Quy hoạch Hà Nội hướng ra sông Hồng

Trong tháng cuối cùng của năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là dấu mốc có ý nghĩa đặc biệt, tháo gỡ các nút thắt trong phát triển, tạo ra không gian và động lực để Hà Nội bứt phá trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bản quy hoạch được đánh giá là có tư duy hết sức đột phá khi xác định Hà Nội sẽ không còn quay lưng với dòng sông mẹ, sông Hồng trở thành trục động lực phát triển của vùng Thủ đô, liên kết và dẫn dắt sự phát triển vùng đô thị đồng bằng sông Hồng.

Kéo dài 40 cây số trải qua 13 quận, huyện với diện tích khoảng 11.000 ha, từ xa xưa sông Hồng đã làm mạch nguồn của mảnh đất kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội. Hiện xung quanh có khoảng 250 nghìn người sinh sống bên dòng sông mẹ.

Trước đó, vào năm 1995, quy hoạch không gian hai bên sông Hồng đã sớm được thành phố Hà Nội nghiên cứu, triển khai với dự án Sông Hồng City đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Trước đó, quy hoạch sông Hồng cũng được Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội triển khai từ cuối nhiệm kỳ trước. Bản quy hoạch này đã bám sát vào những nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng chống lũ cũng như thực trạng dân cư, để đề xuất những khu vực dân cư được tồn tại cải tạo, chỉnh trang, những khu vực dân cư phải di dời. Đồng thời cũng đề xuất phát triển hạ tầng nhằm hướng tới mục tiêu phát triển sông Hồng tại khu vực trung tâm Hà Nội trở thành một không gian cảnh quan trọng tâm, hiện đại và bền vững.

Trên các cơ sở nghiên cứu và những ý tưởng ấp ủ, vào đầu nhiệm kỳ này, tức là vào năm 2011, bản dự thảo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định, sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là không gian văn hóa di sản, du lịch và dịch vụ, kết nối vùng Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng.

Do vậy, trong quy hoạch Thủ đô vừa được thông qua đã thống nhất, sông Hồng là một trong 5 trục động lực phát triển của Thủ đô bên cạnh bốn trục: Trục Hồ Tây - Cổ Loa; Trục Nhật Tân - Nội Bài; Trục Hồ Tây - Ba Vì; và Trục phía Nam.

Đây là cơ sở để khai thác và tận dụng các giá trị của dòng sông đã chảy dài cùng mạch nguồn của Thủ đô.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được thông qua bao gồm 5 quan điểm phát triển chung, 3 quan điểm về tổ chức không gian với mục tiêu phát triển, xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", xanh, thông minh, là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của cả nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; thành phố thanh bình, người dân hạnh phúc.

Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho hay: "Trục không gian sông Hồng phát triển là không gian xanh trung tâm của đô thị trung tâm, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế - xã hội và là không gian điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, trong đó sẽ xác định Chương trình tái thiết đô thị đoạn sông Hồng đi qua địa bàn các quận trung tâm thành phố và các khu vực cần tái thiết tại các quận nội đô".

Để phát huy được giá trị của sông Hồng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tại cuộc làm việc với Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Hà Nội cần nhanh chóng khai thác các giá trị của dòng sông với việc triển khai các dự án đầu tư phát triển bên cạnh việc bảo tồn dòng sông lịch sử và mạch nguồn này.

Từ đây tổ chức không gian sống "Nhìn sông, tựa núi” để sông Hồng tiếp tục được định hướng là trục xanh, cảnh quan trung tâm và phát triển đô thị hài hòa hai bên sông - một nhân tố không thể thiếu kết nối Hà Nội xưa – Hà Nội nay và Hà Nội của tương lai.

Với lợi thế của dòng sông mẹ, quy hoạch Thủ đô đã định hình: Phát triển hành lang du lịch dọc theo hai bờ sông Hồng (từ Ba Vì đến Phú Xuyên), theo Vành đai 4, hai bờ sông Đáy (Phúc Thọ đến Mỹ Đức); từng bước hình thành hành lang du lịch theo sông Tô Lịch; khai thác hành lang du lịch theo sông Cầu và sông Cà Lồ (huyện Sóc Sơn) và hành lang du lịch dọc sông Tích. Để đưa dòng sông thực sự trở thành biểu tượng, là nhân tố thúc đẩy Thủ đô phát triển, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã xây dựng những cây cầu vượt sông.

Bên cạnh 9 cây cầu hiện hữu như Thanh Trì, Vĩnh Tuy hay Nhật Tân cùng với 18 cây cầu đã được quy hoạch như Trần Hưng Đạo, Mễ Sở được xây dựng trong tương lai, nối đôi bờ sông Hồng, sẽ từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng thành phố bên sông của Thủ đô theo hướng Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

Minh Hoàn

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/quy-hoach-ha-noi-huong-ra-song-hong-292712.htm
Zalo