Quy định mới về đăng ký dạy thêm ngoài nhà trường
Để dạy thêm ngoài nhà trường, giáo viên các trường công lập buộc phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật. Đây là quy định mới tại Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30-12-2024 của Bộ Giáo dục và đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm (gọi tắt Thông tư 29).

Giáo viên trường công dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật. Trong ảnh: Giáo viên Trường tiểu học Trần Quốc Toản (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) trong buổi dạy học chính khóa. Ảnh minh họa: Đ.Phú
Do đó, vấn đề đăng ký thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể hoặc tham gia cùng thành viên hộ gia đình thành lập hộ kinh doanh cá thể về dạy thêm hiện được dư luận quan tâm, nhất là các giáo viên có tham gia dạy thêm ngoài nhà trường, khi Thông tư 29 có hiệu lực kể từ ngày 14-2-2025.
Ai được đăng ký kinh doanh dạy thêm?
Thông tư 29 quy định dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật (doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cá thể). Do đây là quy định mới nên không chỉ giáo viên trường công lập, mà cả trường tư thục cũng có nhiều thắc mắc, muốn biết bản thân họ có được đứng ra thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cá thể về ngành nghề dạy thêm.
Bà N.T. (giáo viên một trường công lập trên địa bàn phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) thắc mắc, hiện bà là viên chức thì có được đứng ra thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể để tổ chức dạy thêm?
Còn ông P.V. (giáo viên một trường tư thục ở huyện Trảng Bom) thì muốn biết pháp luật quy định về đăng ký kinh doanh dạy thêm đối với giáo viên làm việc theo hợp đồng lao động tại các trường công và tư thục ra sao? Muốn đăng ký hộ kinh doanh cá thể để tổ chức dạy thêm thì cần điều kiện gì?
Bên cạnh đó, có rất nhiều giáo viên sau khi tìm hiểu Thông tư 29 và các quy định pháp luật thì nhận thấy pháp luật cho phép cá nhân không có bằng cấp vẫn được phép đăng ký hộ kinh doanh cá thể dạy thêm ngoài nhà trường, còn giáo viên trường công không được tham gia với vai trò là thành viên hộ gia đình để thành lập hộ kinh doanh cá thể dạy thêm ngoài nhà trường, quy định như vậy liệu có bất cập?
Khoản 1, Điều 62 Nghị định 122/2021/NĐ-CP ngày 28-12-2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư quy định, phạt từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: không được quyền thành lập hộ kinh doanh nhưng vẫn thành lập hộ kinh doanh; không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.
Phải tuân thủ nhiều quy định
Tại khoản 3, Điều 4 Thông tư 29 có quy định, giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường. Còn tại điểm b, khoản 2, Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định rõ, viên chức theo quy định Luật Viên chức năm 2010 không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Đồng thời, tại điểm c, khoản 1, Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 4-1-2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp lại có quy định cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 có quyền thành lập hộ kinh doanh theo quy định, trừ các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Căn cứ vào các quy định nói trên, luật sư Nguyễn Đức (Đoàn Luật sư tỉnh) giải đáp các vấn đề mà giáo viên thắc mắc như sau: Việc đăng ký thành lập doanh nghiệp dạy thêm, Luật Doanh nghiệp năm 2020 chỉ không cho phép đối với giáo viên là viên chức, nhưng cho phép giáo viên làm việc theo hợp đồng lao động được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động năm 2019 tại các trường công và tư thục. Tuy nhiên, do Thông tư 29 không cho phép giáo viên trường công (viên chức, lẫn làm việc theo hợp đồng lao động được điều chỉnh theo Bộ luật Lao động năm 2019) tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nên giáo viên thuộc trường hợp này cũng không được đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể dạy thêm.
Bên cạnh đó, điểm d, khoản 1, Điều 93 Nghị định 01/2021/NĐ-CP cũng có quy định hộ kinh doanh do những người không được quyền thành lập hộ kinh doanh sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Do đó, giáo viên trường công lập không chỉ không được đứng tên đăng ký hộ kinh doanh cá thể dạy thêm ngoài nhà trường, mà còn không được tham gia với vai trò là thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể dạy thêm ngoài nhà trường.
Cũng theo luật sư Nguyễn Đức, do pháp luật quy định như vậy và các quy định này đang có hiệu lực nên giáo viên nào rơi vào trường hợp trên thì không được đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoặc tham gia với vai trò thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh cá thể dạy thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên, họ được quyền ký kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh cá thể kinh doanh về dạy thêm theo Thông tư 29 để dạy thêm ngoài nhà trường.
Bên cạnh đó, tại khoản 3, Điều 6 Thông tư 29 còn quy định, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng hoặc giám đốc, người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm. Do đó, giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường cần lưu ý để thực hiện cho đúng.