Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội
BBK- Chiều 17/2, Quốc hội tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9 để xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng về tổ chức của Quốc hội và Chính phủ.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Đầu phiên họp, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội với 461/461 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, chiếm 100% đại biểu tham gia biểu quyết và chiếm 96,44% tổng số đại biểu Quốc hội. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày được Quốc hội thông qua.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội là đạo luật quy định về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, đã bổ sung và làm rõ hơn thẩm quyền của Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ “làm luật và sửa đổi luật” quy định tại khoản 1 Điều 70 của Hiến pháp năm 2013 và thống nhất với cách thức quy định hiện nay tại dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.
Trước đó, trên cơ sở mục đích, quan điểm chỉ đạo và kết quả rà soát Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội tập trung vào các nội dung: Sửa đổi, bổ sung quy định về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Sửa đổi, bổ sung các quy định về Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; điều chỉnh một số nội dung có liên quan đến việc phân định thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thẩm quyền của Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản liên quan mà qua tổng kết thực tiễn hoạt động từ năm 2016 đến nay có phát sinh vướng mắc, bất cập.
Các nội dung trên đã được đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng tại Tổ đại biểu và tại Hội trường. Các ý kiến đã được cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua.
Theo Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho thấy, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 21 điều (tăng 04 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến) và bãi bỏ 17 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành; bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Sau đó, Quốc hội nghe cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về Phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 – 2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và thảo luận nhất trí cao với toàn bộ Phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 – 2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Từ 15h30, Quốc hội họp riêng để nghe các Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn về các nội dung trên./.