Quốc tế nỗ lực 'dập lửa' xung đột Ấn Độ-Pakistan
Căng thẳng giữa Ấn Độ-Pakistan leo thang lên mức nguy hiểm chưa từng có trong nửa thế kỷ qua khi New Delhi mở chiến dịch 'tấn công hạ tầng khủng bố' ở lãnh thổ do Pakistan quản lý, dẫn đến động thái đáp trả của Islamabad. Những giờ qua, cộng đồng quốc tế quyết liệt yêu cầu các bên hạ nhiệt, tránh để xảy ra một cuộc đối đầu quân sự giữa hai cường quốc quân sự châu Á.
Trong cuộc tập kích được mô tả là có quy mô đáng kể nhất nhắm vào Pakistan kể từ sau xung đột Ấn Độ-Pakistan năm 1971, quân đội Ấn Độ sáng 7/5 phát động Chiến dịch Sindoor, "tấn công vào hạ tầng khủng bố trên lãnh thổ Pakistan cũng như phần lãnh thổ bang Jammu và Kashmir do Pakistan kiểm soát, nơi lên kế hoạch và chỉ đạo các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào Ấn Độ". Quân đội Ấn Độ cho hay, có 9 mục tiêu bị tấn công nhưng không có vị trí nào là cơ sở quân sự của Pakistan.

Mảnh vỡ máy bay rơi xuống mặt đất ở khu vực Kashmir. Ảnh: Reuters.
Ấn Độ mô tả đòn tấn công lần này "có tính tập trung, có chừng mực và không nhằm leo thang". "Ấn Độ đã thể hiện sự kiềm chế trong việc chọn mục tiêu và phương pháp tấn công", quân đội Ấn Độ nhấn mạnh. Truyền thông Ấn Độ tiết lộ, đòn không kích sáng 7/5 do không quân, hải quân và lục quân Ấn Độ phối hợp thực hiện trong 30 phút, với 24 tên lửa các loại được bắn vào các vị trí của hai nhóm vũ trang Lashkar-e-Taiba (LeT) và Jaish-e-Mohammad (JeM). Ấn Độ coi LeT và JeM là các tổ chức cực đoan.
Bộ Quốc phòng Pakistan sau đó xác nhận có 6 địa điểm bị tấn công nằm tại khu vực Pakistan kiểm soát ở Kashmir và tại tỉnh Punjab miền Đông Pakistan. Giới chức Pakistan cho biết thêm, hai nhà thờ Hồi giáo đã bị hỏa lực nước láng giềng đánh trúng. Reuters dẫn thông báo của nhà chức trách Pakistan thống kê, ít nhất 26 người đã thiệt mạng, 46 người bị thương trong vụ việc.
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cùng ngày nêu rõ, "Pakistan có đầy đủ quyền đáp trả mạnh mẽ đối với hành động của Ấn Độ" và khẳng định "toàn bộ đất nước" Pakistan sẽ sát cánh cùng lực lượng vũ trang tìm "cách đối phó với đối thủ". Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pakistan đã triệu trưởng phái đoàn ngoại giao Ấn Độ tại Islamabad tới để phản đối cuộc không kích của New Delhi.
Cũng trong ngày 7/5, Bộ Quốc phòng Pakistan tuyên bố với CNN rằng, không quân nước này đã giao chiến với không quân Ấn Độ và bắn hạ ít nhất 5 máy bay chiến đấu, một máy bay không người lái (UAV) của New Delhi. Người dân tại Srinagar, vùng Jammu và Kashmir do Ấn Độ quản lý, nói họ đã nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn. Một số mảnh vỡ được cho là từ máy bay quân sự do Pháp sản xuất đã rơi xuống mặt đất ở Kashmir.
Dọc Đường kiểm soát (LOC), ranh giới kiểm soát thực tế giữa Ấn Độ và Pakistan ở Kashmir, cũng ghi nhận các cuộc pháo kích qua lại. Quân đội Ấn Độ cho biết, ít nhất 7 người Ấn Độ thiệt mạng vì pháo Pakistan. Nhà chức trách Ấn Độ đã bắt đầu sơ tán người dân khỏi "khu vực dễ bị tổn thương" ở Kashmir.
Theo Reuters, lần gần nhất Ấn Độ tấn công vào lãnh thổ Pakistan ngoài khu vực Kashmir là trong cuộc khủng hoảng 2019. New Delhi khi đó triển khai máy bay không kích một số mục tiêu sau khi cáo buộc Islamabad đứng sau vụ đánh bom xe tự sát khiến ít nhất 40 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Ấn Độ và Pakistan lâu nay cáo buộc nhau ủng hộ các lực lượng chống đối nhằm gây bất ổn cho nước kia, trong đó, New Delhi tin rằng, Islamabad hậu thuẫn phong trào nổi dậy đòi ly khai khỏi Ấn Độ. Đợt căng thẳng mới nhất giữa hai nước tái bùng phát sau vụ tấn công ở khu du lịch trong thung lũng Baisaran, gần thị trấn Pahalgam, bang Jammu và Kashmir, ngày 22/4 làm 25 người Ấn Độ và một người Nepal thiệt mạng. Ấn Độ quy trách nhiệm cho Pakistan. Trong khi đó, Pakistan bác bỏ mọi cáo buộc và chỉ trích Ấn Độ tìm cớ leo thang.
Trước những diễn biến căng thẳng nêu trên, hầu hết các hãng hàng không đã tạm thời chuyển hướng máy bay ra bên ngoài không phận Pakistan. Ngày 7/5, nhiều nước và tổ chức quốc tế đã lên tiếng về tình hình biên giới Ấn Độ - Pakistan. Trong bài đăng trên X, Tổng Thư ký LHQ António Guterres bày tỏ quan ngại về căng thẳng "mức cao nhất trong nhiều năm" giữa Ấn Độ-Pakistan, đồng thời cảnh báo hai nước "tránh đối đầu quân sự, vốn có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát". "Quân sự không phải một giải pháp", ông nói.
Cơ quan LHQ sau đó ra một thông cáo riêng biệt, trong đó nêu rõ: "Tổng Thư ký rất quan ngại về các hoạt động quân sự của Ấn Độ qua LOC và đường biên giới quốc tế. Ông kêu gọi kiềm chế quân sự tối đa từ cả hai nước. Thế giới không thể để xảy ra xung đột quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan".
Từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông thấy "rất đáng tiếc" về việc Ấn Độ-Pakistan giao tranh xuyên biên giới. "Họ đã chiến đấu trong một thời gian dài. Họ đã chiến đấu trong nhiều, nhiều thập kỷ. Tôi hy vọng nó sẽ kết thúc thật nhanh", ông Trump nhấn mạnh. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio sau đó thông báo ông đã trao đổi với các cố vấn an ninh quốc gia của Ấn Độ và Pakistan, kêu gọi hai bên "giữ liên lạc thông suốt, tránh leo thang" và "hướng tới giải pháp hòa bình".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7/5 cũng bày tỏ quan ngại về căng thẳng Ấn Độ-Pakistan. "Chúng tôi kêu gọi cả hai bên hành động vì lợi ích lớn hơn của hòa bình và ổn định, giữ bình tĩnh, kiềm chế và không thực hiện các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình", Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga lên án các hành vi tấn công khủng bố, nhưng kêu gọi Ấn Độ và Pakistan cần kiềm chế.
Cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản lo ngại "sự việc có thể kích động các hành động trả đũa và leo thang thành xung đột toàn diện", đồng thời đề nghị hai nước "ổn định tình hình thông qua đối thoại". Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot thì cho biết, Paris "thông cảm với mong muốn tự vệ của Ấn Độ trước chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, Pháp kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế, tránh leo thang và bảo vệ dân thường".