do Chính phủ quy định được miễn, giảm thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế, ông Huy cho biết, có ý kiến cho rằng quy định này là chưa thống nhất với quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016.

Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, chỉnh sửa để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016.

Đối với quy định về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mở rộng, nâng cấp, cải tạo, chuyển đổi sang các công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, Ủy ban thấy rằng, quy định này còn chung chung và cũng không giao Chính phủ quy định cụ thể nên sẽ khó thực hiện.

Do vậy, đề nghị nghiên cứu rà soát các quy định trong dự thảo, các luật có liên quan, đề xuất hỗ trợ tín dụng tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới dễ dàng hơn. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này.

Yến Chi

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/quy-dinh-bat-buoc-tang-che-tai-thay-vi-chi-khuyen-khich-tiet-kiem-nang-luong-192250505171539746.htm
Zalo