Ngày hội ngộ 3 Trung đoàn bộ binh huyền thoại
Chiều 7/4, tại Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 1-U Minh, Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 1-U Minh tổ chức Lễ kết nghĩa và giao lưu với 3 Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn bộ binh được Nhà nước 3 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc và giúp bạn Campuchia.

Quang cảnh buổi Lễ kết nghĩa và giao lưu 3 trung đoàn, Trung đoàn 1 - U Minh, Trung đoàn 1 (Đoàn Ba Gia), Trung đoàn 88 (Đoàn Tu Vũ).
Trung đoàn 1 (Đoàn Ba Gia), Sư đoàn 2, Quân khu 5; Trung đoàn 88 (Đoàn Tu Vũ), Sư đoàn 302, Quân khu 7; Trung đoàn 1-U Minh, Sư đoàn 330, Quân khu 9 là 3 Trung đoàn với những chiến công huyền thoại, đóng góp không nhỏ vào đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Đến dự và chỉ đạo tại buổi Lễ kết nghĩa và giao lưu có Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1-U Minh.
Tại buổi họp mặt, Thiếu tướng Trần Vinh Quang, Nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9, nguyên Thứ trưởng Lao động-Thương binh Xã hội, Trưởng Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 1-U Minh cho biết, cách đây 62 năm, sau khi phong trào Đồng khởi và Mặt trận dân tộc Giải phóng miền nam ra đời, cuộc đấu tranh cách mạng chuyển sang hướng mới, từ đấu tranh chính trị tiến lên đấu tranh vũ trang, đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tạo nên khí thế đấu tranh mạnh mẽ, rộng khắp toàn miền nam.
Trước yêu cầu nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, lực lượng vũ trang ba thứ quân phát triển với quy mô ngày càng lớn. Các tiểu đoàn, trung đoàn chủ lực của Quân khu 9 lần lượt ra đời.
Trong bối cảnh đó, ngày 23/9/1963, tại vùng căn cứ U Minh thuộc xã Khánh Lâm, huyện Trần Văn Thời (nay là huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 9 quyết định thành lập Trung đoàn Bộ binh 1 - trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân giải phóng miền Tây Nam Bộ, sau đó được mang tên Trung đoàn 1-U Minh.

Thiếu tướng Trần Vinh Quang, Nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9, nguyên Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội, Trưởng Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 1-U Minh, Sư đoàn 330, Quân khu 9 phát biểu tại buổi lễ.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia, Trung đoàn 1-U Minh đã đánh trên 1.000 trận lớn nhỏ, trong đó có nhiều trận đánh xuất sắc, đạt hiệu suất chiến đấu cao, thực hiện đúng khẩu hiệu “Đi là chiến thắng, đánh là diệt gọn”.
Những chiến công gắn liền với các trận đánh, địa danh nổi tiếng như: Chà Là, Lục Phi, Cò Tuất, Kinh Xuôi, Đầm Dơi, Vĩnh Thuận trong kháng chiến chống Mỹ; Phú Cường, Vĩnh Điều, Bắc Đai trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam; Tà Keo, Cần Đan, Tức Sóc trong chiến đấu giúp nước bạn Campuchia… mãi là mốc son trong lịch sử trung đoàn, góp phần xứng đáng vào truyền thống vẻ vang của lực lượng vũ trang Quân khu 9 và Sư đoàn 330 anh hùng.
Trung đoàn vinh dự được Nhà nước 3 lần tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1973, 1975, 1989) và 26 cá nhân cũng được phong tặng Anh hùng; tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (năm 2013) và 634 Huân chương Quân công, Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, Huân chương Nhà nước Việt Nam và Campuchia tặng cho các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích.
Theo Thượng tá Nguyễn Danh Hồng, Nguyên Chủ nhiệm Chính trị, Trưởng Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 88 (Đoàn Tu Vũ), Sư đoàn 302, Quân khu 7, Trung đoàn 88 được thành lập ngày 1/7/1949 tại xóm Gò pháo, xã Tân cương, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, nay là xã Tân cương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Theo Thượng tá Nguyễn Danh Hồng, Nguyên Chủ nhiệm Chính trị, Trưởng Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 88 (Đoàn Tu Vũ), Sư đoàn 302, Quân khu 7 phát biểu tại buổi lễ.
Sau khi thành lập, trung đoàn nằm trong đội hình Đại đoàn 308 đã chiến đấu ngoan cường, lập công xuất sắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp trên chiến trường Bắc Bộ.
Trung đoàn 88 - Tu Vũ tham gia 9 chiến dịch lớn nhỏ từ Chiến dịch Đường số 4 Thu Đông năm 1949 đến Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 tiêu diệt cứ điểm đồi Độc Lập, cắt đứt sân bay Mường Thanh, góp phần thắng lợi tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Đầu năm 1966, trung đoàn chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên và tham gia nhiều trận đánh với quân xâm lược Mỹ, các trận đánh ở Đồi C1 và Bãi 9 đã gây cho địch nhiều thất bại.
Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, bước chân của bao lớp cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đã trải khắp các nẻo đường từ Việt Bắc đến Thượng Lào, Điện Biên Phủ, Hà Nội, Tây Nguyên, Nam Bộ, Campuchia, rồi trở về mảnh đất miền Đông “gian lao mà anh dũng”.
Trung đoàn 88 lập nhiều chiến công xuất sắc, xây đắp nên truyền thống vẻ vang “Đoàn kết keo sơn, xuất quân thần tốc, kiên cường dũng mãnh, liên tục tiến công, đánh thắng diệt gọn, tự lực tự cường, chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn, lệnh đâu đi đấy, chỉ đâu đánh đấy, khó mấy cũng hoàn thành”.
Bảy mươi sáu năm đi qua, Trung đoàn 88-Tu Vũ không ngừng lớn mạnh và lập nhiều thành tích cơ động trên các chiến trường của 3 nước Đông Dương, quan trọng nhất là tham gia 2 chiến dịch lớn là Điện Biên Phủ và Chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc, góp phần đánh bại 2 đế quốc lớn nhất của thời đại là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Với những thành tích và chiến công vang dội, Trung đoàn 88 được Đảng, Nhà nước ba lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhà nước và Bộ quốc phòng Campuchia hai lần tặng cờ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế. Ngoài ra, trung đoàn còn được tặng thưởng 445 Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công cho tập thể và các cá nhân.
Đại tá Lý Văn Mười, Nguyên Phó Trung đoàn trưởng về Chính trị, Trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 1 (Đoàn Ba Gia), Sư đoàn 2, Quân khu 5 cho biết, Đoàn Ba Gia thành lập ngày 20/11/1963 tại huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

Đại tá Lý Văn Mười, Nguyên Phó Trung đoàn trưởng về Chính trị, Trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 1 (Đoàn Ba Gia), Sư đoàn 2, Quân khu 5 phát biểu tại buổi lễ.
Trải qua 62 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, dấu chân và những chiến công của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1-Đoàn Ba Gia đã in đậm trên dải đất miền trung, Tây Nguyên, đường 9 Nam Lào và đất bạn Campuchia, góp phần to lớn cùng quân dân cả nước đánh đuổi đế quốc, ngoại xâm, bè lũ tay sai; làm nhiệm vụ quốc tế; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới; xây đắp lên truyền thống vẻ vang “Trên tin, bạn mến, dân thương - đã đi là đến, đã đánh là thắng”.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ và làm nghĩa vụ quốc tế, Trung đoàn 1 đã tham gia 56 đợt hoạt động, chiến dịch, đánh hàng nghìn trận, trong đó có hàng trăm trận tác chiến quy mô cấp trung đoàn, tiểu đoàn; tiêu diệt và làm thiệt hại nặng 2 chiến đoàn, 2 trung đoàn và hàng trăm tiểu đoàn, đại đội, trung đội của Mỹ, ngụy, quân chư hầu; trực tiếp loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch; thu và phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh.
Với những chiến công oanh liệt, Trung đoàn 3 lần được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1972, 1976, 1979) và 9 cá nhân của trung đoàn cũng vinh dự nhận danh hiệu này.

Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1-U Minh phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.
Phát biểu tại buổi Lễ kết nghĩa và giao lưu, Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1-U Minh nhấn mạnh, hôm nay, 3 trung đoàn kết nghĩa và ký kết có ý nghĩa vô cùng quan trọng để phát huy truyền thống của trung đoàn anh hùng, tạo điều kiện cho toàn quân phát huy truyền thống, giữ vững danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ.
Lễ ký kết này còn để cho thế hệ mai sau tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ và phát huy truyền thống của trung đoàn anh hùng. Những chiến công hiển hách và thành tích vẻ vang qua từng trận đánh trên mọi miền Tổ quốc của 3 trung đoàn luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, trân quý, là điểm tựa, hành trang để thế hệ trẻ hôm nay tự hào viết tiếp những chiến công.

Đại tướng Phạm Văn Trà, chứng kiến lễ ký kết giữa 3 trung đoàn.