Quy hoạch không gian ngầm ở TP.HCM và kinh nghiệm thế giới

Các chuyên gia nhận định việc TP.HCM định hướng phát triển giao thông ngầm đa chức năng là bước đi phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Mới đây, trong hội nghị tổng kết công tác tổ chức, chăm lo Tết nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 2, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, trong năm nay TP phải có sản phẩm nhiệm vụ quy hoạch, phải mời tư vấn quốc tế làm không gian ngầm trên toàn TP.HCM.

Giao thông ngầm dọc sông Sài Gòn

Việc quy hoạch không gian ngầm theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM cũng được nêu trong Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tháng 1), trong đó TP.HCM cũng định hướng phát triển trục giao thông ngầm đa chức năng.

Trong quy hoạch này có nhận định thực tế hiện nay khu đô thị trung tâm nhu cầu vận tải ngày càng gia tăng, nếu phát triển các hạ tầng giao thông đi trên cao sẽ ảnh hưởng tới kiến trúc cảnh quan của đô thị.

"Do đó cần tận dụng không gian ngầm để phát triển hạ tầng giao thông, phục vụ nhu cầu phát triển của Thành phố", Quy hoạch TP.HCM nêu rõ.

Ngoài ra, cũng có thể kết hợp đường bộ với đường sắt, hoặc kết hợp đường bộ với hạ tầng kỹ thuật khác như đường điện, cáp thông tin, cấp, thoát nước đô thị trong cùng 1 ống tuynel (ống giao thông ngầm) để tận dụng tối đa không gian ngầm và tiết kiệm chi phí đầu tư.

 TP.HCM đề xuất làm giao thông ngầm dọc theo sông Sài Gòn. Ảnh: NT

TP.HCM đề xuất làm giao thông ngầm dọc theo sông Sài Gòn. Ảnh: NT

"TP.HCM định hướng phát triển trục giao thông ngầm tùy theo điều kiện của từng khu vực xây dựng sẽ sử dụng loại đường ngầm phù hợp: kết hợp đường bộ và hạ tầng kỹ thuật điện, thông tin; kết hợp đường bộ với đường sắt; kết hợp đường bộ với thoát nước đô thị…", văn bản quy hoạch TP.HCM gợi ý.

Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 TP.HCM đề xuất một số trục giao thông ngầm như tuyến dọc sông Sài Gòn đoạn đi qua địa bàn Quận 1, Quận 4 và Quận 7; khu vực ga Bến Thành và đường Hàm Nghi; khu vực bến Bạch Đằng và đường Tôn Đức Thắng; khu vực kết nối cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất….

Để chuẩn bị cho kế hoạch phát triển không gian ngầm, Quy hoạch TP.HCM cho biết TP cũng đã tham khảo một số mô hình được sử dụng hiệu quả trên thế giới.

Đơn cử như đường hầm thông minh tại thành phố Kuala Lumpur (Malaysia). Thay vì trước đây ô tô phải mất 30 phút để đi từ ngoại thành phía Nam vào trung tâm Kuala Lampur, nay nếu qua đường hầm chỉ mất 5 phút.

Đặc biệt, từ khi hệ thống đường hầm giao thông và điều tiết lũ (SMART) hoạt động, Thủ đô Kula Lampur đã thoát cảnh ngập lụt như trước đây. Đường hầm dài 9,7km, rộng 13m, kinh phí xây dựng 500 triệu USD, hoàn thành vào năm 2007.

Bên cạnh đó là mô hình hầm đường bộ nối quận Hán Khẩu và Vũ Xương của Vũ Hán, Trung Quốc. Đường hầm có tổng chiều dài 4.660m, đường kính ngoài 15,2m, đường hầm này gồm đường cao tốc một chiều 3 làn và đường hầm tàu điện ngầm được tích hợp hoàn hảo trong cùng một đường hầm ống.

Hầm metro hai chiều được xây dựng bên dưới đường cao tốc hai chiều 6 làn xe có chiều rộng chỉ 40m, tiết kiệm khoảng 120.000 m2 đất, giảm thiểu tác động đến môi trường và người dân và giảm chi phí dự án.

Phát triển không gian ngầm là bước đi phù hợp

Trao đổi với PV PLO, TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM nhận định việc TP.HCM định hướng phát triển không gian ngầm, giao thông ngầm là hướng đi tất yếu trong bối cảnh ùn ứ ngày càng gia tăng, hạ tầng hiện hữu không còn đáp ứng được.

"Trên thực tế, TP.HCM có một số vị trí đặc thù như trung tâm thành phố, nhu cầu về giao thông, vui chơi, giải trí tương đối cao. Song do vướng những công trình và việc giải tỏa đền bù quá đắt đỏ sẽ dẫn đến không còn con đường nào khác ngoài việc phải tập trung vào việc phát triển những công trình giao thông ngầm", ông Cương nói.

Bên cạnh đó còn là vấn đề về cảnh quan, khi mà những công trình có thể phá vỡ cảnh quan nếu đi bằng hoặc đi trên cao ở những vị trí đặc thù thì tất yếu phải tính toán đến phương án đi ngầm, mặc dù cần nguồn lực rất lớn, ông Cương lý giải.

 Trung tâm TP nên được phát triển không gian ngầm. Ảnh: NT

Trung tâm TP nên được phát triển không gian ngầm. Ảnh: NT

"Việc khai thác không gian ngầm hiệu quả sẽ mang lại cho TP.HCM nhiều lợi ích về kinh tế, phục vụ người dân tốt hơn. Điều cốt lõi để khai thác không gian ngầm hiệu quả là phải có quy hoạch từ trước để giữ không gian đó không bị xâm lấn bởi các công trình trên mặt đất. Từ đó hình thành nên một không gian liên tục, đồng bộ, không bị ngắt quãng để có thể sử dụng làm các công trình giao thông" - ông Cương nói.

Ví dụ, TP.HCM muốn làm một bãi xe ngầm, chủ đầu tư phải tính toán làm sao thu tiền để hòa vốn nhưng khi người dân gửi xe dưới lòng đất mà giá bằng hoặc cao hơn trên mặt đất thì rất khó để thay đổi thói quen và tất yếu sẽ khó có vốn để triển khai các công trình ngầm, ông Cương dẫn chứng.

Còn KTS Khương Văn Mười - nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đánh giá việc định hướng xây dựng không gian ngầm hay giao thông ngầm để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông trong bối cảnh hiện nay là bước đi phù hợp, đúng đắn.

Thực tế, kế hoạch phát triển không gian ngầm dọc sông Sài Gòn qua các khu vực trung tâm như bến Bạch Đằng trước đây đã được đề xuất. Theo đó, khu vực này sẽ được tạo không gian ngầm để làm bãi đậu xe, cho ô tô chạy, còn ở trên mặt đất sẽ hình thành một trung tâm đi bộ bao gồm đường Hàm Nghi, Công viên 23/9, bến Bạch Đằng...

"Để làm được điều này tất yếu phải phát triển không gian ngầm, giao thông ngầm, bãi giữ xe ngầm...Mặc dù sẽ có nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề kỹ thuật, nguồn lực, nhưng khi có ý tưởng tốt, cách làm tốt, TP.HCM sẽ triển khai thành công, từ đó tạo dựng nên hình ảnh một trung tâm thành phố mới lạ, độc đáo", ông Mười phân tích.

Thực tế, đường Lê Lợi (quận 1) cũng từng thi tuyển phương án tổ chức không gian ngầm với một tầng để giữ xe, một tầng làm trung tâm thương mại, các tiện ích phục vụ người dân....

"Với khu vực trung tâm TP.HCM, đường trên cao chi phí rẻ hơn nhưng sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị mà một thành phố sông nước đang có. Trong khi đó việc phát triển không gian, giao thông ngầm chi phí cao hơn nhưng hạn chế được tác động đến đời sống xã hội, người dân", ông Mười nhận định.

NHƯ NGỌC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quy-hoach-khong-gian-ngam-o-tphcm-va-kinh-nghiem-the-gioi-post832900.html
Zalo