Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Sáng hôm nay (23/11), tại Hội trường Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, sau đó các đại biểu sẽ thảo luận tại tổ về dự án này.

Theo chương trình dự kiến, tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13).

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp/Ảnh minh họa

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp/Ảnh minh họa

Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật số 69/2014/QH13 bộc lộ những bất cập, hạn chế như phạm vi điều chỉnh của Luật chưa tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp; chưa bao gồm nội dung cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Việc đổi mới căn bản, toàn diện trong công tác quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 về tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa được thể hiện đầy đủ, bao gồm tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của DNNN.

Bên cạnh đó, tại Luật số 69, việc xác định vai trò của cơ quan quản lý nhà nước với vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa rõ, các quy định mang tính hành chính can thiệp vào hoạt động quản trị doanh nghiệp, chưa thực sự được khắc phục. Việc đầu tư vốn (bao gồm cả việc bổ sung và rút vốn) nhà nước tại doanh nghiệp chưa được quy định cụ thể, chưa tạo tính chủ động, kịp thời, linh hoạt. Việc quản lý lợi ích thu được từ vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp chưa được quy định cụ thể trong luật…

Hiện nay, Luật số 69/2014/QH13 có nội dung “sử dụng vốn nhà nước”, “đầu tư vào sản xuất, kinh doanh” thể hiện sự chi tiết, bó hẹp về cách tiếp cận, hạn chế tính tự chủ của doanh nghiệp trong việc sử dụng vốn, tài sản trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; còn thể hiện sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp; chưa bao quát được công tác quản lý dòng vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; đồng thời chưa bao gồm nội dung sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Do đó, Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đang được xây dựng, nhằm khắc phục các hạn chế của Luật số 69/2014/QH13. Một trong những điểm đột phá của dự thảo là chuyển đổi cách tiếp cận quản lý từ mô hình quản lý pháp nhân doanh nghiệp sang quản lý theo dòng vốn đầu tư. Theo đó, Nhà nước chỉ thực hiện quyền và nghĩa vụ như một nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp có vốn nhà nước linh hoạt hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Dự thảo cũng nhấn mạnh việc phân cấp quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp, giúp giảm tải công việc cho Thủ tướng và nâng cao tính tự chủ cho các cơ quan quản lý. Các quyết định liên quan đến dự án đầu tư sẽ được cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định, giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trong việc ra quyết định.

Thêm vào đó, dự thảo Luật đề xuất các nguyên tắc mới về cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đảm bảo sự phù hợp với cơ chế thị trường và yêu cầu quản lý vĩ mô. Quyền quyết định về chuyển nhượng, hợp nhất hay chia tách doanh nghiệp sẽ thuộc về cơ quan đại diện chủ sở hữu, giúp giảm thời gian và chi phí thủ tục.

Một điểm đáng chú ý là phương pháp đánh giá doanh nghiệp trong dự thảo, chuyển từ các tiêu chí khắt khe sang đánh giá toàn diện dựa trên kết quả tổng thể và kế hoạch kinh doanh đã phê duyệt. Điều này tạo điều kiện để doanh nghiệp linh hoạt hơn trong các quyết định đầu tư.

Những thay đổi trong dự thảo Luật không chỉ khắc phục bất cập hiện hành mà còn tạo nền tảng pháp lý cho một cơ chế quản lý hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế, thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Dự thảo Luật kỳ vọng góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững và cạnh tranh của nền kinh tế.

Huy Tùng

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-quan-ly-va-dau-tu-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-720999.html
Zalo