Những tiết học Âm nhạc khác biệt

Việc dạy nhạc cụ cho học sinh bậc THPT không chỉ giúp học sinh có thêm kỹ năng, mà còn là phương pháp giảm áp lực cho các em sau những giờ học căng thẳng.

Với Chương trình GDPT 2018 hiện hành, các môn nghệ thuật gồm Âm nhạc và Mĩ thuật, cùng với Giáo dục thể chất đã được xác định đóng vai trò cốt lõi trong việc hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực thẩm mỹ, thể chất của học sinh để đào tạo thế hệ trẻ trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hóa, cần cù, sáng tạo trong thời đại toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp 4.0.

Đối với cấp THPT Bộ GD&ĐT môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) đã được đưa vào tổ hợp lựa chọn. Điều này khác với Chương trình GDPT 2006, các môn Nghệ thuật chỉ được thiết kế đến hết học kỳ I của lớp 9 thì đã dừng lại.

Mặc dù đưa ra hướng đi đúng đắn, tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu của chương trình mới đối với các bộ môn này lại gặp cản trở rất lớn đó là thiếu nhân lực và vật lực.

Việc tìm đủ giáo viên đã là bài toán nan giải, càng khó hơn khi mời được những người có chuyên môn sâu trong lĩnh vực nghệ thuật, thể thao trực tiếp giảng dạy cho học sinh.

Các môn nghệ thuật giúp học sinh phát triển toàn diện năng lực.

Các môn nghệ thuật giúp học sinh phát triển toàn diện năng lực.

Tuy nhiên, vượt qua những hạn chế, thầy Nguyễn Khắc Lý – Hiệu phó Trường THPT Phùng Khắc Khoan, Thạch Thất, Hà Nội đã đưa ra sáng kiến giúp hàng trăm học sinh nhà trường thành thạo sử dụng sáo trúc và ghi-ta trong suốt 3 năm qua. Mô hình giảng dạy là mô hình điểm, được Sở Khoa học và Công nghệ công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng cấp thành phố năm 2024.

Sau 2 năm trải nghiệm mô hình học ghi-ta tại nhà trường, hào hứng và vui vẻ là cảm xúc của em Nguyễn Ngọc Anh - Học sinh lớp 11A6, Trường THPT Phùng Khắc Khoan mỗi khi đến giờ học Âm nhạc.

"Mặc dù lúc mới bắt đầu thì còn khó khăn trong việc làm quen với cách học, tuy nhiên, sau một thời gian chúng em đều rất thích giờ học âm nhạc. Khi học thêm nhạc cụ, môn Âm nhạc không chỉ đơn thuần là học hát đồng ca cả lớp như trước kia, thay vào đó bọn em được có cơ hội trải nghiệm và tìm ra năng khiếu của bản thân", Ngọc Anh chia sẻ.

Còn đối với em Nghiêm Hà Phương - Học sinh lớp 11A7 lại thấy phương pháp học mới đã biến Âm nhạc không chỉ còn là môn học mà giúp các em thư giãn sau giờ học căng thẳng.

Hà Phương cho hay: "Việc học nhạc cụ còn giúp em rèn luyện sự kiên nhẫn, tập trung và có thêm nhiều cảm nhận sâu sắc trong cuộc sống".

Em học sinh này nhận thấy ngoài sự giúp đỡ của thầy cô, khi học thêm nhạc cụ em cũng phải tự học và trao đổi kỹ năng với các bạn nhiều hơn, điều này cũng đồng thời rèn luyện khả năng làm việc nhóm, tăng tính đoàn kết trong lớp.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, thầy Nguyễn Khắc Lý cho biết việc nghiên cứu tìm ra sáng kiến bắt nguồn từ đòi hỏi của Chương trình GDPT 2018.

"Chương trình mới yêu cầu chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực người học. Điều này có nghĩa, ngoài những môn học được coi là "chính" theo quan niệm trước kia, thì Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục giữ cái vai trò cốt lõi trong việc phát triển toàn diện học sinh. Nếu không có những môn học này, Chương trình GDPT 2018 sẽ không còn tính mới", ông Nguyễn Khắc Lý đánh giá.

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương trao khen thưởng cho nhà giáo Nguyễn Khắc Lý.

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương trao khen thưởng cho nhà giáo Nguyễn Khắc Lý.

Ở đây, theo thầy giáo các môn nghệ thuật, thể chất giờ đây không chỉ dừng lại với ý nghĩa hát vẽ thông thường, mà có vai trò giúp học phát triển năng lực thẩm mỹ, cảm thụ, hiểu thêm về văn hóa dân tộc, hình thành nhân cách, rèn luyện sức khỏe. Chưa kể đến khi học khi cầm cây sáo, cây đàn, chắc chắn sẽ giảm thời gian sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử.

Tuy nhiên, việc triển khai môn học Âm nhạc vào các trường THPT lại đang gặp nhiều khó khăn. Qua nghiên cứu, tìm tòi, thầy Nguyễn Khắc Lý nhận thấy đa phần các trường THPT, các trường đều được xây dựng theo kiến trúc truyền thống.

Trong khi, nếu đưa âm nhạc vào giảng dạy, đòi hỏi phải có những đơn nguyên riêng như phòng tập hát, phòng học nhạc cùng hệ thống các trang thiết bị, nhạc cụ phục vụ quá trình dạy và học. Kinh phí đầu tư cho vấn đề này không nhỏ, vượt quá khả năng của các nhà trường.

Đối với đội ngũ giáo viên, các trường THPT chưa có định biên về giáo viên dạy môn Âm nhạc, nên việc tuyển bao nhiêu giáo viên dạy môn học này đã khó, việc yêu cầu tuyển dụng giáo viên biết sử dụng nhạc cụ âm nhạc càng đặt ra cho các nhà trường vấn đề không dễ giải quyết.

Học sinh Trường THPT Phùng Khắc Khoan trong một buổi biểu diễn văn nghệ.

Học sinh Trường THPT Phùng Khắc Khoan trong một buổi biểu diễn văn nghệ.

Thầy Nguyễn Khắc Lý cho biết: "Việc mời ca sĩ, vận động viên đang làm nghề tham gia giảng dạy ở bậc THPT, từ đó hướng tới hết lớp 12 là mỗi học sinh phải biết chơi một loại nhạc cụ là một quan điểm thể hiện nhiều tiến bộ về giáo dục toàn diện, thực chất và gắn với đời sống. Điều này giúp học sinh tiếp cận kiến thức, kỹ năng từ chính người đang hoạt động thực tế, tạo cảm hứng để các em học tập".

Nhưng, cái khó ở đây là người làm nghệ thuật có chuyên môn nghiệp vụ nhưng gặp hạn chế về kinh nghiệm sư phạm. Cùng với đó, rào cản pháp lý khiến mức chi trả thù lao quá thấp so với thực tế các nghệ sĩ có thể kiếm được khi đi biểu diễn. Nếu trả chi phí dạy cao thì chỉ số ít các trường ngoài công lập đáp ứng được, và chắc chắn không thể tổ chức giảng dạy được ở vùng nông thôn, khó khăn.

Tận dụng sự bùng nổ của khoa học công nghệ, học tập trực tuyến đã giúp học sinh Trường THPT Phùng Khắc Khoan tiếp cận được thầy cô có chuyên môn cao tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam và Trường Cao đẳng Sư phạm nghệ thuật Hà Nội dạy ghi-ta và dạy sáo.

Hiện, với nhà trường có hơn 600 học sinh chọn học môn Âm nhạc. Với 2-3 tiết/tuần, các em được chia thành 14 lớp (8 lớp học sáo trúc, 6 lớp học ghi-ta). Một buổi học lý thuyết trực tuyến thầy cô sẽ giảng dạy cùng lúc 3 lớp.

Thầy Lý tính bài toán chi phí, nếu mời trực tiếp đội ngũ trên giảng dạy trực tiếp với mức thù lao từ 100.000-300.000 đồng thì chắc chắn không thực hiện được. Nhưng cùng với mức chi phí đó khi dạy trực tuyến, thì là mức phù hợp, do không phải di chuyển đến trường học và linh động về thời gian cho thầy cô có đặc thù phải đi biểu diễn vào buổi tối.

Học sinh Trường THPT Phùng Khắc Khoan trong giờ học âm nhạc.

Học sinh Trường THPT Phùng Khắc Khoan trong giờ học âm nhạc.

"Các tiết lý thuyết thì dạy trên nền tảng của Microsoft Teams, các bài giảng cũng được lưu lại để học sinh chủ động ôn tập. Sau mỗi tiết học lý thuyết, học sinh tập luyện bài tập về nhà và thực hành quay video nộp bài biểu diễn, trả bài trên nhóm Facebook do nhà trường lập và quản lý.

Thông qua video của các em, giáo viên kiểm tra và sửa bài cho từng bạn đến khi hoàn thành kiến thức của tiết học trong tuần đó. Cách giảng dạy như vậy cũng phù hợp với mục tiêu cá nhân hóa học tập cho từng học sinh, bởi khi học nhạc không phải em nào cũng có lỗi sai giống nhau", Thầy Lý chia sẻ về sáng kiến dạy Âm nhạc của mình đang thực hiện.

Về nhạc cụ, nhà trường ưu tiên lựa chọn những loại truyền thống của dân tộc như sáo trúc, đối với ghi-ta thì thuận tiện cho các em ứng dụng trong cuộc sống và chi phí thấp.

Học sinh sẽ được khuyến khích tự mua nhạc cụ, ngoài ra nhà trường này cũng trang bị 100 cây sáo và 40 cây đàn ghi-ta tại phòng âm nhạc để các em có thể mượn luyện tập 2 buổi/tuần. Điều này đảm bảo cho 100% học sinh đều được tiếp cận và có nhạc cụ học tập.

Qua 3 năm triển khai, gần như 100% học sinh nhà trường học môn Âm nhạc đạt yêu cầu kiểm tra đánh giá theo Thông tư 22 của Bộ GD&ĐT, ngoài ra mỗi học sinh còn sử dụng được một loại nhạc cụ là sáo trúc hoặc đàn ghi-ta theo định hướng lựa chọn ban đầu.

Hiện nay, ở cấp THPT Bộ GD&ĐT đã đưa môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) vào tổ hợp cho học sinh lựa chọn

Hiện nay, ở cấp THPT Bộ GD&ĐT đã đưa môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) vào tổ hợp cho học sinh lựa chọn

Cũng đồng tình với quan điểm thay đổi cách học các môn nghệ thuật, thầy Vũ Văn Bền - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, tỉnh Nam Định chia sẻ: "Trong quá trình học tại Pháp, được tham gia các sự kiện như tiệc buffet rồi hát hò, nhảy múa.

Mỗi lần như vậy, sinh viên Việt Nam chỉ làm tốt đúng một việc đó là nấu ăn. Mặc dù món ăn được bạn bè quốc tế rất thích, nhưng đến phần giải trí khi sinh viên quốc tế hát hò, nhảy múa, chơi nhạc cụ còn chúng tôi không biết gì cả, ngồi co cụm một góc. Tôi hy vọng, thế hệ tiếp theo của chúng tôi có thể đổi khác".

Thầy theo giáo việc mời chuyên gia, ca sĩ, vận động viên thì hiện tại chỉ có các trường quốc tế, dân lập mới đủ kinh phí. Trước mắt để tiết kiệm chi phí cho các trường công lập, cần 2 thứ đó là giáo viên được đào tạo về nhạc cụ thật tốt và trang bị nhạc cụ đầy đủ hơn trong các nhà trường.

Vừa qua, tại cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: ""Hôm trước làm việc với Bộ GD&ĐT tôi nói học hai buổi. Buổi chiều có thể cho các cháu học thêm những môn khác. Các đồng chí nói bây giờ phải cần thêm cả trăm nghìn giáo viên, cái này không được máy móc. Dạy nhạc thì mời luôn ca sĩ, mời luôn những nghệ sĩ giỏi dạy cho các cháu, hợp đồng luôn. Thể dục, thể thao cũng như thế thôi, mời vận động viên. Hoặc là mời họa sĩ hướng dẫn các cháu học vẽ.

Trong hòa bình, các cháu đều được phát triển. Học hết lớp 12 ít nhất phải biết chơi một loại nhạc cụ, tùy gia đình, tùy khả năng và năng khiếu các cháu đăng ký".

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhung-tiet-hoc-am-nhac-khac-biet-204250516145353689.htm
Zalo