Quốc lễ của đạo lý tri ân

Trải dài suốt hàng nghìn năm lịch sử, lễ hội Đền Hùng đã có sức sống mãnh liệt và lan tỏa mạnh mẽ, từ lễ hội làng thành lễ hội quốc gia. Bất biến với thời gian, hạt nhân cốt lõi trong giá trị của lễ hội Đền Hùng vẫn vẹn nguyên, được các thế hệ người Việt gìn giữ tiếp nối trao truyền, nâng lên tầm cao mới. Đó chính là đạo lý tri ân - nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt...

Thực hiện nghi thức rước kiệu về Đền Hùng tại lễ Giỗ Tổ. Ảnh: CTV

Thực hiện nghi thức rước kiệu về Đền Hùng tại lễ Giỗ Tổ. Ảnh: CTV

Sức sống trường tồn của lễ hội

Lịch sử dân tộc Việt Nam được mở đầu bằng thời đại Hùng Vương với công lao của các Vua Hùng khai sơn, phá thạch, mở mang, bồi đắp xây dựng nên nhà nước Văn Lang. Khắc ghi công lao to lớn ấy, các thế hệ người Việt đã suy tôn các Vua Hùng là Thủy tổ của dân tộc từ hàng nghìn năm trước. Việc thờ cúng Hùng Vương đã trở thành tập quán, tín ngưỡng và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, tín ngưỡng này đã trở thành điểm tựa tinh thần, đức tin vào sự linh thiêng huyền diệu của tổ tiên để người dân đất Việt thắt chặt khối đại đoàn kết đồng bào, chung sức chiến thắng thiên tai, giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cả nghìn năm trước, cha ông ta đã xây dựng Đền Hùng và tổ chức giỗ Tổ với tính chất dân gian. Thôn Trẹo (xã Hy Cương), thôn Vi (xã Chu Hóa) xây dựng Đền Hùng với quy mô ban đầu chỉ là ngôi miếu nhỏ. Lễ hội làng He (xã Hy Cương và xã Chu Hóa) với nhiều hình thức diễn xướng dân gian cổ xưa đã được tổ chức rước tiếng hú, chạy địch, trình voi, ngựa, rước chúa gái, diễn trò bách nghệ khôi hài. Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược Đông Hán đã lên Đền Thượng trong Khu di tích Đền Hùng tế trời đất, nguyện rửa thù nhà đền nợ nước, nối nghiệp các Vua Hùng.

Tri ân công đức tiền nhân không gì bằng gìn giữ, phát huy di sản trao truyền của cha ông lên tầm cao mới. Thế nên Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để con Lạc cháu Hồng từ Bắc chí Nam, miền xuôi hay miền ngược, người Kinh hay dân tộc ít người, theo tôn giáo hoặc không theo tôn giáo, ở trong nước hay ở nước ngoài cùng hướng về Đất Tổ, nơi hội tụ khí thiêng sông núi thành kính thắp nén tâm hương tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng, chung vai góp sức gìn giữ, dựng xây giang sơn giàu đẹp thỏa ước nguyện tiền nhân.

Năm 980 khi nước nhà giành được độc lập, vua Đinh Tiên Hoàng chính thức cho viết thần tích. Các triều đại phong kiến tiếp nối, Đền Hùng đều được tu tạo, xây dựng ngày càng khang trang, bề thế. Thư tịch cổ “Đại Việt sử lược” và “Đại Việt sử ký toàn thư” đã khẳng định và lý giải về nguồn gốc, nguồn cội chung của dân tộc Việt Nam - các Vua Hùng. Thời Hậu Lê năm Hồng Đức thứ nhất cho soạn “Ngọc phả Hùng Vương” đã chép: “Từ đời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa (Cổ Tích)”, ở đây Nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của đấng Thánh Tổ xưa”...

Thời nhà Nguyễn kinh đô đặt tại Huế, năm 1823 vua Minh Mạng cho rước bài vị thờ Hùng Vương vào thờ ở miếu Lịch đại Đế Vương, còn tại Đền Hùng thì cấp sắc để phụng thờ. Nghi lễ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương được quy định cụ thể, chặt chẽ, thể hiện sự tôn kính của các triều đại và Nhân dân đối với tổ tiên.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà được độc lập, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta càng đặc biệt quan tâm tới việc thờ tự các Vua Hùng - tổ tiên chung của dân tộc và chú trọng đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Đền Hùng ngày càng khang trang hơn, xứng tầm là nơi thờ tự tổ tiên chung của dân tộc.

Rước kiệu về Đền Hùng. Ảnh: CTV

Rước kiệu về Đền Hùng. Ảnh: CTV

Ngay sau khi thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh 22C NV/CC quy định về những ngày lễ lớn hàng năm, trong đó có ghi Giỗ Tổ Hùng Vương được nghỉ 1 ngày. Ngày 2/4/2007, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10/3 âm lịch). Năm 2010, Giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng lần đầu tiên được tổ chức theo nghi thức quốc lễ trang trọng nhất trong lịch sử do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là chủ lễ dâng hương tiến hành các nghi thức, nghi lễ trọng thể trong lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng vào ngày mùng 10/3 âm lịch.

Sự kiện này đánh dấu bước phát triển đỉnh cao thể hiện sức sống mạnh mẽ và sự lan tỏa theo thời gian và không gian của lễ hội. Quy mô tổ chức lễ hội thể hiện tinh thần hội tụ, đoàn kết dân tộc và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam hướng về cội nguồn dân tộc - một truyền thống đặc biệt quan trọng được thể hiện thông qua lễ hội Đền Hùng ở nhiều giai đoạn khác nhau. Đồng thời thể hiện rõ cốt cách tinh thần của dân tộc Việt Nam trong lịch sử - quá khứ - hiện tại - tương lai.

Tự hào là “con trưởng tạo lệ”, nơi Vua Tổ chọn đất đóng đô, nhiều năm nay tỉnh Phú Thọ luôn nỗ lực huy động mọi nguồn lực tu bổ, xây dựng Đền Hùng xứng tầm khu di tích quốc gia đặc biệt, tổ chức lễ hội Đền Hùng là lễ hội mẫu mực trong cả nước, nơi hội tụ tinh hoa và tỏa sáng tinh hoa văn hóa dân tộc, là biểu tượng cao đẹp về giá trị văn hóa tinh thần, thể hiện đầy đủ trí tuệ, đạo lý, cốt cách, bản lĩnh, tâm hồn cao đẹp của người dân đất Việt...

Sức sống trường tồn, sự vận động, phát triển, lan tỏa mạnh mẽ của Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng bắt nguồn từ giá trị, bản chất đạo lý tri ân, trong đó đạo hiếu là hạt nhân cốt lõi. Hành trình thể hiện đạo hiếu vượt qua bao biến cố thăng trầm thời gian, đã lắng đọng, kết tinh nhuần nhị trong từng lớp văn hóa.

Đền Thượng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Ảnh: CTV

Đền Thượng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Ảnh: CTV

Đỉnh cao của truyền thống đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn

Theo thống kê của Bộ VHTT&DL, cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương, riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 345 di tích gắn với các làng thờ cúng Hùng Vương, trong đó Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất cả nước. Các di tích thờ Hùng Vương cùng với các nghi thức, lễ hội được trải dài khắp cả ba miền của Tổ quốc. Cùng với cả nước, để tri ân công đức tổ tiên và các Vua Hùng, vào ngày 10/3 âm lịch hằng năm, kiều bào ta ở nước ngoài đã tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lập ban thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại văn phòng đại sứ quán và lãnh sự quán các quốc gia để đáp ứng nhu cầu hướng về tổ tiên, quốc gia dân tộc. Tại Mỹ, kiều bào ta đã vận động quyên góp xây dựng đền thờ Hùng Vương mang tên “Quốc Tổ Vọng Từ”, khánh thành năm 2003 tại TP San Jose thuộc tiểu bang California. Sự lan tỏa mạnh mẽ và sức sống mãnh liệt của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và thờ cúng tổ tiên đã thể hiện rõ giá trị đạo đức truyền thống của người Việt được gìn giữ, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Với các giá trị đặc trưng đó, ngày 6/12/2012 UNESCO chính thức ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng là đỉnh cao của truyền thống đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là một hiện tượng lịch sử độc đáo hiếm có so với nhiều quốc gia dân tộc trên thế giới. Bản chất của lễ hội Đền Hùng thể hiện bốn nội dung cơ bản: đạo hiếu; đạo lý uống nước nhớ nguồn; ý thức hệ về cội nguồn dân tộc và thể hiện nét riêng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam, mà đỉnh cao là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO vinh danh.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, đạo lý tri ân công đức tổ tiên đã trở thành sợi dây gắn kết, điểm tựa tinh thần, nguồn sức mạnh đặc biệt của dân tộc, làm nên kỳ tích mang tên Việt Nam trong đoàn kết chống thiên tai, địch họa, bảo vệ và xây dựng non sông gấm vóc. Nguồn sức mạnh tâm linh của Giỗ Tổ Hùng Vương như lời hiệu triệu từ trái tim mỗi con Lạc cháu Hồng hướng về nguồn cội, về Tổ quốc với hai tiếng thiêng liêng mà gần gũi “đồng bào”.

NGUYỄN ĐẮC THỦY (Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/xa-hoi/202504/quoc-le-cua-dao-ly-tri-an-c8713ca/
Zalo