Tên lửa chống tăng BGM-71 TOW: 'Sát thủ diệt tăng' khét tiếng của Mỹ
Tên lửa chống tăng BGM-71 TOW là một trong những loại vũ khí nổi tiếng nhất của quân đội Mỹ và được coi là 'ác mộng' của mọi xe tăng trên tiền tuyến.
Lời tòa soạn
Mỹ là quốc gia sở hữu nhiều loại vũ khí hiện đại và uy lực, thể hiện sức mạnh quân sự vượt trội trên thế giới. Trong đó, trực thăng AH-64 Apache, xe tăng M-1 Abrams, pháo tự hành M109A6 Paladin, tên lửa chống tăng BGM-71 TOW và súng máy M-2 Browning được đánh giá là 5 loại vũ khí mạnh nhất của quân đội nước này.
Bài 1: Khám phá 5 loại vũ khí mạnh nhất của quân đội Mỹ
Bài 2: Trực thăng AH-64 Apache: Sức mạnh từ bầu trời của quân đội Mỹ
Bài 3: Xe tăng M-1 Abrams: Chiến xa biểu tượng của quân đội Mỹ
Bài 4: Pháo tự hành M109A6 Paladin: Lựu pháo uy lực của nước Mỹ
Theo trang tin quân sự Army Technology, tổ hợp tên lửa chống tăng BGM-71 TOW và các biến thể là một trong những dòng tên lửa chống tăng phố biến nhất trên thế giới.
TOW được tập đoàn Raytheon sản xuất cho quân đội Mỹ và các quốc gia đồng minh của Washington. Toàn tổ hợp nặng khoảng 22kg, trong đó tên lửa có độ dài 116cm, đường kính 15,2cm, đầu đạn nặng 2,63kg, tầm bắn tới 4.200m.
Tên lửa TOW một số đời đầu sử dụng đầu đạn dạng liều nổ lõm (HEAT) để chống lại các loại xe tăng và xe thiết giáp. Kể từ biến thể BGM-71E hay TOW 2A, tên lửa dùng đầu đạn nổ lại (Tandem), tức là sau khi liều thứ nhất ở đầu tên lửa phát nổ khiến giáp phản ứng nổ (ERA) lắp trên xe tăng tại chỗ đó mất tác dụng phòng vệ, liều nổ thứ hai của quả đạn sẽ bắn vào phần giáp xe tăng đối phương không còn được che chắn và khiến nó bị phá hủy. Theo báo cáo của quân đội Mỹ, liều nổ thứ 2 của tên lửa TOW 2A đủ khả năng xuyên qua 0,9m thép đồng nhất.
Tên lửa chống tăng BGM-71 TOW tác chiến ở Syria. Video: RT
Tên lửa chống tăng TOW được trang bị động cơ đẩy nhiên liệu rắn 2 tầng. Khi bắn, người lính theo dõi mục tiêu qua ống ngắm. Hệ thống điều khiển trên tên lửa được kết nối với một máy tính hướng dẫn qua 2 đường dây cuộn sau tên lửa.
Trong chiến dịch ở Syria, TOW từng khiến nhiều lữ đoàn tăng-thiết giáp của quốc gia Trung Đông này chịu tổn thất nặng nề. Thậm chí, trong một trường hợp, TOW đã bắn trúng xe tăng T-90 được trang bị hệ thống phòng thủ chủ động Shtora-1.

Tên lửa chống tăng BGM-71 TOW của Mỹ. Ảnh: Military Today
Không chỉ là vũ khí phổ biến của quân đội Mỹ, tên lửa chống tăng BGM-71 TOW còn được sử dụng rộng rãi trong nhiều lực lượng quân đội trên thế giới.
Với liên minh NATO, Anh, Pháp và Italia đều đang sử dụng loại tên lửa chống tăng này, trong khi Đức hiện chỉ lưu kho dự phòng. Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ là nước thành viên sử dụng TOW nhiều nhất, chủ yếu trong các hoạt động chống lại lực lượng nổi dậy PKK.
Tại Trung Đông, các "ông lớn" như Ảrập Xê-út, Israel, Iraq và Qatar đều vận hành tên lửa TOW. Bằng nhiều cách khác nhau, các nhóm vũ trang ở Syria và Yemen cũng thu giữ lượng tên lửa TOW đáng kể để sử dụng.
Tại châu Á, Nhật Bản đang tự sản xuất TOW theo giấy phép của Mỹ, trong khi Hàn Quốc và Philippines sử dụng rộng rãi loại vũ khí này trong các đơn vị lục quân. Đài Loan (Trung Quốc) cũng đặt mua 1.700 tên lửa TOW và 100 bệ phóng từ Mỹ.
Dù rất phổ biến nhưng TOW cũng gặp nhiều đánh giá không tích cực, chủ yếu về độ chính xác khi bắn. Trong một cuộc tập trận năm 2024 ở Đài Loan (Trung Quốc), chỉ có 7 trong tổng số 17 tên lửa TOW bắn trúng mục tiêu giả định.
Theo các chuyên gia quân sự, dù từng là "sát thủ diệt tăng" khét tiếng của Mỹ nhưng BGM-71 TOW đang dần bị thay thế bằng tên lửa chống tăng thế hệ 3 như FGM-148 Javelin với khả năng "bắn và quên".