Ngăn chặn mặt trái của dạy thêm

Ngay khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư mới về quản lý việc dạy thêm, học thêm ở các trường công lập, nhiều người bày tỏ không ít băn khoăn, lo lắng: Con sẽ học thêm ở đâu; sau giờ học, con sẽ làm gì; nếu con học ở trung tâm thì kinh phí thế nào?

Từ lâu, nhiều học sinh không có nhu cầu học thêm nhưng vẫn buộc phải đăng ký tham gia vì sợ bị các thầy cô phân biệt đối xử.
Việc phải học thêm tạo ra áp lực lớn đối với không ít học sinh, nhất là cấp tiểu học. Mặt khác, dạy thêm trở thành cách “làm giàu” của không ít giáo viên. Vì vậy, mỗi khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành một văn bản mới để tăng cường quản lý việc dạy thêm thì lại xuất hiện những kiểu “lách luật” tinh vi hơn.

Ảnh minh họa / chinhphu.vn

Ảnh minh họa / chinhphu.vn

Học thêm là nhu cầu thực tế của học sinh. Dạy thêm cũng là nhu cầu chính đáng của giáo viên.
Việc dạy thêm chỉ trở thành vấn đề nóng khi cơ quan quản lý không kiểm soát được mặt trái, khiến việc tham gia học thêm gần như vì bị ép buộc và chi phí học thêm trở thành gánh nặng tài chính với nhiều gia đình không có nhu cầu. Do vậy, muốn quản lý việc dạy thêm hiệu quả thì phải ngăn chặn được mặt trái của dạy thêm.

Muốn vậy, cách tốt nhất là hậu kiểm, xử lý các trường hợp ép buộc học sinh không có nhu cầu học thêm. Đồng thời cần quy định mức trần học phí học thêm, tránh tình trạng móc ngoặc giữa nhà trường, giáo viên và trung tâm để tạo sức ép buộc học sinh học thêm với mức học phí cao.
Kinh doanh giáo dục phải được coi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không thể để xảy ra tình trạng móc ngoặc lợi ích nhóm vì "siêu lợi nhuận", tạo ra bất bình đẳng trong giáo dục.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/ngan-chan-mat-trai-cua-day-them-817025
Zalo