Chuyện nhà Tí, chuyện nhà người, chuyện nhà mình

Chuyện nhà Tí hay chuyện (muôn) nhà (bé) tí là những mẩu tí ti của đời sống mà ai trong chúng ta cũng đã hoặc đang trải qua. Nhất là những ai đang sống trong gia đình tam đại đồng đường, những thị dân 'hai quê hương' chuyển dịch qua lại giữa đô thị nhộn nhịp...

Hôm nay trời nắng chang chang
Mèo con đi học chẳng mang thứ gì
Chỉ mang một chiếc bút chì
Và mang một mẩu bánh mì con con

Khi đọc vài mẩu chuyện đầu trong tập Chuyện nhà Tí (và chuyện nhiều nhà khác) của Phan Thị Vàng Anh, tôi lại nhớ đến mấy câu thơ của cùng tác giả viết từ hồi 1975 mà bao thế hệ học sinh đã đọc, đã thuộc, đã ngâm nga đến mức nhiều khi quên mất tên tác giả dù chị gần độc giả chúng ta nhiều lắm. Chị đã đi cùng một thế hệ người trẻ của những năm 1990 và bầu bạn với cả những người trẻ thế hệ tôi bằng Khi người ta trẻ.

Với bút danh Thảo Hảo, chị đồng hành với độc giả qua những năm đầu thập niên 2000, cái thời “kinh tế thị trường” như nhiều người quen gọi (cũng như nhiều người đã lãng quên) trong Nhân trường hợp chị Thỏ Bông. Và giờ là Chuyện nhà Tí, với những vụn vặt đời thường trong bối cảnh đương đại, thời của những nhóm chat trên mạng xã hội, của công nghệ thông tin, của những buổi họp phụ huynh hài hài bi bi. Hài với người đọc và (có lẽ) bi cho người trong cuộc.

Chuyện nhà Tí hay chuyện (muôn) nhà (bé) tí là những mẩu tí ti của đời sống mà ai trong chúng ta cũng đã hoặc đang trải qua. Nhất là những ai đang sống trong gia đình tam đại đồng đường, những thị dân “hai quê hương” chuyển dịch qua lại giữa đô thị nhộn nhịp của tân thế kỷ và nếp sinh hoạt thôn quê vướng vất cuối mùa. Một điển hình trong xã hội Việt Nam hôm nay. Các nhân vật, các gia đình trong Chuyện nhà Tí qua lại giữa các không gian trong nhà ngoài phố, trường học, công viên, miền quê. Giữa những quãng thời gian nghỉ hè, nghỉ Tết, năm học mới… Cho nên dù dung lượng vừa phải, tác phẩm vẫn cho ta thấy một bức tranh bao quát. Nhưng tác giả không cố “nâng tầm vĩ mô” cho những vấn đề mình đề cập. Cũng không chọn mổ xẻ phân tích thực trạng. Chị chỉ cắt ra một khoảnh khắc, một trạng huống, một cái tứ tưởng chừng vô thưởng vô phạt nhưng lại tạo được sự đồng cảm nơi độc giả.

Sách được minh họa bởi tác giả Nguyễn Trương Quý, Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành. Ảnh: CTV

Sách được minh họa bởi tác giả Nguyễn Trương Quý, Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành. Ảnh: CTV

Dung lượng của mỗi mẩu chuyện lại không nhiều, thành ra có cảm giác vừa dắt xe ra khỏi nhà, mới rồ ga một cái thì đã đến nơi. Ấy vì thời buổi này mọi sự diễn ra nhanh quá. Chuyện này chưa kịp kết chuyện khác đã bắt đầu, cứ nối nhau cuốn chúng ta đi trong cái vòng xoay bất tận của thời gian kiếp người. Nói thời gian xoay vòng bởi lẽ tuy từng mẩu chuyện có ghi năm viết, nhưng lại không sắp xếp theo trình tự thời gian. Như đoạn kết sau:

Bà cô tức lắm nhưng biết nói sao, bèn bỏ ra sau vườn, xuống bờ sông ngắm cảnh. Sông lặng lờ trôi, núi mờ hơi nước. Trời mù mù lạnh buốt, hàng xóm nhà nhà cửa khép hờ. Bên sông tiếng karaoke từ sáng tới tối chắc của mấy ông thợ hồ không có việc khiến cho khung cảnh làng quê càng thêm u ám. Bà cô ngán ngẩm, biết ở trong nhà, trẻ con đã lại quây quần bên iPad, đám người lớn thì đang tải hình lên Facebook đợi like. Họ rõ là hay, co ro sát nhau trong chăn ấm cả đấy nhưng comment rôm rả ảnh của nhau y như đang ở cách xa hàng ngàn cây số!!! (trang 123)

Đoạn này trích từ đoản thiên viết năm 2017 có tên Tình trạng chung lúc về quê, thoạt nghe như tựa một bài phóng sự về tình trạng mà rất nhiều người từng nếm trải, chứng kiến và đôi khi là nhân vật trong chính câu chuyện ấy. Một câu chuyện tưởng chừng ai cũng có thể viết (hoặc đã viết) nhưng để viết bằng một lối duyên dáng với giọng văn đậm tính cá nhân như vậy, không phải ai cũng làm được.

Văn trong tập Chuyện nhà Tí là chuyển điệu giữa nghiêm túc và hài hước, giữa cái thường tình đến cái thường hằng. Như Tình trạng chung lúc về quê trích dẫn ở trên, dù viết từ năm 2017 nhưng đọc ở năm 2025 vẫn mới nguyên và cái “tình trạng chung” đó ngày càng phổ biến trong đời sống của chúng ta khi mà hôm nay, bên cạnh chụp hình sống ảo đăng phây, những công dân thời đại còn được phổ cập thêm món tít tốc, món sộp-pe, với những phiên lai chym tố khổ hay bán hàng thâu đêm suốt sáng.

Điều tôi thích ở Chuyện nhà Tí (và chuyện nhiều nhà khác) là tác phẩm không có lời tựa hay lời bạt riêng chung nào, để giới thiệu, để định hướng, hay để khép lại. Từng mẩu chuyện được viết qua nhiều năm, giống như một người tỉ mẩn ghi lại từng nhịp sống của mình, chắt chiu nó, mà không ngờ nó cũng là nhịp sống chung của một thời đại.

Tác phẩm mới nhất này của nhà văn Phan Thị Vàng Anh, như tên gọi, chia thành hai phần: chuyện nhà Tí và chuyện nhiều nhà khác. Từ chuyện nhà Tí phóng chiếu ra chuyện nhiều nhà khác. Từ một gia đình mà nhìn ra muôn vạn gia đình. Tưởng riêng tư như kiểu các bà các mợ vẫn hay dặn “đừng đem chuyện trong nhà ra ngoài đường kể” nhưng lại chạm được vào mẫu số chung của xã hội, trở thành phổ quát.

Sự liên kết, đồng thời là mở rộng đó, tác giả làm được nhờ một lối viết duyên dáng, nhẹ như không. Cái nhẹ bẫng của một người dự phần vào tất cả nhốn nháo của thời cuộc nhưng có khả năng tách mình ra, đứng nép một bên quan sát. Vừa quan sát, vừa ghi nhớ, vừa cười cái cười tủm tỉm. Nụ cười ý nhị, cái tinh thần tỉnh táo, cùng cái nhìn sắc sảo đó là thứ hành trang tác giả mang theo để xông pha vào cuộc đời với những trạng huống nhiều khi khóc một cái cho nhẹ lòng cũng được mà cười xòa bỏ qua cũng xong.

Phan Thị Vàng Anh thành danh trên văn đàn từ đầu những năm 1990 với tập truyện ngắn Khi người ta trẻ. Ảnh: CTV

Xông pha với lòng yêu cuộc sống cũng như chú mèo con hồn nhiên năm xưa, đi học mà chẳng mang thứ gì ngoài mẩu bút chì và mẩu bánh mì con con. Chỉ “con con” mà đáng yêu, mà sống động. Người ta có hình dung được nhịp bước, cái dáng vẻ tươi tỉnh, phơi phới của một tâm hồn sẵn sàng đón nhận, sẵn sàng ghi lại. Ghi lại trung thực, với cái nhìn tò mò nhưng không tọc mạch, hài hước nhưng chối từ móc mỉa. Bởi vì, như bài thơ Gửi VB của Phan Thị Vàng Anh trong tập thơ cùng tên:

Chúng ta là cá và nước
Cá bơi và nước trôi
Chúng ta là bánh mì và chả lụa
Bán riêng và ăn chung
Chúng ta - hai kẻ ghét Hà Nội
Lại bồn chồn khi vào đến Cửa Ô
Sợ đường ra Nội Bài ngang qua những ruộng bắp
Lá ngày đông còn lưa thưa.
Chúng ta - hai vốc cát Quảng Trị
Hai ly trà đá Sài Gòn
Hai cái đầu tưởng lạnh như băng
Vào một ngày rất bình thường
Bị làn gió nhẹ góc hồ Gươm
thổi cho
xiêu vẹo

Trong cuộc sống hôm nay, khi các phương tiện giúp con người kết nối với nhau cực kỳ dễ dàng, suy cho cùng, con người với nhau vẫn là những thực thể đơn lẻ, vừa xa cách vừa gần gũi, như bánh mì và chả lụa có thể “bán riêng” mà cũng có thể “ăn chung”. Và vì vậy, chuyện nhà Tí cũng gần gũi như chuyện nhà người, như chuyện nhà ta, dẫu chỉ là mấy chuyện con con trôi nổi theo dòng đời nhưng tất cả chuyện con con ấy lại góp vào cái xôn xao thời thế, tưởng nhẹ như gió góc hồ Gươm mà cũng đủ thổi cho chúng ta xiêu vẹo.

Cho đến nay, nhà văn Phan Thị Vàng Anh đã xuất bản nhiều đầu sách, trong đó có những tác phẩm ký bút danh Thảo Hảo, Mạch Nha.

Một số tác phẩm của Phan Thị Vàng Anh: Khi người ta trẻ (tập truyện, 1993); Hội chợ (tập truyện, 1995); Nhân trường hợp chị Thỏ Bông (tản văn, 2006); Gửi VB (tập thơ, 2006); Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa (tản văn, 2016); Từ sự mất ngủ của ruồi (tản văn, 2023)…

Chuyện nhà Tí (và chuyện nhiều nhà khác) được minh họa bởi tác giả Nguyễn Trương Quý, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 2.2025.

Huỳnh Trọng Khang

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/chuyen-nha-ti-chuyen-nha-nguoi-chuyen-nha-minh-47665.html
Zalo