Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội
Sáng 12/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sau phiên khai mạc trọng thể, Quốc hội họp tại Hội trường Diên Hồng để nghe các Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về: Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Tiếp đó, Quốc hội họp tại Tổ đại biểu để thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
![Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì phiên thảo luận tại Tổ đại biểu số 12.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_410_51470422/cba43535047bed25b46a.jpg)
Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì phiên thảo luận tại Tổ đại biểu số 12.
Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công làm Tổ trưởng Tổ đại biểu số 12 (gồm đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Kạn, Ninh Bình, Quảng Bình, Hải Dương) chủ trì các phiên thảo luận tổ.
Trong phiên thảo luận này có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Về dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), các đại biểu đánh giá, đây là dự thảo Luật có ý nghĩa quan trọng, vai trò là nền tảng, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và tổ chức thi hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo Luật được nghiên cứu, sửa đổi toàn diện, với những thay đổi lớn, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra nhằm hạn chế tối đa các quy trình, thủ tục không cần thiết; phân định rõ thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trong hệ thống chính trị; một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính; Chính phủ và các cơ quan trình dự án luật chịu trách nhiệm đến cùng đối với dự án luật do cơ quan mình trình; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, đồng bộ, kịp thời trong xây dựng chính sách, pháp luật giữa Quốc hội và Chính phủ, giữa các bộ, ngành và giữa Trung ương với địa phương; bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phù hợp với những thay đổi trong cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; các quy định cụ thể được điều chỉnh tạo khung khổ pháp lý kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
![Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) thảo luận tại Tổ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_410_51470422/c0c5c154f01a1944400b.jpg)
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) thảo luận tại Tổ.
Thảo luận, góp ý vào dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) tán thành cao với những chính sách lớn được sửa đổi trong dự thảo Luật, trong đó đánh giá cao quy định đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng tách bạch, phân định rõ hơn quy trình lập chính sách và quy trình soạn thảo luật, cùng với quy định cơ quan nào lập chính sách thì cơ quan đó quyết định chính sách theo đúng tinh thần Kết luận số 119 của Bộ Chính trị để làm cơ sở cho việc soạn thảo. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, phân định rõ về chủ thể cho ý kiến và chủ thể tham vấn chính sách đối với cơ quan cấp Bộ (liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp) để thuận lợi trong quá trình thực hiện hoặc cân nhắc không quy định tách 2 chủ thể này để đảm bảo quy trình lấy ý kiến, tham vấn khi xây dựng chính sách. Về vai trò của Quốc hội tham gia vào quy trình xây dựng luật, đại biểu đề nghị cần quy định các cơ quan thẩm tra của Quốc hội được tham gia ngay từ khâu xây dựng dự thảo của cơ quan soạn thảo để tăng cường cơ chế phối hợp giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra trong quá trình trình, thẩm tra, cho ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật.
Đánh giá cao vai trò của Đoàn ĐBQH trong tham gia góp ý xây dựng luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị quy định trong dự thảo Luật việc các cơ quan soạn thảo lấy ý kiến của các Đoàn ĐBQH cũng như lấy ý kiến của các cơ quan liên quan ngay từ khâu soạn thảo để đảm bảo tính thực tiễn, khả thi khi luật được ban hành.
Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, các ý kiến thảo luận cho rằng các nội dung sửa đổi đã bám sát định hướng, chỉ đạo của Trung ương liên quan đến tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, gắn với việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tham gia thảo luận về dự thảo Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy góp ý đối với 2 nội dung: Thứ nhất, về phân định thẩm quyền của Quốc hội trong lập pháp và lập quy, đề nghị dự thảo luật quy định rõ thẩm quyền của Quốc hội làm luật để quy định các việc về tố tụng tư pháp cho đầy đủ; thứ hai là về tên gọi chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu đề nghị quy định ngay trong dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội, trong đó chức năng, nhiệm vụ của các Ủy ban thì nên quy định chung là thẩm tra, giám sát và kiến nghị, còn chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng Ủy ban thì quy định cụ thể trong Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Theo Chương trình Kỳ họp, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đều được Quốc hội xem xét thông qua trong Kỳ họp này theo quy trình tại một kỳ họp./.