Trình Quốc hội Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Sáng 23/11, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Phân cấp mạnh hơn

Trình bày tờ trình về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, khi xây dựng chính sách đã xác định “Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác” là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tờ trình.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tờ trình.

Trong quá trình nghiên cứu cụ thể khi xây dựng dự thảo Luật, Chính phủ thống nhất Luật không đưa đối tượng doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác vào trong phạm vi điều chỉnh của Luật và giao cho doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước chịu trách nhiệm.

Theo chương trình dự kiến, tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13).

Theo đó, đối tượng áp dụng gồm: Doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (không bao gồm: Bảo hiểm tiền gửi và ngân hàng chính sách); cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn tại các doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và tổ chức tín dụng do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đối với nguyên tắc, thứ tự phân phối lợi nhuận sau thuế, Chính phủ đề xuất trích không quá 50% vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp, việc quản lý và sử dụng Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Chính phủ. Phần còn lại sau khi sử dụng, trích lập các quỹ theo quy định, doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước.

Theo phương án này, ước tính số nộp ngân sách nhà nước từ nguồn lợi nhuận, cổ tức được chia sẽ giảm khoảng 19.847 tỷ đồng/năm và doanh nghiệp được sử dụng nguồn này theo quy định của Chính phủ.

Liên quan đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, dự thảo Luật tiếp tục phân cấp mạnh hơn cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, doanh nghiệp. Cụ thể, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định chủ trương dự án đầu tư thuộc nhóm A theo quy định của Luật Đầu tư công, hoặc có tổng mức đầu tư bằng mức từ 50% vốn điều lệ ghi trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước 100% vốn điều lệ hoặc có ý kiến để người đại diện vốn biểu quyết quyết định chủ trương dự án đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước từ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ. Doanh nghiệp quyết định phê duyệt và thực hiện dự án đầu tư còn lại.

Tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban TCNS cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh báo cáo thẩm tra dự án Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh báo cáo thẩm tra dự án Luật.

Đa số ý kiến Ủy ban tán thành với quan điểm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gắn với phân công rõ, phân cấp mạnh cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và doanh nghiệp; tách bạch, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Đối với đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, nội dung này được quy định tại dự thảo Luật chủ yếu đưa ra các nguyên tắc xác định nguồn, phạm vi, điều kiện, hình thức đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp. Ủy ban TCNS đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm đúng tinh thần của Nghị quyết số 12-NQ/TW; theo đó, chỉ tập trung đầu tư vốn vào một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực then chốt, thiết yếu hoặc lĩnh vực mà các doanh nghiệp khác không đầu tư.

Về phân phối lợi nhuận và sử dụng Quỹ, Ủy ban TCNS nhận thấy, trích lập tối đa 50% lợi nhuận sau thuế vào Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước đầu tư là phù hợp.

Dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về mục đích sử dụng Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp theo hướng sẽ được thực hiện theo quy định của Chính phủ. Ủy ban TCNS nhất trí và đề nghị bổ sung dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện nội dung này để bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời, Dự thảo Nghị định cần quy định cụ thể về thẩm quyền, quyết định, phạm vi, nội dung sử dụng Quỹ, đảm bảo nguyên tắc vốn nhà nước sau khi đã đầu tư tại doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của doanh nghiệp.

Liên quan đến các quy định về quyết định chiến lược, kế hoạch, danh mục cơ cấu lại vốn, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật vì đã bảo đảm phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW theo hướng nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước, đồng thời, cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ủy ban TCNS cũng đề nghị bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện, trong đó làm rõ hơn thẩm quyền phê duyệt chiến lược kinh doanh của từng cơ quan, tổ chức.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/trinh-quoc-hoi-luat-quan-ly-va-dau-tu-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-164721.html
Zalo