Quy đổi tương đương điểm chuẩn sẽ đảm bảo tương đồng về năng lực đầu vào của HS
Việc quy đổi tương đương điểm chuẩn giữa các phương thức xét tuyển năm 2025 được kỳ vọng sẽ tăng tính minh bạch, đảm bảo công bằng hơn trong tuyển sinh đại học.
Nhiều năm qua, việc xác định điểm chuẩn trong tuyển sinh đại học vẫn tồn tại không ít bất cập. Các cơ sở giáo dục đại học chủ yếu dựa vào chỉ tiêu để xác lập mức điểm trúng tuyển, trong khi việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển lại thiếu căn cứ khoa học rõ ràng. Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng tuyển sinh mà còn khiến thí sinh lo ngại về tính công bằng giữa các phương thức dự tuyển.
Trước thực trạng đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra một điều chỉnh quan trọng trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2025 đó là các trường sẽ phải thực hiện quy đổi điểm chuẩn tương đương giữa các phương thức xét tuyển trong cùng một ngành hoặc chương trình đào tạo.
Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục tiêu chính của việc quy đổi là để đánh giá năng lực thí sinh một cách công bằng giữa các phương thức xét tuyển.
Chính sách mới này được kỳ vọng sẽ góp phần khắc phục những bất cập kéo dài trong công tác tuyển sinh, đồng thời tăng cường tính minh bạch, công bằng trong xác định điểm chuẩn đầu vào của các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, để hiện thực hóa chủ trương này, các cơ sở đào tạo cần áp dụng những phương pháp quy đổi phù hợp, dựa trên dữ liệu thực tế và phản ánh đúng năng lực đầu vào.
Điểm chuẩn chưa thực sự phản ánh đúng chất lượng đầu vào

Tiến sĩ Phan Đức Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: UED
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Đức Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho rằng đảm bảo công bằng trong tuyển sinh không chỉ phụ thuộc vào việc quy đổi điểm. Song, theo thầy Tuấn, hai điểm mới trong Quy chế tuyển sinh năm nay là quy đổi điểm chuẩn tương đương và bỏ xét tuyển sớm được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện tính công bằng so với các năm trước.
“Một minh chứng dễ thấy là trong đợt xét tuyển sớm số lượng thí sinh đăng ký, chỉ tiêu phân bổ cho một phương thức và tỉ lệ gọi thêm thí sinh ảo sẽ quyết định điểm chuẩn. Trong đợt xét lọc ảo chính thức, thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm (kể cả thí sinh ảo) có đăng ký nguyện vọng sẽ ưu tiên trúng tuyển trước sau đó mới đến những thí sinh còn lại”, Tiến sĩ Phan Đức Tuấn nêu thực tế.
Từ đó, thầy Tuấn nhận định, việc dự báo tỉ lệ ảo có ảnh hưởng trực tiếp đến điểm chuẩn của đợt xét chính thức. Trong khi đó, cả việc dự báo tỉ lệ ảo và phân bổ chỉ tiêu cho các đợt xét tuyển, phương thức xét tuyển hiện vẫn chưa dựa trên những căn cứ khoa học rõ ràng.
Từ kinh nghiệm quan sát những mùa tuyển sinh trước, Tiến sĩ Phan Đức Tuấn chỉ ra một số điểm bất hợp lý trong xác định điểm chuẩn hiện nay.
Cụ thể, hiện nay hầu hết các trường chỉ công bố điểm theo ngành, trong khi mỗi ngành lại có nhiều tổ hợp khác nhau nên thiếu dữ liệu để đánh giá sự chênh lệch giữa các tổ hợp. Tuy nhiên, thầy Tuấn cũng cho biết, đã có một số trường chủ động nghiên cứu, đánh giá hiệu quả học tập của sinh viên theo tổ hợp và phương thức xét tuyển để điều chỉnh chính sách tuyển sinh cho phù hợp.
Khi được hỏi liệu có hay không việc một số phương thức xét tuyển dễ trúng tuyển hơn các phương thức khác, Tiến sĩ Phan Đức Tuấn cho rằng mục tiêu đảm bảo công bằng luôn được hướng đến, nhưng đạt được sự công bằng tuyệt đối là rất khó. Bởi, thí sinh thì đến từ nhiều vùng miền khác nhau, các trường đại học cũng có mục tiêu, nhiệm vụ khác nhau nên việc đồng đều giữa các phương thức xét tuyển khó mà đạt được tuyệt đối.

Ảnh minh họa: DN
Bên cạnh đó, một vấn đề gây nhiều tranh luận trong những năm gần đây là việc quy đổi điểm từ các chứng chỉ quốc tế như IELTS. Có ý kiến cho rằng điều này tạo lợi thế quá lớn cho một nhóm thí sinh.
Theo Tiến sĩ Phan Đức Tuấn, đây là vấn đề đã được đưa ra thảo luận từ lâu nhưng vẫn còn tồn tại hai luồng ý kiến trái chiều. Điều này cho thấy mỗi trường sẽ có sự lựa chọn cách quy đổi chứng chỉ quốc tế phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và tầm nhìn của mình.
Vị lãnh đạo cũng cho rằng, việc quy đổi điểm từ các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế sang điểm thi môn tiếng Anh rồi đưa vào các tổ hợp xét tuyển, theo vị lãnh đạo là phù hợp, bởi các thí sinh này đã được kiểm chứng năng lực qua những kỳ thi đạt chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khống chế số điểm ưu tiên trong xét tuyển 10% đảm bảo khi các trường chọn ưu tiên cho thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế không tạo lợi thế quá lớn cho nhóm thí sinh này.
Quy đổi không chỉ là đưa về cùng một thang điểm
Theo Tiến sĩ Phan Đức Tuấn, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành quy định chính thức về cách quy đổi điểm chuẩn tương đương, nên các trường cũng chưa thể công bố quy tắc quy đổi riêng.
Dù vậy, từ kinh nghiệm thực tiễn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng đề xuất chọn phương pháp hồi quy tuyến tính từng khúc để quy đổi điểm tương đương với phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
“Các trường nên phân tích mối tương quan giữa kết quả học tập của các nhóm sinh viên trúng tuyển theo các phương thức khác nhau để có những điều chỉnh mức quy đổi cho phù hợp với thực tế trường mình”, Tiến sĩ Phan Đức Tuấn chia sẻ.
Làm rõ thêm về quy định mới, Tiến sĩ Phan Đức Tuấn cho biết, quy định tương đương điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) được hiểu là khi một ngành có xét tuyển bằng hai phương thức, mỗi phương thức sẽ có một mức điểm trúng tuyển riêng. Tuy nhiên, các trường cần quy đổi điểm tương đương giữa hai mức điểm này để đảm bảo sự tương đồng về năng lực đầu vào của thí sinh trúng tuyển.
Thầy Tuấn cũng khẳng định, bản chất của quy đổi không phải là đưa tất cả điểm của thí sinh về cùng một thang điểm để xét với một điểm chuẩn duy nhất, mà là làm rõ sự tương đương về chất lượng thí sinh giữa các phương thức xét tuyển khác nhau.
Cuối cùng, Tiến sĩ Phan Đức Tuấn nhấn mạnh rằng, để có thể thực hiện quy đổi điểm một cách thực sự công bằng, yếu tố tiên quyết là các kỳ thi cần được chuẩn hóa ở tất cả các khâu – từ thiết kế đề thi đến tổ chức chấm điểm – nhằm đảm bảo phản ánh đúng năng lực cốt lõi của thí sinh.