Quy hoạch cơ sở giáo dục đại học: Đảm bảo hiệu quả đầu tư

Theo dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Việt Nam sẽ có 30 đại học trọng điểm tiến vào các bảng xếp hạng thế giới.

Quy hoạch đại học để xác định đầu tư trọng điểm. Ảnh: Quang Vinh.

Quy hoạch đại học để xác định đầu tư trọng điểm. Ảnh: Quang Vinh.

Dự kiến có 30 đại học trọng điểm

Dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (trừ các trường thuộc Bộ Công an, Quốc phòng, các trường cao đẳng sư phạm), do Bộ GDĐT chủ trì. Theo đó, Bộ dự kiến đến năm 2030, cả nước có khoảng 250 cơ sở giáo dục đại học và 50 phân hiệu. Trong đó có 30 cơ sở đào tạo trọng điểm (gồm 5 đại học quốc gia, 5 đại học vùng, 18 - 20 trường trọng điểm ngành). Đây cũng là lần đầu Bộ GDĐT dự kiến danh sách này.

Theo đó, ngoài Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Quốc gia Hà Nội thì Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng dự kiến trở thành đại học quốc gia vào năm 2030. Các cơ sở đào tạo này sẽ có quyền tự chủ cao hơn các mô hình còn lại, có sứ mạng dẫn dắt và vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia về phát triển nhân tài, nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. 4 trường được quy hoạch là đại học vùng, bên cạnh Đại học Thái Nguyên, gồm: Trường Đại học Vinh, Đại học Nha Trang, Đại học Tây Nguyên, Đại học Cần Thơ.

Với các trường đào tạo giáo viên, Bộ GDĐT dự kiến sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, căn cứ năng lực và uy tín, khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển đội ngũ giáo viên của các địa phương, từng vùng và cả nước. Đến năm 2030, cả nước không còn cao đẳng sư phạm, mà có khoảng 50 cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên các trình độ. Trong đó, 11 trường giữ vai trò hạt nhân với khoảng 50% tổng quy mô đào tạo sư phạm toàn quốc.

Mong muốn đưa vào quy hoạch trọng điểm

Trước đó, tại hội thảo mới nhất đóng góp ý kiến vào dự thảo quy hoạch nói trên do Bộ GDĐT tổ chức, nhiều cơ sở giáo dục đại học cho rằng trường mình xứng đáng được đưa vào quy hoạch, trở thành đại học quốc gia, đại học trọng điểm quốc gia.

Ông Trần Thanh Vân - Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên đề nghị đưa cơ sở này trở thành đại học quốc gia, đại học trọng điểm quốc gia trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo ông Vân, việc đưa ra đề xuất trên dựa vào căn cứ: Đại học Thái Nguyên là đại học vùng được thành lập theo Nghị định số 31 ngày 4/4/1994 của Chính phủ trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các trường đại học trên địa bàn TP Thái Nguyên. Đến nay, Đại học Thái Nguyên đã có 7/7 trường đại học thành viên đạt chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục đại học chu kỳ II, 13 chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GDĐT và 15 chương trình được công nhận đạt chuẩn chất lượng của AUN-QA. Ngoài ra, có 14 chương trình đào tạo đại học, 4 chương trình đào tạo thạc sĩ đã được đánh giá chờ công nhận (VNU-CEA)…

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải - TS Trần Hà Thanh đề xuất, nhà trường trực thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và được Bộ GTVT quy hoạch thành trường đại học trọng điểm quốc gia. Do đó, đại diện nhà trường đề nghị Bộ GDĐT xem xét đưa vào quy hoạch mạng lưới các trường đại học trọng điểm trong dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bà Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương bày tỏ mong muốn việc lựa chọn, đầu tư trường trọng điểm cần đảm bảo được nguyên tắc không tạo nên sự bất bình đẳng trong phát triển giáo dục đại học và căn cứ vào chất lượng đầu ra, khả năng huy động nguồn lực của cơ sở. Bên cạnh đó, bà Hương cho rằng, thay vì Bộ GDĐT liệt kê các trường vào quy hoạch trọng điểm, cần đưa ra các điều kiện cụ thể để có thể trở thành trường trọng điểm và có cơ chế linh hoạt trong lựa chọn.

Bộ GDĐT cho hay, quy hoạch trọng điểm không phải để công nhận mà xác định trọng điểm để đầu tư. Bộ sẽ tiếp thu ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo quy hoạch theo hướng xác định rõ mục đích, mục tiêu của các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm; cũng như làm rõ hơn các tiêu chuẩn, tiêu chí…

Bộ GDĐT vừa cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 57 thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo nội dung Quyết định, Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Phó Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ GDĐT. Thành viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo các Bộ: GDĐT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Y tế, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ… Cơ quan thường trực của Hội đồng là Bộ GDĐT.

Vi Cầm

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/quy-hoach-co-so-giao-duc-dai-hoc-dam-bao-hieu-qua-dau-tu-10271934.html
Zalo