Loạt vũ khí chủ lực giúp Nga phá vỡ lợi thế công nghệ quân sự của phương Tây

Trong khuôn khổ chiến lược tái vũ trang quân sự quy mô lớn, Tổng thống Vladimir Putin đã yêu cầu thay đổi đáng kể các ưu tiên sản xuất quốc phòng của Nga, trong đó có việc tăng tốc sản xuất các hệ thống không người lái, vũ khí tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và vũ khí năng lượng định hướng (DEW).

Với nỗ lực này, Nga dường như muốn chứng minh với thế giới rằng, họ là một quốc gia hùng mạnh với lực lượng quân đội tinh nhuệ, hoàn toàn có khả năng tự cung tự cấp.

Máy bay không người lái đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: TASS

Máy bay không người lái đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: TASS

Trong các cuộc thảo luận với các chỉ huy lĩnh vực quốc phòng Nga, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng máy bay không người lái đã định hình lại bộ mặt của xung đột. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận tình trạng thiếu hụt máy bay không người lái cho các hoạt động chiến đấu ở tiền tuyến. Theo nhà lãnh đạo Nga, tiến độ hoạt động của quân đội Nga ở tiền tuyến quá lớn đến mức không có lực lượng sản xuất nào có thể bắt kịp nhu cầu của họ.

Lực lượng không người lái hùng hậu của Nga

Quân đội Nga đã triển khai nhiều máy bay không người lái trên mặt trận, trong đó có UAV Orlan-10, chủ yếu được sử dụng cho các nhiệm vụ Tình báo, Giám sát và Trinh sát (ISR) và tác chiến điện tử (EW). Orlan-10 sử dụng các vũ khí tinh vi như tổ hợp tác chiến điện tử LEER-3 để gây nhiễu liên lạc di động. LEER-3 có khả năng nhận diện hơn 2.000 điện thoại trong phạm vi 6km, cho phép khoanh vùng các vị trí tập trung quân của đối phương.

Dòng máy bay không người lái khác mà Nga ưa chuộng là máy bay không người lái chiến đấu tầm trung (UAV). Loại UAV này được Nga thử nghiệm lần đầu tiên tại chiến trường Syria. Trong cuộc xung đột hiện tại, Nga triển khai để tiến hành tấn công các mục tiêu tại Ukraine.

Một loại UAV chiến đấu hạng nặng mà Nga vẫn đang thử nghiệm là Okhotnik (Thợ săn), được thiết kế cho các nhiệm vụ tấn công. Quân đội Nga cho rằng, trong tương lai, UAV này có thể cạnh tranh với các UAV của Mỹ như Global Hawk.

Lancet cũng là một trong những UAV lợi hại nhất của Nga. Trong thời gian gần đây, Nga đã nâng cấp phần mềm của UAV này, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), cho phép nó nhắm mục tiêu tự động. UAV Lancet cũng có khả năng chống lại các biện pháp tác chiến điện tử của Ukraine và trở thành mối đe dọa lớn đối với tiền tuyến của Ukraine.

AI giúp vũ khí Nga “thông minh” hơn

UAV Lancet không phải là phương tiện không người lái duy nhất được tích hợp AI trong kho vũ khí ngày của Moscow. Các UAV Rusak-S và Shahed do Iran chế tạo mà Moscow đang sử dụng đều được trang bị khả năng dẫn đường tự động và nhận dạng mục tiêu, cho phép chúng xác định những mục tiêu quan trọng, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng năng lượng ngay cả khi hoạt động trong môi trường có tín hiệu điện tử yếu.

Nga coi công nghệ này AI là chìa khóa cho quá trình hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là vì cách ứng dụng AI trong các hệ thống chỉ huy và kiểm soát có thể cải thiện hoạt động quân sự của Nga.

Điện Kremlin cho rằng, các hệ thống AI mà nước này đang phát triển không chỉ quan trọng đối với viêc nắm bắt thông tin mà còn góp phần phá vỡ các hệ thống Chỉ huy, Kiểm soát, Truyền thông, Máy tính, Tình báo, Giám sát và Trinh sát (C4ISR) của đối phương. Liên quan đến hệ thống chỉ huy và kiểm soát, AI có thể được sử dụng để xử lý lượng lớn dữ liệu chiến trường, giúp các chỉ huy ra quyết định nhanh hơn.

Nga đẩy mạnh phát triển vũ khí DEW

Việc phát triển vũ khí năng lượng định hướng (DEW) là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm giành ưu thế về công nghệ quân sự. Trước đó vào năm 2018, Nga đã triển khai một loại vũ khí laser trên mặt đất để chống lại vệ tinh, thậm chí cả máy bay không người lái. Vũ khí này có tên gọi Hệ thống laser Peresvet.

Ngoài ra, Moscow cũng sở hữu các vũ khí điện từ có thể phá vỡ thiết bị điện tử của đối phương. Các vũ khí điện tử này này nhắm vào các hệ thống chỉ huy điều khiển, thông tin liên lạc, tình báo, giám sát, trinh sát (C4ISR) và liên lạc vệ tinh. Hiện, các nhà khoa học Nga đang xem xét liệu DEW có thể được sử dụng cho nhiệm vụ chống vệ tinh (ASAT) hay không. Nếu được áp dụng thành công, DEW có thể giúp Nga áp đảo lợi thế về công nghệ quân sự của NATO bằng cách phá vỡ các hệ thống phòng thủ tên lửa và C4ISR quan trọng trên vệ tinh. Nỗ lực của Nga trong việc phát triển DEW phù hợp với đánh giá của nước này cho rằng không gian cũng sẽ trở thành một chiến trường trong tương lai.

Nhìn chung, Nga tiếp tục đạt được những bước tiến đáng kể trong ba lĩnh vực công nghệ mới là UAV, DEW và AI. Các loại vũ khí như UAV Orlan-10, hệ thống phòng không S-500 Prometey, hay vũ khí tích hợp AI đã cho thấy điều đó. Giới quan sát cho rằng, những bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc xung đột tại Ukraine sẽ khiến cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga tìm cách cải tiến và đổi mới để bắt kịp các đối thủ như Mỹ trong những lĩnh vực quan trọng này.

Hồng Anh/VOV.VN Theo National Interest

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/loat-vu-khi-chu-luc-giup-nga-pha-vo-loi-the-cong-nghe-quan-su-cua-phuong-tay-post1197963.vov
Zalo