Quy đổi điểm giữa các phương thức xét tuyển: Học sinh băn khoăn về tính công bằng

Bộ Giáo dục- Đào tạo xây dựng khung quy đổi điểm sàn và điểm chuẩn đại học giữa các phương thức theo phương pháp bách phân vị, qua nhiều bước. Tuy nhiên, hướng dẫn này đang gây tranh cãi khi không ít học sinh, phụ huynh lo ngại về tính chính xác và khoa học của phương án quy đổi.

Phải bảo đảm tính tương đương, công bằng khi quy đổi

Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn xây dựng quy tắc quy đổi tương đương điểm trúng tuyển (điểm chuẩn), ngưỡng đầu vào giữa các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển khi trường ĐH sử dụng đồng thời nhiều phương thức, nhiều tổ hợp cho một ngành/nhóm ngành đào tạo.

Bộ nhấn mạnh yêu cầu, cần bảo đảm tính tương đương; dựa trên yêu cầu đầu vào thực chất; công bằng, minh bạch, công khai, và thống nhất; bảo đảm tính khoa học và thực tiễn; đơn giản, dễ hiểu.

Theo đó, Bộ GD-ĐT quy định các khung quy đổi khác nhau: khung quy đổi các loại điểm thi; khung quy đổi giữa các tổ hợp sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT; khung quy đổi điểm trúng tuyển từ kết quả học tập THPT (điểm học bạ).

Trong đó, khung quy đổi các loại điểm thi đưa ra các khoảng điểm của các bài thi riêng (APT, HSA, TSA...) và khoảng điểm các tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT phù hợp theo phương pháp bách phân vị trên cơ sở phân tích kết quả thi của những TS có cả điểm bài thi riêng và điểm tổ hợp môn thi tốt nghiệp tương ứng của năm 2025. Các khoảng điểm được xếp tương ứng với tốp 0,5%, 1%, 3%, 5%, 10%... như trong bảng dưới đây:

Căn cứ các nguyên tắc và khung quy đổi hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH xây dựng các bảng quy đổi và công thức quy đổi cho từng chương trình, ngành, nhóm ngành hoặc lĩnh vực đào tạo.

Chẳng hạn, các trường sẽ phải lựa chọn các bài thi, tổ hợp môn thi phù hợp với các phương thức xét tuyển của chương trình, ngành, nhóm ngành, lĩnh vực đào tạo. Đối với mỗi bài thi riêng được sử dụng, cần lập một bảng riêng. Mỗi bảng quy đổi chỉ nên dùng 1 tổ hợp môn phù hợp nhất (quy đổi các tổ hợp khác dựa trên chênh lệch điểm).

Có thể chia các khoảng điểm chi tiết hơn, hoặc điều chỉnh các khoảng điểm trong khung quy đổi ở trên cho phù hợp với yêu cầu của từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.

Các trường xây dựng các bảng quy đổi và công thức cho điểm trúng tuyển theo các bài thi quốc tế (SAT, ACT...) theo phương pháp phù hợp.

Các căn cứ cụ thể để các trường đại học thực hiện việc quy đổi gồm: phân tích các dữ liệu thống kê (dữ liệu tuyển sinh các năm trước, kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển từ các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển khác nhau, phổ điểm các kỳ thi...); xem xét bản chất, độ khó, thang điểm, phổ điểm và đặc điểm nhóm thí sinh của từng phương thức xét tuyển, kết quả điểm kỳ thi, tổ hợp xét tuyển khi xây dựng bảng quy đổi, công thức quy đổi.

Học sinh lo ngại về tính công bằng và khoa học của phương án quy đổi

Hiện hướng dẫn này đang gây ra nhiều tranh cãi khi không ít học sinh, phụ huynh lo ngại về tính chính xác và khoa học của phương án quy đổi, nhất là trong bối cảnh phổ điểm giữa các kỳ thi riêng và kỳ thi THPT Quốc gia có sự khác biệt rõ rệt.

Hoàng Linh, học sinh lớp 12 ở Hà Nội băn khoăn cho rằng: “Em học ngày, học đêm để thi HSA xong giờ thấy điểm của mình không có giá trị như mong đợi. Cùng một mức điểm HSA, năm ngoái đỗ ngành top của các trường Đại học dễ dàng, năm nay lại bị quy đổi ra mức điểm THPT thấp hơn và... có thể trượt. Khóa 2007 là lứa đầu tiên học chương trình - sách giáo khoa mới, nên chúng em phải làm quen với cách học mới. Thậm chí dạng đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia cũng mới tinh, buộc chúng em phải thay đổi không ngừng để thích ứng với các dạng bài này. Giờ sát ngày thi rồi chúng em vẫn còn rất băn khoăn, lo lắng...”.

Đồng thời, việc phổ điểm HSA năm nay tăng cao do chuyển từ thi trắc nghiệm máy tính sang thi tự luận giấy cũng khiến nhiều học sinh hoang mang, nghi ngờ tính chuẩn xác trong việc so sánh với các kỳ thi khác.

Nhiều ý kiến cũng đặt dấu hỏi về tính khoa học và minh bạch của phương án quy đổi. Anh Minh Sơn, một phụ huynh ở Hà Nội phân tích: “Điểm số tuyệt đối không phản ánh tương quan chính xác. Việc quy đổi nên dựa trên bách phân vị – tức là vị trí phần trăm của học sinh trong tổng số thí sinh để đảm bảo công bằng. Tuy nhiên, dữ liệu mà Bộ GD-ĐT sử dụng chưa đủ đại diện để có thể xây dựng một bảng quy đổi tin cậy”.

Một phụ huynh khác cũng bày tỏ, cách tính phức tạp như thế này chỉ làm khó cho thí sinh không biết số điểm thi hiện tại của mình so với điểm chuẩn hàng năm các trường có an toàn hay không để chọn nguyện vọng cho phù hợp. Trong khi đây là bảng thống kê kết quả đánh giá điểm thi hàng năm của 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi riêng. Mà đã là thống kê thì chắc chắn có độ lệch chuẩn nhất định. Vậy liệu mức độ tin cậy là bao nhiêu? Có thực sự đảm bảo sự công bằng không?.

Hầu hết các phụ huynh và học sinh đều bày tỏ sự bối rối, thậm chí không hiểu khi nhìn vào bảng quy đổi. Chị Sao Mai, có con học lớp 12 ở Hưng Yên chia sẻ: “Cách công bố bảng quy đổi hiện nay thiếu hướng dẫn rõ ràng, khiến học sinh không biết mình đang đứng ở đâu trong hệ quy chiếu tuyển sinh. Không có dữ liệu đi kèm thì bảng quy đổi chỉ khiến các em thêm hoang mang. Quan trọng là phải minh bạch về cách làm...”.

Dù tranh luận còn nhiều chiều nhưng cả học sinh lẫn phụ huynh đều yêu cầu cần sự minh bạch, nhất quán và khoa học trong cách xây dựng bảng quy đổi điểm. Trong bối cảnh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 có nhiều thay đổi, điều quan trọng nhất lúc này là sự rõ ràng và công bằng để các em học sinh yên tâm bước vào ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời.

Thu Hằng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/quy-doi-diem-giua-cac-phuong-thuc-xet-tuyen-hoc-sinh-ban-khoan-ve-tinh-cong-bang-post1201112.vov
Zalo