Ghi nhận sau một năm triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2024
Từ khi Luật Đất đai năm 2024 chính thức có hiệu lực, tỉnh Hòa Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc triển khai và áp dụng luật vào thực tiễn. Với sự chỉ đạo sát sao từ các cấp lãnh đạo và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, công tác thi hành Luật Đất đai tại Hòa Bình dần đi vào nền nếp, mang lại nhiều chuyển biến tích cực.
Từ khi Luật Đất đai năm 2024 chính thức có hiệu lực, tỉnh Hòa Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc triển khai và áp dụng luật vào thực tiễn. Với sự chỉ đạo sát sao từ các cấp lãnh đạo và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, công tác thi hành Luật Đất đai tại Hòa Bình dần đi vào nền nếp, mang lại nhiều chuyển biến tích cực.
Việc UBND tỉnh kịp thời ban hành khung giá đất đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh thi công dự án đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.
Ngay sau khi Luật Đất đai được thông qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 98/KH-UBND, ngày 08/5/2024 để triển khai thực hiện. Song song với đó, các văn bản chi tiết và nghị quyết quan trọng đã được ban hành, trong đó phải kể đến Nghị quyết số 448/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số và Nghị quyết số 436/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh liên quan đến tiêu chí đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
UBND tỉnh cũng kịp thời ban hành các quyết định quan trọng, như Quyết định số 31/2024/QĐ-UBND về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và Quyết định số 64/2024/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho người bị thu hồi đất. Các văn bản này tạo nền tảng pháp lý để đảm bảo quyền lợi cho người dân và nâng cao hiệu quả quản lý đất đai.
Nhận thức rõ vai trò của tuyên truyền, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến và trực tiếp để phổ biến Luật Đất đai và các nghị định liên quan. Đặc biệt, hội nghị trực tuyến ngày 10/5/2024 với sự tham gia của lãnh đạo Bộ TN&MT cùng các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh đã giúp quán triệt sâu rộng các nội dung chính của luật.
Ngoài ra, ngành TN&MT đã tham mưu với tỉnh thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền sáng tạo như xuất bản ấn phẩm, đăng tin bài trên báo, đài và tổ chức các hội thảo chuyên đề. Những hoạt động này không chỉ giúp nâng cao nhận thức của người dân mà còn tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong việc thực thi luật.
Đặc biệt, ngành TN&MT tỉnh đã công bố danh mục thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, đồng thời phê duyệt quy trình nội bộ nhằm thực hiện cơ chế một cửa liên thông. Quyết định số 1615/QĐ-UBND, ngày 22/8/2024 của UBND tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận các dịch vụ công.
Ông Lưu Quốc Khánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hòa Phú - Hòa Bình chia sẻ: Khu công nghiệp Nhuận Trạch được xác định là dự án trọng điểm của tỉnh. Việc đẩy nhanh tiến độ là trách nhiệm của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của các sở, ngành là động lực để Khu công nghiệp Nhuận Trạch khởi công đúng lộ trình. Giai đoạn đầu triển khai, dự án gặp khó khăn khi chưa có giá đất ở cụ thể làm cơ sở lập phương án bồi thường đối với trường hợp bị thu hồi đất ở; dự án nhà ở tái định cư cho các hộ dân có đất ở sinh sống trong khu vực dự án chưa hoàn thành. Chia sẻ cùng doanh nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đồng hành, đẩy nhanh tiến độ xây dựng bảng giá đất. Nhờ đó, doanh nghiệp thực hiện các dự án trên địa bàn nói chung có sử dụng đất cũng thuận lợi hơn trong việc xác định giá đất cụ thể và hoàn tất thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư với các quy định hết sức rõ ràng tại Quyết định số 64/2024/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả, song quá trình triển khai Luật Đất đai tại tỉnh gặp một số khó khăn, trong đó phải kể đến khối lượng công việc lớn. Hiện nay, với hơn 20 nội dung phân cấp thẩm quyền, việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết gặp nhiều áp lực về tiến độ và nhân lực. Trong khi đó, số lượng công chức chuyên môn trong lĩnh vực đất đai chưa đáp ứng đủ, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện các nhiệm vụ phức tạp như định giá đất hay quy hoạch sử dụng đất. Bên cạnh đó, một số chính sách ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, đòi hỏi quy trình xây dựng và lấy ý kiến kỹ lưỡng, kéo dài thời gian ban hành.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT, ngành đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 102/2024/NĐ-CP, cho phép Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc UBND cấp huyện quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời, đề nghị Bộ TN&MT tổ chức thêm các lớp tập huấn và ban hành hướng dẫn cụ thể cho những nội dung phức tạp như xây dựng bảng giá đất… qua đó từng bước tháo gỡ những khó khăn nêu trên.
Với nỗ lực không ngừng nghỉ, tỉnh Hòa Bình đã tạo dựng nền tảng quan trọng để Luật Đất đai năm 2024 đi vào đời sống. Dù còn một số thách thức cần khắc phục, nhưng với quyết tâm cao từ chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân, việc triển khai Luật Đất đai hứa hẹn đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian tới.