Quy định thi tuyển vào THPT gọn nhẹ, thúc đẩy giáo dục toàn diện
Phương án thi tuyển sinh được cải tiến một số nội dung, nhằm giảm áp lực thi cử cho học sinh, tinh gọn, nhẹ nhàng, tiết kiệm cho gia đình học sinh.
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã được thực hiện đến các lớp cuối cấp, trong đó lớp 9 và lớp 12 chịu nhiều tác động mới từ kiểm tra, đánh giá đến thi cử.
Cuối năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.
Đầu năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông.
Thông tư 30 thay thế Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ 14/2/2025. Thông tư 30 có bổ sung những nội dung quy định mới phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và bối cảnh giáo dục hiện nay.
Là giáo viên trung học phổ thông, người viết có một số ý kiến về Quy chế tuyển sinh trung học phổ thông như sau:
Phương án thi tiết kiệm, gọn nhẹ, không gây áp lực
Theo quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phương án thi tuyển sinh trung học phổ thông đáp ứng yêu cầu “Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan” (Nghị quyết 29-NQ/TW); “Gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm thời gian, đỡ tốn kém mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh” (Nghị quyết số 88/2014/QH).
Vì thế, phương án thi tuyển sinh được cải tiến một số nội dung, nhằm giảm áp lực thi cử cho học sinh, tinh gọn, nhẹ nhàng, tiết kiệm cho gia đình học sinh.
Sau đây là một số điểm đổi mới nổi bật:
Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 19, quy định việc đăng ký tuyển sinh trung học phổ thông được thực hiện bằng 3 hình thức: trực tuyến, trực tiếp (nếu chưa đủ điều kiện thực hiện đăng kí tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến) hoặc qua đường bưu điện.
Quy định này phù hợp với chủ trương chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trước đây chỉ có 1 hình thức nộp hồ sơ trực tiếp; đồng thời giảm thủ tục hành chính và thời gian nộp hồ sơ, tạo thuận lợi nhất về thời gian và tiền bạc cho cha mẹ học sinh, học sinh và xã hội.
Thứ hai, tại khoản 1 Điều 13, quy định học sinh dự thi 02 môn bắt buộc, cố định hàng năm (Toán, Ngữ văn) và 01 môn thi (bài thi) thứ ba do Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn và công bố hàng năm.
Thời gian làm bài thi, bắt buộc với môn Ngữ văn là 120 phút, môn Toán và bài thi thứ ba có thể 90 phút hoặc 120 phút, môn thi thứ ba có thể 60 phút hoặc 90 phút. Thời gian làm bài do Sở Giáo dục và Đào tạo từng địa phương quyết định.
Theo đó, môn thi (bài thi) thứ ba được công bố sau khi kết thúc học kì 1 nhưng không muộn hơn ngày 31/3 hàng năm. Điểm mới này có thể hiểu là thời gian công bố môn thi thứ ba có thể từ sau khi kết thúc học kỳ 1, tạo cơ hội cho học sinh có thời gian đăng ký ôn thi tuyển sinh trong nhà trường mà không phải đóng tiền học thêm (Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT). Nội dung thi nằm trong chương trình trung học cơ sở nhưng chủ yếu vẫn trong chương trình môn học lớp 9.
Về môn thứ ba, nếu chọn là môn thi thì chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số và không được chọn trùng quá 03 năm liên tiếp. Điểm mới này cho phép 1 môn được chọn thi liên tiếp trong 3 năm, so với dự thảo, môn thi thứ ba phải thay đổi hàng năm bằng hình thức bắt thăm.
Nếu chọn môn thứ ba là bài thi (tổ hợp của một số môn học) thì chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình trung học cơ sở. Điều này tạo sự công bằng về môn học trong chương trình giáo dục phổ thông, không phân biệt môn chính, môn phụ. Quy định này không khác gì so với dự thảo.
Đối với học sinh tham gia thi vào trường trung học phổ thông chuyên, học sinh phải thi thêm môn chuyên. Mỗi môn chuyên có 01 đề thi riêng theo chương trình môn học cấp trung học cơ sở, nội dung thi bảo đảm tuyển chọn được học sinh có năng khiếu về môn chuyên đó.
Phương án thi có tác dụng thúc đẩy hoạt động giáo dục toàn diện
Trước hết, có thể nói, phương án thi tinh gọn, nhẹ nhàng nhưng phải đảm bảo kết quả chính xác, khách quan, công bằng. Bởi kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông là kỳ thi quan trọng của ngành giáo dục, có sự thống nhất trong toàn quốc, nhằm thực hiện theo mục tiêu của Nghị quyết 29-NQ/TW: “Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở”.
Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 29, Luật Giáo dục 2019, cũng có nêu mục tiêu của giáo dục phổ thông như sau: “Giáo dục trung học cơ sở nhằm củng cố và phát triển kết quả của giáo dục tiểu học; bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp.”
Như vậy, kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông chuẩn bị bước đầu cho học sinh những phẩm chất, năng lực để có đủ điều kiện học tập ở cấp trung học phổ thông, hoặc có thể học nghề theo định hướng hướng nghiệp, phân luồng.
Tiếp theo, phương án tuyển sinh trung học phổ thông có thể linh hoạt tùy từng địa phương, trong đó tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển chỉ là 1 trong 3 phương thức. Đây là phương thức tốt nhất có tính hướng nghiệp rõ nhất, đảm bảo mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo.
Quy định công bố thời gian môn thi thứ ba, có thay đổi so với dự thảo, tạo thuận lợi cho học sinh được ôn thi nhưng cũng tránh được tình trạng học “tủ”, o bế môn này, bỏ bê môn kia.
Ngoài ra, phương thức tuyển sinh cũng phải gắn kết được quá trình kiểm tra, đánh giá thường xuyên với kiểm tra đánh giá định kỳ; phù hợp với xu thế đổi mới. Tại khoản 2 Điều 9, phương án tuyển sinh trung học phổ thông được có thể xét tuyển, thi tuyển, hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển.
Nếu là xét tuyển thì căn cứ vào kết quả rèn luyện và kết quả học tập 4 năm học chương trình trung học cơ sở của học sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó. Nếu là thi tuyển thì thực hiện theo quy định tại Điều 13 Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông năm 2024.
Nếu là kết hợp thi tuyển với xét tuyển thì thực hiện kết hợp theo quy định của xét tuyển và thi tuyển. Phương thức này chiếm ưu thế nhất vì học sinh không thể học lệch, phải học đều các môn và có chiến lược cho các môn thi tuyển nên được nhiều địa phương lựa chọn.
Thứ ba, Quy chế có tính “mở” cho các Sở Giáo dục và Đào tạo
Nếu quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông có tính “đóng”, tức là các địa phương trên cả nước phải thực hiện đúng theo tinh thần của Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT, thì quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông có tính “mở”. Tùy đặc điểm, tình hình giáo dục của mỗi địa phương mà có phương thức tuyển sinh phù hợp theo Thông tư 30, đồng thời đảm bảo tinh thần gọn nhẹ, tiết kiệm, hiệu quả.
Cụ thể, tại Điều 18, trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo được quy định như sau:
Thứ nhất, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Ban chỉ đạo tuyển sinh trung học phổ thông và quyết định phê duyệt kế hoạch tuyển sinh trung học phổ thông thuộc phạm vi quản lý.
Thứ hai, Sở Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể việc tổ chức ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi; tổ chức lựa chọn môn thi (bài thi) thứ ba và tổ chức thi tuyển theo quy định; hướng dẫn các Phòng giáo dục và đào tạo, trường trung học phổ thông thuộc phạm vi quản lý thực hiện công tác tuyển sinh trung học cơ sở về tuyển sinh trung học phổ thông; quyết định thành lập Hội đồng tuyển sinh trung học phổ thông; phê duyệt kết quả tuyển sinh trung học phổ thông thuộc phạm vi quản lý; tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông; lưu trữ hồ sơ tuyển sinh trung phổ thông theo quy định của pháp luật; thực hiện thống kê, thông tin, báo cáo về công tác tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Qua trao đổi với giáo viên và cha mẹ học sinh, người viết thấy rằng phương án thi tuyển sinh trung học phổ thông năm 2025 có nhiều ưu điểm vừa đảm bảo giảm áp lực thi cử, tiết kiệm được chi phí cho gia đình học sinh nhưng cũng tạo điều kiện cho học sinh phát huy sở trường, từ đó các trường trung học phổ thông tuyển sinh đúng đối tượng yêu cầu.