Quy hoạch mạng lưới cơ sở GD Đại học là bài toán tối ưu hóa

Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở GD Đại học nhằm tối ưu hệ thống sẵn có, không thể đáp ứng tất cả mong đợi của các bên liên quan.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn (giữa) chủ trì tọa đàm. Ảnh: Mạnh Tùng

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn (giữa) chủ trì tọa đàm. Ảnh: Mạnh Tùng

Sáng 7/12, Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050.

Tọa đàm được tổ chức tại Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (TPHCM), với sự tham dự của đại diện 19 tỉnh, thành và các trường đại học vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì tọa đàm.

Năm 2030 có 2,75 triệu sinh viên đại học

Mở đầu tọa đàm, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) trình bày báo cáo tóm tắt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) trình bày báo cáo tóm tắt quy hoạch. Ảnh: Mạnh Tùng

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) trình bày báo cáo tóm tắt quy hoạch. Ảnh: Mạnh Tùng

Ông Nguyễn Anh Dũng cho biết, hiện cả nước có 244 cơ sở giáo dục đại học, trong đó 172 trường công lập (54 trường thuộc Bộ GD&ĐT, 26 trường thuộc các địa phương); 67 trường ngoài công lập (5 trường có vốn đầu tư nước ngoài). Ngoài ra, mạng lưới còn có 20 trường cao đẳng sư phạm (3 trường thuộc Bộ GD&ĐT, 17 trường thuộc địa phương).

Phân hiệu các cơ sở giáo dục đại học có sự phát triển, góp phần trong việc mở rộng độ bao phủ của giáo dục đại học.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Dũng cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong thực trạng mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm hiện nay.

Theo đó, các trường đào tạo giáo viên có độ bao phủ cao, song phân bổ chưa đều. Vai trò của các trường cao đẳng sư phạm ngày càng mờ nhạt, tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn.

Về đào tạo, quy mô và tỷ lệ sinh viên đại học theo học các lĩnh vực STEM thấp hơn so với các nước trong khu vực và châu Âu, nhất là tỷ lệ nữ sinh theo học. Đặc biệt, ở ngành Khoa học cơ bản và Toán, tỷ lệ này rất thấp.

Quy mô đào tạo của mạng lưới cơ sở giáo dục đại học. Ảnh: Mạnh Tùng

Quy mô đào tạo của mạng lưới cơ sở giáo dục đại học. Ảnh: Mạnh Tùng

Về đào tạo sau đại học, cơ cấu quy mô theo trình độ phát triển không đồng đều. Quy mô đào tạo có xu hướng tăng trong khi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ giảm trong những năm gần đây. Đào tạo tiến sĩ phân tán, hiệu quả không cao, chưa đáp ứng được yêu cầu cân đối và đồng bộ với sự phát triển của kinh tế, xã hội.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng phân tích những hạn chế trong phân bố giáo dục đại học theo vùng. Cụ thể, quy mô sinh viên tăng nhưng phân bố không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Sự khác biệt về quy mô sinh viên giữa các vùng khá lớn.

Trong đó, 26 cơ sở giáo dục đại học thuộc địa phương nhiều năm không có cải thiện nhiều về quy mô đào tạo, công tác tuyển sinh khó khăn, hoạt động kém hiệu quả.

Đầu tư cho giáo dục đại học cũng còn nhiều hạn chế. Dù nhận được sự quan tâm đầu tư ngân sách, nhưng nguồn tài chính cho giáo dục đại học chưa tương xứng với mục tiêu phát triển quốc gia trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035.

Khi so sánh với các nước có đặc điểm tương đồng, có thể thấy tỷ lệ nguồn ngân sách cho giáo dục đại học ở Việt Nam ở mức rất thấp.

Chưa kể, cơ sở vật chất, hạ tầng ở các trường đại học cũng hạn hẹp. Phần lớn các trường có diện tích nhỏ, diện tích sàn xây dựng thấp, nhất là những vùng có mức độ phát triển kinh tế cao như Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ.

Các đại biểu nghiên cứu báo cáo tóm tắt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Mạnh Tùng

Các đại biểu nghiên cứu báo cáo tóm tắt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Mạnh Tùng

Ông Nguyễn Anh Dũng cho hay, theo dự thảo quy hoạch, đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 250 cơ sở giáo dục đại học và 50 phân hiệu thuộc 200 cơ sở đầu mối, định hướng phân bố theo các vùng.

Trong đó, khoảng 30 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, gồm 5 đại học quốc gia, 5 đại học vùng và từ 18 đến 20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia.

Đến năm 2030, tổng quy mô đào tạo các cơ sở giáo dục đại học xấp xỉ 3 triệu người. Trong đó có 2,75 triệu sinh viên đại học; 210 nghìn học viên thạc sĩ; 21 nghìn nghiên cứu sinh tiến sĩ và trình độ tương đương.

Bài toán tối ưu, đa mục tiêu

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì Tọa đàm, ngày 7/12 tại TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì Tọa đàm, ngày 7/12 tại TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Nhắc lại quá trình xây dựng Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm từ năm 2021 đến nay, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhận định, đây là một bài toán khó.

Theo Thứ trưởng, quy hoạch tức là giải một bài toán tối ưu hóa: sắp xếp hệ thống ra sao, phát triển như thế nào. Việc quy hoạch dựa trên hệ thống sẵn có, phải đảm bảo sự xáo trộn ít nhất nhưng đem lại hiệu quả cao nhất.

Bài toán tối ưu này đa mục tiêu với nhiều yếu tố ràng buộc (quy hoạch vùng, định hướng phát triển, các yếu tố đang tồn tại…). Công tác quy hoạch cũng phải tính đến tính khả thi, đặc biệt ở yếu tố nguồn lực.

“Do đó, lời giải cuối cùng của bản quy hoạch này chỉ có thể gọi là tối ưu, chứ không thể là tốt nhất, không thể đáp ứng được mọi mục tiêu, mọi mong đợi của các bên liên quan”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng cũng cho biết, phạm vi bản quy hoạch này là việc sắp xếp lại không gian, định hướng phát triển và xác định nguồn lực để thực hiện (tự chủ đại học, chuyên môn đào tạo, nghiên cứu…). Có quy hoạch rồi, sẽ có các dự án, nhiệm vụ cụ thể.

Do đó, quy hoạch này không phải nhằm giải quyết ngay mọi vấn đề trong lĩnh vực giáo dục đại học.

PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang phát biểu ý kiến. Ảnh: Mạnh Tùng

PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang phát biểu ý kiến. Ảnh: Mạnh Tùng

Tọa đàm ghi nhận 10 ý kiến từ lãnh đạo các Sở GD&ĐT, các trường đại học, tập trung vào các vấn đề: Định hướng sắp xếp cơ cấu và phân bố mạng lưới; định hướng phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, theo vùng; mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên...

PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang (TPHCM) cho rằng, trong định hướng phát triển mạng lưới trường trọng điểm, nên đặt ra các tiêu chí để các trường hướng đến. Việc đưa vào quy hoạch danh sách trường cụ thể sẽ "triệt tiêu sự phấn đấu của các cơ sở giáo dục đại học khác".

PGS.TS Diệp Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh đề xuất bổ sung vào quy hoạch một đại học vùng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Một số lãnh đạo trường đại học ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng thành lập một đại học quốc gia trong vùng; hoặc đề xuất đưa trường mình vào danh sách trường trọng điểm.

PGS.TS Diệp Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh góp ý dự thảo quy hoạch. Ảnh: Mạnh Tùng

PGS.TS Diệp Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh góp ý dự thảo quy hoạch. Ảnh: Mạnh Tùng

Ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang có đề xuất việc sắp xếp lại các trường cao đẳng sư phạm.

"Nên chuyển một số giảng viên ở các cơ sở này vào một khoa sư phạm của trường đại học. Còn số giảng viên còn lại sẽ thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên để đảm bảo việc sử dụng hiệu quả đội ngũ. Vấn đề bồi dưỡng thường xuyên hiện nay tại các Sở GD&ĐT địa phương đang là nhu cầu cần thiết", ông Trần Quang Bảo nói.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đã lắng nghe và trao đổi với từng đại biểu. Thứ trưởng ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Các ý kiến sẽ được xem xét để hoàn chỉnh quy hoạch.

Mạnh Tùng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/quy-hoach-mang-luoi-co-so-gd-dai-hoc-la-bai-toan-toi-uu-hoa-post663828.html
Zalo