Chủ động trước kỳ thi vào lớp 10 năm đầu tiên theo Chương trình mới

Các nhà trường đang nhanh chóng xây dựng kế hoạch, lộ trình ôn tập, đầu tư nguồn lực cần thiết để hỗ trợ học sinh...

Cô trò Trường Tiểu học và THCS Sông Hinh (Phú Yên) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Cô trò Trường Tiểu học và THCS Sông Hinh (Phú Yên) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Năm 2025 là năm đầu tiên tuyển sinh vào lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018, cũng là năm đầu triển khai Thông tư 30/TT-BGD&ĐT ngày 30/12/2024 (Thông tư 30). Nhận diện thuận lợi, khó khăn khi tổ chức kỳ thi theo quy định mới, các nhà trường đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch, lộ trình ôn tập, đầu tư nguồn lực cần thiết để hỗ trợ học sinh.

Bảo đảm giáo dục toàn diện

Một trong những điểm mới quan trọng của Thông tư 30 là Bộ GD&ĐT quy định “cứng” số môn thi vào lớp 10 với Toán, Ngữ văn và 1 môn thi/bài thi thứ 3 do sở GD&ĐT lựa chọn.

Chia sẻ về điểm mới này, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Vì vậy, trách nhiệm của các trường THCS khi dạy học là làm sao cho học sinh được học một cách toàn diện, trang bị đầy đủ kiến thức phổ thông cơ bản, làm nền tảng cho các em học tiếp bậc cao hơn và định hướng nghề nghiệp tốt.

Nếu môn thứ 3 là cố định, học sinh từ lớp 6 sẽ tập trung cho môn thi, ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng học tập các môn học khác; dẫn đến học không toàn diện, thiệt thòi cho các em trong tích lũy kiến thức, phát triển năng lực.

Cô Nguyễn Ngọc Thanh Nguyên - Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Hóa (TP Bến Tre, Bến Tre) chia sẻ, với 3 phương thức xét tuyển, thi tuyển, kết hợp xét tuyển và thi tuyển, theo điều kiện thực tế tại địa phương thì phương thức tối ưu hiện nay vẫn là tổ chức thi tuyển để đảm bảo chất lượng đầu vào THPT và tạo động lực phấn đấu cho học sinh.

“Với phương thức thi tuyển, Thông tư 30 quy định 2 môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán hoàn toàn phù hợp. Đây là 2 môn học cơ bản, đóng vai trò quan trọng đánh giá năng lực tư duy, khả năng diễn đạt và kiến thức nền tảng, giúp đánh giá toàn diện năng lực học sinh sau khi hoàn thành chương trình THCS.

Thời gian làm bài đối với môn Ngữ văn 120 phút là phù hợp. Tuy nhiên, với môn Toán nên thống nhất thời gian làm bài 90 phút để phù hợp với mức độ tập trung của học sinh lớp 9”, cô Nguyễn Ngọc Thanh Nguyên chia sẻ.

Để phát huy tốt phương thức tổ chức thi tuyển, Thông tư 30 cũng quy định môn thi (hoặc bài thi) thứ 3 sẽ được chọn từ các môn đánh giá bằng điểm số trong chương trình GDPT cấp THCS. Đây là phương thức mới so với những năm học gần đây và hoàn toàn hợp lý bởi đảm bảo tính công bằng cho tất cả học sinh. Người học có sự quan tâm đến tất cả môn học, có động lực học tập đều các môn, tránh tình trạng học lệch, hạn chế tối đa tình trạng học tủ.

Cô Nguyễn Ngọc Thanh Nguyên cũng nêu quan điểm: Phương án chọn môn thi thứ 3 phù hợp hơn bài thi, bởi trong chương trình GDPT cấp THCS đã có một số môn học tích hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý). Thời gian làm bài hợp lý, đối với môn thi thứ 3 là 90 phút nhằm đảm bảo học sinh có đủ thời gian nhận định, suy nghĩ, trình bày.

 Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Chuẩn bị sớm

Năm học này, Trường Tiểu học và THCS Sông Hinh (Phú Yên) có 21 học sinh lớp 9. Qua khảo sát sơ bộ, 18 em đăng ký tham gia thi hoặc xét để học tiếp THPT, số còn lại sẽ tham gia học nghề.

Chuẩn bị cho kỳ thi đổi mới, thầy Hiệu trưởng Lê Xuân Thiều cho hay, nhà trường sẽ giảm tải các hoạt động ngoại khóa cho học sinh lớp 9; đồng thời, lập kế hoạch dạy bồi dưỡng miễn phí vào thời gian phù hợp cho học sinh tham gia học các môn chủ đạo như Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, để các em có kiến thức tốt nhất tham gia kỳ thi. Bên cạnh đó, trường tổ chức tuyên truyền, phổ biến giúp các em nắm rõ về quy định mới của Bộ GD&ĐT liên quan đến kỳ thi.

Tại Trường THCS Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội), cô Hiệu trưởng Trần Thị Thanh Vân thông tin, nhà trường sẵn sàng tinh thần chủ động ôn tập “cuốn chiếu” các môn, cùng với Ngữ văn, Toán để chuẩn bị cho môn thi thứ 3.

Trường tiến hành khảo sát hằng tháng, đánh giá nghiêm túc, họp với giáo viên dạy, phân tích kết quả bài kiểm tra, rút kinh nghiệm, trao đổi kịp thời với phụ huynh. Giáo viên chủ nhiệm luôn tổng hợp, theo sát khả năng học tập của học sinh để phân tích, có định hướng phù hợp nhất, từ đó đạt hiệu quả tối đa trong giai đoạn ôn tập nước rút.

Năm đầu triển khai Thông tư 30, từ thực tiễn Trường THCS Mỹ Hóa, cô Nguyễn Ngọc Thanh Nguyên chia sẻ thuận lợi bởi đa số học sinh nhận thức rõ tầm quan trọng của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nên có tâm thế chuẩn bị ngay đầu năm. Từ đầu năm học, nhà trường có phương án lựa chọn, phân công giáo viên nòng cốt, nhiều kinh nghiệm làm chủ nhiệm, giảng dạy ở khối 9. Phần lớn phụ huynh quan tâm, đầu tư cho con em học tập tốt, có sự gắn kết chặt chẽ với giáo viên.

Tuy nhiên, khó khăn với nhà trường là tâm lý lo sợ kỳ thi, sợ môn thi thứ ba không phải môn học yêu thích có thể khiến học sinh căng thẳng, lo lắng, ảnh hưởng đến kết quả học tập. Kiến thức của một số học sinh chưa vững chắc do ảnh hưởng từ năm lớp 6, tiếp cận Chương trình GDPT 2018 trong điều kiện dịch Covid-19, phải học online hơn 1 học kỳ. Một số học sinh hoang mang trong việc chọn trường để thi tuyển đúng với năng lực bản thân, phụ huynh không thể định hướng tốt do không nắm rõ sức học của con em.

Trước những khó khăn cả khách quan và chủ quan nói trên, cô Nguyễn Ngọc Thanh Nguyên cho biết, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình ôn tập và đầu tư các nguồn lực cần thiết để hỗ trợ học sinh. Theo đó, tiếp tục duy trì mô hình dạy và học 2 buổi/ngày.

Tổ chức họp phụ huynh học sinh khối 9 thông qua các quy định mới trong phương thức tuyển sinh THPT; đồng thời tư vấn cho phụ huynh định hướng học sinh có sự lựa chọn trường thi đúng với năng lực. Nhà trường tổ chức dạy tăng tiết trong học kỳ II với môn Ngữ văn, Toán (2 tiết/tuần/môn), đảm bảo thời lượng cho phép của chương trình học 2 buổi/ngày.

Đồng thời rà soát chất lượng dạy và học ở các môn học đánh giá bằng điểm số để có kế hoạch nâng cao chất lượng, đáp ứng kịp thời về kiến thức cho học sinh trước khi môn thi thứ 3 được công bố. Lồng ghép vào chương trình giáo dục các hoạt động ngoại khóa, vui chơi giải trí giúp học sinh thư giãn, giảm bớt áp lực, rèn tính bình tĩnh, tự tin để có tinh thần học tập tốt.

Để thực hiện tốt công tác tuyển sinh vào lớp 10 từ năm học 2024 - 2025 theo quy chế mới, Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT khẩn trương tổ chức lựa chọn và sớm công bố môn thi hoặc bài thi thứ ba theo quy định để tạo thuận lợi cho học sinh trong việc học tập hoàn thành chương trình và ôn tập, chuẩn bị tốt các điều kiện, tạo tâm lý sẵn sàng dự thi đạt kết quả tốt.

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chu-dong-truoc-ky-thi-vao-lop-10-nam-dau-tien-theo-chuong-trinh-moi-post715880.html
Zalo