Nhà giáo cần được tự hào với nghề, không phải 'chạy ăn từng bữa'
Ủng hộ Luật Nhà giáo được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng cần điều chỉnh để Luật gần với thực tiễn hơn nữa, khiến nhà giáo không phải lo 'cơm, áo, gạo, tiền', 'chạy ăn từng bữa', khiến họ được tự hào với nghề của mình, toàn tâm toàn ý vào việc dạy học…

Đại biểu Bế Trung Anh. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)
Sáng 6/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật, Đại biểu Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh) nhấn mạnh, thế hệ trẻ - tương lai đất nước được quyết định bởi những nhà giáo, người trực tiếp thực hiện quốc sách của dân tộc.
Theo Đại biểu Bế Trung Anh, không nên dành cho nhà giáo thuật ngữ “ưu đãi”. Hơn nữa, với tự trọng của những nhà giáo chân chính không pho phép họ nhận bất cứ một ưu ái nào. Họ chỉ cần xã hội đánh giá đúng vai trò đặc biệt của họ, tức là “đãi ngộ” xứng tầm.
Tuy nhiên, theo Đại biểu, hiện nay lương nhà giáo vẫn đang ở mức không đủ trang trải.
“Nhiều giáo viên phải làm thêm bằng đủ các cách khác nhau, từ bán hàng online, chạy xe ôm, thậm chí trong thời gian sốt đất vừa qua, không ít thầy cô giáo làm ‘cò đất’. Hình ảnh đó, liệu phụ huynh, đặc biệt là con em chúng ta có còn ngước nhìn thầy cô giáo của chúng với ánh mắt kính trọng?”, Đại biểu Bế Trung Anh đặt vấn đề.
Theo Đại biểu, một đất nước bước vào kỷ nguyên mới muốn vững chắc nên bắt đầu bằng việc quan tâm ở mức cao nhất đến những người trồng cây, ươm mầm thế hệ trẻ. Vì vậy, Đại biểu ủng hộ Luật Nhà giáo được thông qua, đồng thời cần điều chỉnh để Luật sâu sắc hơn, gần với thực tiễn hơn nữa, khiến nhà giáo không phải lo “cơm, áo, gạo, tiền”, “chạy ăn từng bữa”, khiến họ được tự hào với nghề của mình, toàn tâm toàn ý vào việc dạy học.
Đại biểu Trần Văn Thức (Đoàn Thanh Hóa) cũng đánh giá cao vì dự thảo Luật đã cụ thể hóa chủ trương của Ban Chấp hành TW tại Nghị quyết 27-NQ/TW: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”; đồng thời quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ, chính sách trọng dụng đối với nhà giáo, trong đó đặc biệt quan tâm đến chính sách đối với nhà giáo công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, chính sách tiền lương, chính sách thu hút, hỗ trợ đối với nhà giáo là một trong những vấn đề lớn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật Nhà giáo. Theo đó, có ý kiến đề nghị quy định về tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo phù hợp với chủ trương và lộ trình cải cách chính sách tiền lương.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, theo ông Nguyễn Đắc Vinh, dự thảo Luật quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định nhà giáo không được trực tiếp hoặc gián tiếp kinh doanh một số lĩnh vực như kinh doanh trò chơi điện tử, phục vụ quán giải khát, bán bảo hiểm...; không được quảng cáo sai sự thật, quảng cáo hoạt động giáo dục trên mạng xã hội khi chưa được kiểm chứng về chất lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Điều 33 Hiến pháp 2013 quy định nguyên tắc “mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm”; Điều 50 Bộ luật Dân sự quy định “quyền tự do kinh doanh của cá nhân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ”.
Những ngành nghề, lĩnh vực dịch vụ, hành vi bị nghiêm cấm trong kinh doanh đã được quy định chi tiết, cụ thể bởi pháp luật chuyên ngành có liên quan. Việc quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khi chưa kiểm chứng thông tin là những hành vi vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo nên được điều chỉnh trong Luật Quảng cáo (hiện đang được trình Quốc hội thông qua). Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung quy định này trong dự thảo Luật.