Quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Bất cập so với thực tiễn hiện nay?
Ngày 19/5, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) chủ trì tổ chức hội thảo định hướng triển khai công tác, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian tới.

Quang cảnh hội thảo.
Theo báo cáo tại hội thảo, ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg). Sau hơn 3 năm thực hiện, việc tổ chức đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được các địa phương triển khai đồng bộ, dần đi vào nền nếp. Kết quả đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn trên cả nước đạt tỷ lệ cao. Năm 2022 có 10.073/10.743 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt 93.8%. Năm 2023, có 10.188/10.671 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 94.7%. Năm 2024, có 9.506/9.807, đạt tỷ lệ 96.9%.
Tuy nhiên, trong quá trình hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và tiến hành rà soát, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý nhận thấy một số quy định của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg còn bất cập, hạn chế, không phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay. Theo đó, có sự trùng lặp về mục đích đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, nội dung của tiêu chí tiếp cận pháp luật và các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chính quyền cấp xã khác.
Tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg gồm 5 tiêu chí với 20 chỉ tiêu, là công cụ đo lường mức độ hoàn thành trách nhiệm được giao của chính quyền cấp xã trong tổ chức thi hành pháp luật, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa ở cấp cơ sở. Việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nhằm nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ được giao theo luật, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan này trong việc tổ chức thi hành pháp luật tại cơ sở; góp phần xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, qua rà soát, hiện nay tại các địa phương cũng đang áp dụng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chính quyền cấp xã với mục tiêu và nội dung tương tự.
Đồng thời, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật không còn phù hợp với mô hình chính quyền 2 cấp; Thời gian đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa phù hợp…
Tham luận tại hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, khi thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, TP Hà Nội nhận thấy có nhiều ưu điểm khi thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nhiều tồn tại, khó khăn.
Ví dụ công tác chỉ đạo, điều hành, ở cơ sở cứ mặc định việc đánh giá công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là việc của Sở Tư pháp và của ngành tư pháp. Bên cạnh nhân lực triển khai thực hiện công tác đánh giá tại cơ sở thì mỗi xã, phường có một công chức tư pháp hộ tịch thực hiện rất nhiều nhiệm vụ. Ngoài ra, khi triển khai đánh giá không nhận được sự phối hợp thực chất của các cơ quan, ban, ngành có liên quan.
Theo bà Hương, trong quá trình thực hiện kết quả tự đánh giá chấm điểm chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật còn mang tính hình thức, chưa sát với thực tiễn. Tài liệu kiểm chứng để xác định, chứng minh mức độ tin cậy chưa tổng hợp đầy đủ theo yêu cầu. Kết quả chưa thực sự phản ánh đúng tinh thần thực tiễn tại địa phương. Bên cạnh đó tiêu chí đánh giá có sự trùng lặp với một số tiêu chí đánh giá khác trong quá trình thực hiện mục tiêu. Trong bối cảnh mà yêu cầu tinh gọn, sắp xếp bộ máy, sáp nhập thực hiện theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, trong thời gian tới TP Hà Nội có 126 đơn vị hành chính cấp xã. Nếu để thực hiện đánh giá công nhận pháp luật đối với 126 đơn vị hành chính cấp xã của Hà Nội rất cần quy định về nội dung, hồ sơ, tài liệu và đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan tổ chức đối với công tác đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để phù hợp, để rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.
Đại diện một số Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố cũng cho rằng, quá trình triển khai thực hiện công tác, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và kết thúc hoạt động của chính quyền cấp huyện thì việc định hướng triển khai công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian tới là rất cần thiết. Đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xem xét xây dựng một bộ tiêu chí thống nhất hoặc hướng dẫn tích hợp các tiêu chí tương đồng giữa Chương trình nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh và Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg. Điều này sẽ giúp các địa phương giảm thiểu thời gian và nguồn lực khi thực hiện công tác báo cáo, kiểm tra, giám sát, đồng thời tạo điều kiện để tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, nâng cao chất lượng quản lý. Để đảm bảo sự đồng bộ trong triển khai các bộ tiêu chí, có thể thiết lập một cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan chủ trì, như Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan.