Bộ trưởng GD-ĐT: Công bằng cho giáo viên không phải 'đều khổ như nhau'

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ ý kiến về việc đảm bảo công bằng khi có địa phương ban hành thêm chính sách hỗ trợ nhà giáo.

Sáng 6/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nói, qua phát biểu của Đại biểu Quốc hội ông cảm nhận được tinh thần, sự quan tâm, chia sẻ, thấu hiểu và ủng hộ.

Bộ trưởng cho biết các ý kiến đều có cụm từ chung "hoặc là, bày tỏ những mong muốn khác, bày tỏ mong muốn thêm, bổ sung thêm, mong muốn cao hơn, khả thi hơn, thực tế hơn, cụ thể hơn, chi tiết hơn, mạnh mẽ hơn, bao quát hơn, công bằng hơn, bình đẳng hơn, làm rõ thêm, bổ sung thêm, cần mạnh dạn hơn".

Dự thảo luật ban đầu gồm 96 điều, cơ quan soạn thảo và thẩm tra đã rất mạnh dạn cắt giảm, tiếp thu, đến bản dự thảo mới nhất còn 46 điều. Bộ trưởng bày tỏ "mong muốn cũng giảm tiếp nhưng mong đại biểu hết sức cân nhắc".

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu. Ảnh: Quốc hội

Giải trình cụ thể về tuyển dụng giáo viên, Bộ trưởng cho biết, dự thảo luật giao cơ quan quản lý giáo dục là cơ quan chủ trì, thực hiện tuyển dụng giáo viên cho các trường, cơ sở giáo dục công lập. Theo Bộ trưởng, quy định này sẽ giải quyết được việc giáo viên sẽ cần phải thi vào nhiều chỗ, đảm bảo việc sử dụng biên chế trong phạm vi đơn vị cấp tỉnh được tốt hơn, việc tổ chức Hội đồng, đề thi cũng được thuận lợi hơn.

Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần phân cấp, phân quyền, "nơi đâu sử dụng lao động thì ở nơi đó có quyền được tuyển dụng", tuy nhiên lại khó áp dụng với các cơ sở giáo dục cấp mầm non, tiểu học. Bởi với cấp học này chỉ có rất ít thầy cô, nếu thành lập cả một Hội đồng tuyển dụng yêu cầu rất khắt khe tuyển dụng viên chức thì sẽ rất khó khăn.

Vì vậy, dự thảo luật quy định cơ quan quản lý giáo dục có vai trò tổ chức tuyển dụng nhưng có thể xem xét phân cấp cho những cơ sở, chẳng hạn như trường THPT có đủ điều kiện tuyển dụng.

Có ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng được hưởng các chính sách trong định danh là nhà giáo, Bộ trưởng cho biết, với Luật Nhà giáo chỉ quy định nhà giáo là những người làm nghề chuyên nghiệp, đạt chuẩn. Còn các đối tượng khác như nhân viên trường đại học, những người tham gia quá trình giáo dục, các hoạt động giáo dục thì sẽ có các quy định khác.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đồng ý với việc mở rộng đối tượng khác tham gia vào hoạt động giáo dục và sẽ được quy định trong Luật Giáo dục, các luật khác.

Có đại biểu đề nghị bổ sung những người tham gia vào hướng dẫn, thực hành vào đối tượng nhà giáo nhưng Bộ trưởng nêu rõ, những người này chỉ thực hiện nhiệm vụ khi học sinh, sinh viên hoạt động tại các doanh nghiệp, nhà xưởng, nhà xưởng thực hành. "Những người có kinh nghiệm, kỹ năng, chuyên môn đều được khuyến khích tham gia hướng dẫn học sinh, sinh viên thực hành nhưng họ không phải đối tượng trong dự Luật Nhà giáo", ông Sơn nói thêm.

Một số ý kiến đề nghị không nên khuyến khích địa phương ban hành thêm chính sách để hỗ trợ nhà giáo nhằm đảm bảo công bằng, đảm bảo các tỉnh vùng sâu, xa đỡ khó khăn trong thu hút giáo viên.

Ông Nguyễn Kim Sơn cho rằng, với một số địa phương có điều kiện nên khuyến khích dành nguồn lực để hỗ trợ cho nhà giáo, TPHCM đã chủ động dành nguồn kinh phí hỗ trợ để đời sống giáo viên đỡ khó khăn hơn, hạn chế chuyển việc, nghỉ việc. Bộ trưởng khẳng định, đây là điều đáng quý, đáng khuyến khích.

"Chúng ta ủng hộ cho sự công bằng nếu đó là điều tốt đẹp, công bằng, điều kiện mà giáo viên được hưởng những chế độ tốt nhất. Còn sự công bằng ở đây không nên giữ cho nhau đều khổ như nhau, đều khó như nhau. Nên khuyến khích các nơi có điều kiện. Với các nơi chưa có điều kiện thì Nhà nước phải có thêm chính sách hỗ trợ thêm các địa phương.

Thực tế, các giáo viên ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc được hưởng nhiều chính sách ưu tiên. Nhà nước cũng cần quan tâm thêm ở các vùng thuận lợi. Cần khuyến khích các địa phương có thêm chính sách với giáo viên...", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-truong-gd-dt-cong-bang-cho-giao-vien-khong-phai-deu-kho-nhu-nhau-2398208.html
Zalo