Quy định cụ thể cơ quan quản lý giáo dục để thống nhất với chính quyền 2 cấp

Tham gia thảo luận về Luật Nhà giáo (sửa đổi), các đại biểu bày tỏ quan tâm tới vấn đề tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo và cho rằng, cần giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng; có quy định cụ thể về cơ quan quản lý giáo dục khi áp dụng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Giao quyền tự chủ tuyển dụng cho ngành giáo dục

Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức (đoàn tỉnh Thanh Hóa) bày tỏ thống nhất cao với các quy định trong Dự thảo Luật. Đại biểu đề nghị, giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong chủ trì thực hiện hoặc tham mưu thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng nhà giáo nhằm giải quyết những bất cập trong sử dụng và quản lý đội ngũ nhà giáo trong thời gian qua (như tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các cơ sở giáo dục, giữa các đơn vị hành chính cấp xã); đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng đội ngũ, nâng cao chất lượng giáo dục.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Thịnh (Đoàn TP Hà Nội) phát biểu thảo luận - Ảnh: Như Ý

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Thịnh (Đoàn TP Hà Nội) phát biểu thảo luận - Ảnh: Như Ý

Đại biểu Trầm Văn Thức cũng đề nghị thống nhất chủ trương phân cấp và giao quyền tự chủ cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo tại Luật Nhà giáo với các Luật viên chức (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và các văn bản dưới luật, nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để phát triển đội ngũ nhà giáo.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Thịnh (đoàn TP Hà Nội) đồng tình với chủ trương giao cho cơ quan giáo dục chủ trì, tham mưu tuyển dụng hoặc chủ trì tuyển dụng giáo viên hệ công lập như quy định tại điểm a, khoản 2, điều 14 Dự thảo Luật, đại biểu đề nghị, bổ sung quy định phối hợp, kiểm tra, giám sát của các cơ quan khác trong tuyển dụng để bảo đảm tính chặt chẽ trong quản lý và sử dụng viên chức, đồng thời phù hợp với chính quyền địa phương 2 cấp.

Đại biểu phân tích, tại khoản 3, điều 4 Dự thảo Luật quy định cơ quan quản lý giáo dục là cơ quan chuyên môn hoặc đơn vị có chức năng, thẩm quyền giúp cơ sở quản lý Nhà nước về giáo dục.

Quang cảnh phiên thảo luận sáng 6/5 - Ảnh: Media.quochoi.vn

Quang cảnh phiên thảo luận sáng 6/5 - Ảnh: Media.quochoi.vn

Theo đại biểu, hiện nhiều điều khoản của Dự thảo Luật quy định chức năng, thẩm quyền của cơ quan quản lý giáo dục đối với nhà giáo. Song tại điều 42 của Dự thảo Luật quy định về quản lý Nhà nước về nhà giáo lại không đề cập đến cơ quan quản lý giáo dục mà chỉ quy định chung tại khoản 4 UBND các cấp trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn được giao quản lý Nhà nước về nhà giáo. Mặt khác, hiện chúng ta đang thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước theo hướng tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: không còn cấp huyện thì không còn Phòng Giáo dục Đào tạo và thay đổi chức năng thẩm quyền quản lý giáo dục, nhà giáo của cấp xã.

"Vì vậy, đề nghị rà soát và có quy định cụ thể hơn về cơ quan quản lý giáo dục để bảo đảm thuận lợi trong quá trình thực hiện - nhất là các điều 14, 19, 20, 21, 42 bảo đảm tính khả thi, phù hợp, thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này" - đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh nêu.

Cơ quan quản lý cấp tỉnh chủ trì tuyển dụng, tạo thuận lợi cho thí sinh

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã tiếp thu, giải trình và làm rõ các nhóm nội dung đại biểu Quốc hội phát biểu và tranh luận liên quan đến Dự thảo Luật Nhà giáo.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tiếp thu, giải trình và làm rõ các nhóm nội dung đại biểu Quốc hội nêu - Ảnh: Media.quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tiếp thu, giải trình và làm rõ các nhóm nội dung đại biểu Quốc hội nêu - Ảnh: Media.quochoi.vn

Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là Dự thảo Luật nhận được sự quan tâm, chia sẻ, thấu hiểu của nhiều đại biểu Quốc hội với các cụm từ “bày tỏ mong muốn khác”, “bổ sung thêm”, “mong muốn cao hơn, khả thi hơn, cụ thể hơn, chi tiết hơn, công bằng hơn”…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cơ quan soạn thảo trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật đã thực hiện trên tinh thần làm đúng thẩm quyền, tiếp thu các ý kiến của đại biểu, mạnh dạn đề xuất cắt giảm xuống còn 46 điều so với 96 điều của Dự thảo ban đầu. Vì thế, những nội dung cụ thể sẽ được Chính phủ quy định trong các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn tiếp theo.

Trao đổi làm rõ từng nhóm vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc quy định cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh chủ trì tuyển dụng giáo viên cho các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn giúp việc này tốt hơn, tạo thuận lợi cho thí sinh không phải thi tuyển nhiều nơi; việc ra đề thi thuận lợi hơn. Các cơ quan quản lý giáo dục có thể phân cấp cho các trường THPT có đủ khả năng tổ chức tuyển dụng giáo viên.

Tiếp thu toàn bộ ý kiến, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, những nội dung nào sửa đổi ngay được, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ để ban hành các Nghị định, thông tư. Một số nội dung khác sẽ được tiếp thu, sửa đổi, bổ sung trong các Dự thảo luật khác như: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Vân Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quy-dinh-cu-the-co-quan-quan-ly-giao-duc-de-thong-nhat-voi-chinh-quyen-2-cap.695354.html
Zalo